“Soi” các chiêu thổi giá bất động sản

Cập nhật 27/04/2015 16:26

Lượng giao dịch căn hộ trong quý I/2015 đã tăng mạnh so với trước đó. Nguồn cung ra thị trường cũng dồi dào với đủ các phân cấp nhà ở. Những thống kê đó cho thấy thị trường bất động sản (BĐS) đã đến lúc tăng giá. Thế nhưng, thực tế có phải vậy? hay do chính sách bán hàng thổi giá của chủ đầu tư (CĐT) nhằm đẩy giá thị trường lên như mong muốn?

Lượng giao dịch căn hộ trong quý I/2015 đã tăng mạnh so với trước đó. Nguồn cung ra thị trường cũng dồi dào với đủ các phân cấp nhà ở. Những thống kê đó cho thấy thị trường bất động sản (BĐS) đã đến lúc tăng giá. Thế nhưng, thực tế có phải vậy? hay do chính sách bán hàng thổi giá của chủ đầu tư (CĐT) nhằm đẩy giá thị trường lên như mong muốn?


Thị trường BĐS ấm dần lên, lượng thanh khoản trong giao dịch cũng tăng đáng kể. Bên cạnh đó, các CĐT cũng làm mọi cách lôi kéo người mua nhà. Hàng loạt chiêu trò như bán gấp, cắt lỗ, khuyến mãi…Một chiêu mới của giới môi giới BĐS hiện nay là tăng giá dần so với những đợt mở bán trước đó để tăng sự hấp dẫn của dự án.

“Soi” hợp đồng mua căn hộ chung cư (CHCC) ký với một CĐT có trụ sở trên phố Phùng Hưng (Hà Nội) có thể dễ dàng nhận thấy, mặc dù các lần nộp tiền đã chia làm 4 đợt (30% - 20% - 20% - 30%), nhưng ngoài ra người mua còn phải nộp tiếp 2% gọi là phí bảo trì trước khi nhận nhà. Việc này được giới đầu cơ BĐS cho rằng, CĐT làm như vậy để cố tình tận thu, thêm đồng nào hay đồng ấy. Thực tế, hiện nay, để thu hút người mua nhà, nhiều môi giới nhà đất cố tình mập mờ trong việc niêm yết giá căn hộ như rao giá chưa thuế, chưa phí bảo trì 2%, bàn giao thô,... nhằm hạ thấp mức giá. Không chỉ vậy, dân môi giới còn thêm vào những lời quảng cáo hấp dẫn như bán giá gốc, suất ngoại giao. Thậm chí với các tin rao ký hợp đồng trực tiếp với CĐT nhưng khi người mua gọi đến thì lại nhận được thông tin là phải mua lại từ một chủ khác (đã kênh giá)... Quan sát thị trường thời gian qua nhận thấy, khoảng 1 năm trở lại đây, hiện tượng tiền kênh khi mua CHCC đã xuất hiện tại một số dự án, việc này khiến cho người mua nhà không biết được đâu là giá thực của căn hộ.

Một chiêu thức phổ biến nữa đang được DN BĐS dùng, đó là tăng giá cao dần trong các đợt mở bán dự án chung cư. Cụ thể, với mỗi lần mở bán, CĐT sẽ “tung” ra số lượng rất ít CHCC để xem phản ứng của thị trường, và số lượng các căn mở bán đợt đầu giá bao giờ cũng khá “mềm”. Nếu số lượng này bán hết ngay thì dứt khoát đợt mở bán sau CĐT sẽ tăng giá lên rất nhiều. Theo nhận định của nhiều chuyên gia BĐS, nếu như nguồn cung khan hiếm thì mới có chuyện tăng giá, thế nhưng trên thị trường BĐS hiện nay lại đang rơi vào một nghịch lý, đó là nguồn cung "dư dả" nhưng giá vẫn cứ tăng. Chiêu thức này đánh vào tâm lý của khách hàng, họ cho rằng dự này đang rất hấp dẫn người mua nên mới có chuyện tăng giá.

Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 20.3.2015, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 70.703 tỉ đồng, giảm 57.845 tỉ đồng (giảm 45%) so với quý I/2013. Trên địa bàn Hà Nội, tính đến 20.3.2015 tổng số tồn kho BĐS khoảng 9.006 tỉ đồng, giảm 8.054 tỉ đồng (giảm 47,21%) so với quý I/2013. Trên địa bàn TPHCM, đến 20.3.2015, tổng giá trị tồn kho khoảng 14.057 tỉ đồng, giảm 14.685 tỉ đồng (giảm 51,09%) so với quý I/2013. Thị trường BĐS bắt đầu ấm lên, giao dịch tăng mạnh kể từ đầu năm 2013 được cho là nguyên nhân khiến tồn kho BĐS giảm mạnh.

Chuyện BĐS đang có dấu hiệu ấm trở lại thời gian qua là có thực, với mỗi nhu cầu và mục đích của khách hàng đối với BĐS là khác nhau, tuy nhiên trước khi “xuống tiền” người mua cần hết sức cẩn trọng, tìm hiểu kỹ dự án cũng như CĐT để tránh tình trạng tiền “chảy” lòng vòng qua nhiều trung gian.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động