Sôi sục giá đất Cần Giờ

Cập nhật 02/11/2007 09:00

Nhiều người từ nội thành TP.HCM đang đổ về xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ để mua đất, đón đầu hai dự án cầu Bình Khánh và cầu Phước Khánh.

Nhiều người từ nội thành TP.HCM đang đổ về xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ để mua đất, đón đầu hai dự án cầu Bình Khánh và cầu Phước Khánh.

Theo những người môi giới đất tại đây, tình trạng khách đổ xô về Bình Khánh mua đất diễn ra hơn một tháng qua. Với thời gian ngắn như vậy nhưng phần nhiều đất tại đây đã được người mua gom hết.

Đặt cọc đến 90% giá trị đất

Cách nay hai năm chị M., ở quận Bình Thạnh, mua miếng đất ruộng tại ấp Bình Thạnh, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, diện tích hơn 3.000m2 với giá gần 290 triệu đồng. Đầu năm 200 7, chị rao bán qua nhiều trung tâm môi giới nhà đất nhưng không thấy ai hỏi mua. Giữa tháng mười vừa qua, chị kẹt tiền nên rao bán lại. Không ngờ lần này có hàng chục khách tới tấp điện hỏi mua và giá cũng tăng gần gấp đôi: lên 540 triệu đồng. Sau khi chị đồng ý bán, người mua đã tự nguyện đặt cọc đến 90% giá trị miếng đất vì sợ chị thay đổi ý kiến, không chịu bán.

Trước đây, người dân ở huyện Cần Giờ bán đất theo mét ngang (1m ngang x chiều sâu của miếng đất) nhưng nay giá đất tăng cao nên tất cả đã chuyển sang bán mét vuông, kể cả đất ruộng.

Giá đất mặt tiền đường Rừng Sác hiện nay dao động từ 550.000 - 600.000 đồng/m2, tăng 100.000-150.000 đồng/m2 so với thời điểm trước đó. Còn đất đã san lấp thấp nhất là 1 triệu đồng/m2. Riêng đất mặt tiền sông Lòng Tàu khoảng 65.000 đồng/m2, mặt tiền sông Soài Rạp từ 250.000 - 300.000 đồng/m2, tăng gấp đôi so với trước đó.

Theo nhân viên chi nhánh Công ty TNHH địa ốc Phúc Đức tại Cần Giờ, không chỉ đất mặt tiền đường Rừng Sác mà đất mặt tiền sông cũng đang khan hiếm. Hiện chỉ còn một vài miếng nhưng chủ đất “hét” giá rất cao. Hiện nay một số người đã “lấn” sâu vào các tuyến đường nhỏ hơn để tìm đất với giá 150.000 - 250.000 đồng/m2, mức giá này đã tăng gấp đôi so với hai tháng trước.

Theo một lãnh đạo UBND xã Bình Khánh, nếu như trước đây mỗi ngày xã xác nhận 2-3 trường hợp chuyển nhượng đất nhưng hiện nay đã tăng lên 7 - 10 trường hợp. Người mua không còn phân biệt đất ở, đất ruộng hay đất lá dừa nước. Đất còn ít trong khi người mua “săn” nhiều đã khiến giá đất thay đổi từng ngày.

Các công ty “gom” nhiều

Theo một công ty môi giới nhà đất tại xã Bình Khánh, khách hàng mua đất tại đây là người dân từ quận 7, huyện Nhà Bè bị giải tỏa ở các dự án “dạt” sang. Nhưng phần lớn là các công ty kinh doanh địa ốc. “Họ gom nguyên thửa, mỗi thửa từ vài trăm đến vài chục ngàn mét vuông. Mua đất xong họ sẽ xin chủ trương giao đất để sau này làm dự án” - giám đốc một công ty môi giới địa ốc thông tin. Cũng theo giám đốc công ty trên, mọi người nhốn nháo mua đất là để đón cầu Bình Khánh và cầu Phước Khánh vì gần đây có thông tin hai dự án này sắp triển khai. Khi đó, đường Rừng Sác hoàn thành, cùng với việc thông hai cầu thì khu vực này sẽ “đẹp” hơn và giá đất sẽ tăng.

Giám đốc công ty trên ước tính hơn một tháng qua, diện tích đất tại xã Bình Khánh bị “gom” lên đến hàng trăm hecta. Ông dự báo việc này có thể chưa dừng lại ở đây vì lượng người đến Bình Khánh mua đất đang còn nhiều.

Cầu Bình Khánh, Phước Khánh nằm trong dự án đường cao tốc liên vùng phía nam TP.HCM vừa được UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Dự án này bắt đầu từ điểm giao với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương kết nối với đường vành đai 3 TP.HCM tại khu vực phía đông huyện Bến Lức (tỉnh Long An) qua huyện Bình Chánh, Nhà Bè (TP.HCM), huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).

Điểm cuối tuyến là điểm giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, có tổng chiều dài 59km. Riêng cầu Bình Khánh sẽ nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ, còn cầu Phước Khánh nối huyện Cần Giờ và Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Dự kiến tổng kinh phí đầu tư khoảng 19.565 tỉ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JIBIC).


Tuy nhiên, theo thông tin từ Ban quản lý các dự án giao thông 9 (đơn vị quản lý dự án - thuộc Bộ Giao thông vận tải), quá trình thi công hai cầu mất khoảng năm năm, chưa kể thời gian đền bù giải tỏa, kêu gọi đầu tư... dự án phải mất ít nhất hai năm nữa. Và như vậy chưa thể thay đổi ngay, làm cho đất tại Bình Khánh trở thành “đất vàng”.


Theo Tuổi Trẻ