“Sóng” mới ở Thạch Thất

Cập nhật 02/12/2014 09:39

Chưa đầy 2 tháng gần nhất, huyện Thạch Thất đã đón nhiều tin vui về quy hoạch hạ tầng đô thị: Quy hoạch chi tiết 1/500 KĐT Văn Minh và Quy hoạch chi tiết cụm công trình Bệnh viện Mắt Hà Nội và cơ sở 2 của các bệnh viện: Đa khoa Xanh Pôn, Tim Hà Nội, tỷ lệ 1/500 tại các xã Bình Phú, Phùng Xá.

Chưa đầy 2 tháng gần nhất, huyện Thạch Thất đã đón nhiều tin vui về quy hoạch hạ tầng đô thị: Quy hoạch chi tiết 1/500 KĐT Văn Minh và Quy hoạch chi tiết cụm công trình Bệnh viện Mắt Hà Nội và cơ sở 2 của các bệnh viện: Đa khoa Xanh Pôn, Tim Hà Nội, tỷ lệ 1/500 tại các xã Bình Phú, Phùng Xá.

Ngày 1/10, bản quy hoạch chi tiết KĐT Văn Minh có vị trí tại xã Bình Phú, Phùng Xá (Thạch Thất) và một phần địa giới tại huyện Quốc Oai chính thức vào “menu” của những nhà đầu tư chuyên... “đánh bắt xa bờ” (tìm tới các địa bàn chuẩn bị được hưởng chính sách quy hoạch). Phần lớn diện tích đất KĐT thuộc huyện Thạch Thất (108/123ha), quy mô dân số dự kiến ngót nghét 7.000 người.

"Lướt" cùng quy hoạch

Niềm vui trước hết vẫn đến từ những người dân quanh năm chỉ biết tới ruộng lúa, vườn tược ở Thạch Thất. KĐT sẽ khớp nối với các dự án đang triển khai trong khu vực về cảnh quan kiến trúc lẫn giao thông đô thị. Hơn nữa, trong khu vực quy hoạch, phần đất để làm tuyến đường trục kinh tế Bắc - Nam (đất đường đô thị) có diện tích 7,9ha sẽ được thực hiện theo dự án riêng...

Với sự kết hợp của không gian xanh, mặt nước kênh Đồng Mô, hồ điều hòa với các công trình công cộng, chung cư cao tầng, giấc mơ “làng lên phố” len lỏi sau lũy tre nay sắp thành hiện thực.

Người dân địa phương mừng một, thì dân đầu tư vui gấp bội. Chưa hết phấn khởi sau thương vụ “hời” ở xã Bình Phú cách đây 2 tuần, nhà đầu tư trẻ tên Sơn khẳng định như “đinh đóng cột” về tương lai “đất đẻ ra tiền” ở một huyện vốn chỉ được biết đến qua nhiều cụm danh thắng lịch sử tâm linh.

“Quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt thì việc thực hiện chỉ là trong nay mai. 5 năm, 10 năm không quan trọng, vì khi KĐT thành hình thì mình đã sang tay mảnh đất từ lâu. Mảnh 190m2 ở mặt đường rộng 10m ở Phú Hòa với giá 1,7 tỷ đồng mà tôi vừa mua là kết quả săn đón cả tháng sau khi quy hoạch công bố”, Sơn cho biết.

Người viết tỏ ra nghi ngờ thông tin về giao dịch, lập tức anh này “chìa” ra bản hợp đồng mua bán trao tay (có sàn giao dịch làm bên thứ ba trong giao kèo) và viện dẫn thêm minh chứng sống là một “đồng nghiệp” khác vừa bị chủ đất “đánh tháo”. Chuyện rằng, đầu tháng 11, chủ mảnh đất 160m2 đã chấp nhận chịu phạt cọc vì thấy mức giá 1,95 tỷ đồng là quá... bèo, dù trước đó đã nhận đặt cọc của khách 100 triệu đồng (!)

Quy hoạch đô thị về, bệnh viện trung ương cũng chuẩn bị tìm tới thôn làng

Kiến thức và kinh nghiệm PR hay chiêu trò làm giá, ép giá, thổi giá của dân đầu cơ đã được phổ cập tới từng thôn làng ở Thạch Thất. Đó là nhận định của nhiều môi giới đã “giải nghệ” vài năm nay.

Điều này hoàn toàn hợp lý, dễ hiểu bởi chẳng ai muốn mất thêm khâu trung gian. Nhất là khi Thạch Thất, Quốc Oai hay Ba Vì, Sơn Tây, Đồng Mô thuở trước đã là nơi “chôn vốn, găm tiền” của giới đầu cơ, hơn hết, chứng kiến đầy rẫy những trường hợp “một bước lên đại gia” nhờ bán đất ruộng vườn của các gia đình thuần nông nơi đây.

Lo lắng an sinh, vì sao?

Tra Google, từ khóa dạng “bán đất Bình Phú, Phùng Xá, Ngọc Liệp hay thị trấn Liên Quan” trả về không dưới 350.000 kết quả. Tiếp tục “check” số điện thoại đăng tin bán, đa phần mỗi số liên hệ đều quảng cáo là chủ của nhiều mảnh đất từ 50m2 tới vài trăm m2. Rất khó phân biệt giữa “chủ sở hữu thực” với dân đầu cơ, môi giới lướt sóng bởi các mục tin đều chỉ có đầu mối liên lạc là số điện thoại, chi tiết hơn nữa là email.

Một ngày sau khi Tp.Hà Nội phê duyệt quy hoạch chung 1/5.000 thị trấn Liên Quan đến năm 2030 và đặc biệt là quy hoạch chi tiết 1/500 cụm công trình Bệnh viện Mắt Hà Nội và cơ sở 2 của các bệnh viện: Đa khoa Xanh Pôn, Tim Hà Nội (đều ở Thạch Thất), khó có thể diễn tả được niềm vui của người dân bản địa.

Làm thợ xây ở nội thành, anh Tuy nhận định: “Quê tôi ở tâm vùng quy hoạch thị trấn. Nhà ngoại thì ở Bình Phú. Bệnh viện Nhà nước được xây, cùng với đường xá, cảnh quan khang trang, hiện đại nhờ quy hoạch đương nhiên là vui lắm. Nhưng chỉ e vấn đề xử lý, thoát nước thải, chất thải y tế của cụm bệnh viện này”.

Người dân Thạch Thất từ trước hầu hết sống nhờ làng nghề thủ công và làm ruộng với dân số chưa tới 2 vạn người. Nay đông dân gấp nhiều lần, liệu hệ thống kênh mương, nước sinh hoạt có được xử lý tốt hay không?

Xét mật độ dân số, chỉ duy KĐT Văn Minh đã lên tới 7.000 người (gấp 2,5 lần dân số huyện Thạch Thất tính đến năm 2013 (dữ liệu từ Wikipedia), chưa kể tới các KĐT gần sát như Liên Quan, KĐT sinh thái Quốc Oai...

Đòi hỏi về hạ tầng thoát nước, phục vụ sản xuất (làng nghề), dịch vụ y tế (thoát nước thải), sinh hoạt (nước ăn và nước mưa) đang dần hình thành, dẫu đích đến của các dự án quy hoạch này còn từ 15 tới 35 năm nữa.

Đặc biệt với hơn 1.500 hộ dân ở xã Chàng Sơn - nơi nổi tiếng nhờ nghề mộc và quạt giấy truyền thống, cơn khát nước giữa mùa nóng vừa qua đã được phản ánh như “báo động đỏ” về khan hiếm nước sạch.

Hè về, người người nhà nhà lại thau chậu, thùng phi để đi mua nước sạch, máy khoan giếng, máy bơm, bể lọc hoạt động không ngơi nghỉ. Mạch nước ngầm cũng chỉ có giới hạn trước sự bất lực của người dân.

Nước nhà máy thì ngóng dự án năm này qua năm khác mà “mất hút”. Nay thì quy hoạch đô thị về, bệnh viện trung ương cũng chuẩn bị tìm tới thôn làng… Người dân vẫn “vàng mắt” chờ nước sạch. Vui đấy, mà lo lắng dài dài cũng chẳng phải vô cớ.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh Doanh