Năm 2007, sốt nhà đất ở miền Bắc chủ yếu ở Hà Nội và Hà Tây. Từ cuối năm, sức nóng đã lan sang các tỉnh lân cận, đặc biệt là Bắc Ninh. Tuy nhiên, có nhiều lời...
Năm 2007, sốt nhà đất ở miền Bắc chủ yếu ở Hà Nội và Hà Tây. Từ cuối năm, sức nóng đã lan sang các tỉnh lân cận, đặc biệt là Bắc Ninh. Tuy nhiên, có nhiều lời cảnh báo về nguy cơ rủi ro của thị trường này.
Tại Bắc Ninh, kể từ đầu cuối năm 2007, giá đất đã tăng gấp rưỡi tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố. Một mảnh đất ngay sát đường Nguyễn Cao, vài tháng trước chào bán giá 300 triệu đồng không ai mua. Nay đến hỏi chủ nhà đã phát giá 570 triệu đồng "không mặc cả".
Mới đây, một đại gia chuyên "buôn đất" đã mua một mảnh phân lô, cạnh trường Chuyên Bắc Ninh với giá 800 triệu đồng. Trước đó mấy tháng giá mảnh đất này được chào bán hơn 500 triệu đồng. Nhưng theo đại gia này, ông mua không hề hớ. "Giá đất sẽ còn tiếp tục lên cao nữa, khu đất này có thể đạt mức 1 đến 1,2 tỷ đồng thời gian tới", ông nói.
Khu Khả Lễ I, nơi có cơ sở hạ tầng, điện, đường... tương đối hoàn thiện có giá tăng khá cao. Hồi giữa năm 2007 chênh lệch chuyển nhượng một mảnh so với giá gốc khoảng 50 triệu đồng không ai ngó ngàng tới. Nhưng từ cuối năm ngoái sang đầu năm nay, giá chênh lệch chuyển đã lên khoảng 150-170 triệu đồng một mảnh.
Chị Yên, một nhà đầu tư đất nhỏ lẻ ở Bắc Ninh cho biết, vừa cách đây một tháng chị hỏi mua đất khu biệt thự An Huy, giá chỉ khoảng 4,5 triệu đồng một m2, thì nay đã lên đến hơn 5 triệu đồng. Tương tự như vậy, giá đất dự án Đại Dương cũng tăng từ 4,5 triệu đồng một m2 lên khoảng 5,7-5,8 triệu đồng một m2.
Nguyên nhân đợt sốt đất ở Bắc Ninh là do một loạt các dự án đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào khu vực này trong thời gian qua, mở ra viễn cảnh tương lai một thành phố trẻ, hiện đại. Cách đây khoảng một năm, khi Bắc Ninh mới lên thành phố, đất giãn dân nhiều, giá sụt xuống, mỗi mảnh chỉ khoảng 200-300 triệu đồng. Nhưng hiện nay, giá mua mỗi suất như thế đã tăng lên gấp rưỡi, nhiều chỗ gấp đôi. Nhiều nhà đầu tư từ Hà Nội cũng đổ xô về đây. Những nhà đầu tư trong tỉnh sau một thời gian dài nghe ngóng khi thị trường ít biến động cũng đang vung tiền chớp thời cơ, mua ở các vị trí đắc địa.
Nhiều nhà đầu tư vẫn tin tưởng giá đất sẽ tiếp tục sốt. Theo thông lệ mỗi đợt sốt đất thường kéo dài khoảng 1-2 năm và hiện giờ mới là thời kỳ đầu. Nhưng theo nhiều chuyên gia nhà đất ở Bắc Ninh, giá đang tăng chậm và có biểu hiện chững lại. Người mua đang dừng lại nghe ngóng. Lượng người mua mấy tuần đầu năm nay giảm đáng kể so với thời điểm cuối năm 2007. Đặc biệt là sau những tin tức sẽ có chính sách thắt chặt thị trường bất động sản của nhà nước.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Trưởng đại diện văn phòng địa ốc ACB miền Bắc, đúng là sức nóng của thị trường bất động sản đang có xu hướng lan rộng, nhưng đây sẽ chỉ là hiện tượng nhất thời. Số lượng giao dịch đất dự án thời gian tăng cao trong thời gian qua một phần là do dư lượng tiền đổ vào thị trường bất động sản lớn. Các biện pháp vĩ mô của nhà nước như hạn chế cho vay kinh doanh bất động sản, thắt chặt nguồn tiền sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến thị trường.
Ông Cường cho rằng, một yếu tố quan trọng nữa gây nên cơn "sốt" của thị trường bất động sản trong thời gian qua là yếu tố tâm lý. Chính yếu tố này làm thị trường bất động sản Việt Nam nhiều khi không đi theo quy luật cung cầu giá càng cao thì lại càng mua vào nhiều. Sở dĩ có chuyện này là vì tâm lý giá đã cao sẽ còn cao nữa. Nếu không mua nhanh thì sẽ tuột mất cơ hội.
Nhiều chuyên gia khác cảnh báo, cũng như thị trường chứng khoán, bất động sản luôn chứa đựng nhiều rủi ro. Thị trường càng phát triển đòi hỏi nhà đầu tư, kinh doanh càng phải có nhiều kiến thức về nó. Tâm lý "đám đông" trong thị trường sẽ rất nguy hiểm với "bong bóng" bất động sản đang nhen nhóm hình thành. Giá đang vượt quá xa so với thu nhập của người dân. Lượng người mua để đầu cơ cũng vượt quá lớn so với người mua có nhu cầu thật, gây nên hiện tượng "cầu ảo".