Sống không chủ quyền ở chung cư: Dân khổ, Nhà nước thiệt

Cập nhật 24/10/2008 10:00

Việc "treo" sổ hồng không chỉ làm khổ các cư dân chung cư mà còn gây thất thu lớn cho ngân sách! Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở...

Việc "treo" sổ hồng không chỉ làm khổ các cư dân chung cư mà còn gây thất thu lớn cho ngân sách!

Không thể thế chấp

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (hay còn gọi giấy chủ quyền, sổ hồng) cho các hộ dân sống tại chung cư là thủ tục rất bình thường.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, nếu các chủ đầu tư chung cư làm đúng các thủ tục theo yêu cầu sẽ được các quận hoặc Sở giải quyết trong vòng 30 ngày. Câu hỏi đặt ra là, tại sao sổ hồng cho các hộ dân ở chung cư luôn chậm trễ, kéo dài từ năm này qua năm khác? Câu trả lời cũng không quá phức tạp.

Theo quy định, việc cấp sổ hồng ở chung cư chỉ được thực hiện khi đã được cơ quan chức năng nghiệm thu đầy đủ các hạng mục hạ tầng (đường sá, thoát nước, các công trình xã hội… theo đúng giấy phép xây dựng của công trình).

Việc chậm trễ cấp sổ hồng đồng nghĩa với việc chủ đầu tư chưa hoàn công, chưa hoàn tất đầy đủ các hạng mục trong giấy phép xây dựng. Trao đổi với PV, chủ hộ B403 chung cư Gia Phú (Q.Bình Tân, TP.HCM) nói: "Không những sổ hồng bị treo 15 tháng, mà với tôi đến giờ này chỉ có trong tay hợp đồng góp vốn, thậm chí còn chưa có hợp đồng mua bán căn hộ. Về nguyên tắc, chúng tôi muốn vay vốn ngân hàng thì phải có sổ hồng, họ mới cho vay. Trừ trường hợp trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư liên kết với một ngân hàng nào đó để khách hàng có thể vay vốn mua nhà dự án. Tuy nhiên, với phần lớn người dân khi mua nhà chung cư không thông qua ngân hàng, nay muốn vay cũng không được vì hợp đồng góp vốn không thể thế chấp".

Những hộ ở chung cư này có nhu cầu vay vốn làm ăn cũng gặp trở ngại do chưa có sổ hồng mặc dù đã thanh toán 95% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư hơn một năm qua.

Tương tự, đã một năm rưỡi bàn giao căn hộ nhưng đến nay chưa có sổ hồng, nhiều người dân ở chung cư Screc (Q.3, TP.HCM) cũng lên tiếng: "Chúng tôi bỏ ra một số tiền lớn để mua nhà nhưng đến nay không có sổ hồng trong tay nên không an tâm vì không có gì đảm bảo tài sản thuộc về mình".

Một người dân ngụ ở đây, bà Nguyễn Ngọc Lan, nói chủ đầu tư đưa ra lý do khu vực dự án còn 6 hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng khiến dự án chưa được cấp sổ đỏ, còn lâu bà con mới được cấp sổ hồng. Trong khi đó, nhiều cư dân có công ty riêng nên họ rất cần thế chấp sổ hồng để vay vốn ngân hàng nhưng đành bó tay.

Nhà nước thất thu

Như đã nói trên, hầu hết các công trình chậm làm thủ tục cấp sổ hồng đều có nguyên nhân là chưa thực hiện đầy đủ các hạng mục công trình theo giấy phép xây dựng.

Điều này dẫn đến các công trình dở dang, hạ tầng thiếu đồng bộ. Không chỉ thế, cư dân sống trong các chung cư này cũng bị thiệt hại do không được hưởng đầy đủ các tiện ích, hạng mục hạ tầng mà chủ đầu tư đã cam kết trong hợp đồng hay trong quảng cáo khi rao bán căn hộ.

Thiệt hại tiếp theo là gây thất thu cho ngân sách Nhà nước một số tiền khổng lồ. Trên thực tế, hầu hết các căn hộ chung cư đều có tình trạng mua đi, bán lại rất nhiều lần, nhất là những năm gần đây. Tuy nhiên, số tiền thu từ phí chuyển nhượng này lại chạy vào túi của chủ đầu tư thay vì vào ngân sách Nhà nước bởi tình trạng chậm có sổ hồng đang kéo dài.

Cụ thể, phí chuyển nhượng trung bình mà các chủ đầu tư áp dụng hiện nay tại các chung cư vào khoảng 2% - 5% tổng giá trị căn hộ tùy chủ đầu tư quy định. Nếu tính trung bình mỗi căn hộ là 1 tỉ đồng, mức phí chuyển nhượng trung bình là 3% thì phí chuyển nhượng là 30 triệu đồng.

Hàng ngàn căn hộ chưa có sổ hồng mua đi bán lại thời gian qua, tổng số tiền mà các chủ đầu tư đã thu từ phí chuyển nhượng rất lớn, nhưng Nhà nước không thu được khoản này.

Chị Hương, người bán căn hộ diện tích 70m2 tại chung cư H3 (Q.4) cho biết, cuối năm 2006 chị sang nhượng căn hộ của mình cho một người khác. Với mức phí chuyển nhượng là 5%/tổng giá trị hợp đồng, số tiền chị phải nộp cho Công ty dịch vụ công ích quận 4 là khoảng 36 triệu đồng (giá mua bán trên hợp đồng là 10,5 triệu đồng/m2). Như vậy có thể thấy, việc cấp chủ quyền càng kéo dài thì số tiền mà ngân sách Nhà nước thất thu càng lớn.

Những đô thị nham nhở, thiếu đồng bộ; ngân sách Nhà nước thất thu; người dân phải "ở nhờ nhà mình" trong các cao ốc chung cư không hoàn chỉnh… là những hậu quả nhãn tiền từ việc chậm cấp chủ quyền.

Một biện pháp chế tài mạnh để đẩy nhanh công tác cấp giấy chủ quyền tại các chung cư là điều hết sức cần thiết để khắc phục hậu quả của việc này.

Ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho rằng các chủ đầu tư chung cư phải thực hiện sớm thủ tục hoàn công và cấp sổ hồng cho người mua căn hộ chứ không để kéo dài làm Nhà nước thất thu thuế. Trong thời gian qua, các hợp đồng giữa chủ đầu tư và khách hàng thường là hợp đồng góp vốn chứ không phải hợp đồng mua bán nhà, nên cơ quan thuế cũng khó có thể can thiệp được. Một số chủ đầu tư chung cư thu phí chuyển nhượng mà không chịu xuất hóa đơn cũng sai.


>Sống không chủ quyền ở chung cư


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên