Sợ xây dựng trái phép, cấm đủ thứ

Cập nhật 19/06/2010 07:10

Huyện Bình Chánh, TP.HCM thông báo: Tạm ngưng cấp phép mua bán vật liệu xây dựng, tạm ngưng chuyển đất lúa lên đất vườn, ngưng cả cấp phép kinh doanh trang trí nội thất.

Huyện Bình Chánh, TP.HCM thông báo: Tạm ngưng cấp phép mua bán vật liệu xây dựng, tạm ngưng chuyển đất lúa lên đất vườn, ngưng cả cấp phép kinh doanh trang trí nội thất.

Người dân phản ánh: Mấy tháng nay huyện Bình Chánh không giải quyết đất trồng lúa chuyển sang đất vườn. Đất đã được chấp thuận chuyển thành đất vườn cũng bị xã ngăn không cho san lấp, không giải quyết cho làm nhà giữ vườn. Huyện này cũng ngưng luôn việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành vật liệu xây dựng tại hai xã trên. Vì sao?

Xin làm vườn nhưng san lấp bằng… xà bần

Tạm ngưng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành vật liệu xây dựng tại ba xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Bình Hưng là nội dung tại Thông báo số 443, ban hành tháng 4-2010 của UBND huyện Bình Chánh. Văn bản trên còn nói rõ việc tạm ngưng này áp dụng “Kể cả ngành trang trí nội thất, các ngành liên quan đến vật liệu xây dựng như mua bán sơn, bột trét tường, gạch lát nền…”.

Giải thích về các thông báo trên, lãnh đạo xã Vĩnh Lộc A cho biết: Do chủ trương chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng của huyện có dấu hiệu bị lợi dụng, biến tướng thành san lấp, phân lô bán nền, xây dựng không phép nên huyện buộc phải thực hiện việc tạm ngưng. “Có trường hợp khi được chuyển mục đích từ đất lúa lên đất vườn là san lấp đất ngay nhưng lại đổ xà bần làm nền nhà và bắt đầu rao bán. Có trường hợp mới được chấp thuận chuyển thành đất vườn thì chủ đất đã nhanh chân phân làm 16 nền và bán hết 10 nền” - ông Võ Hoàng Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, kể. Theo ông Trần Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, chính vì tình trạng trên mà huyện tạm thời ngưng giải quyết hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất, tạm dừng việc san lấp…


Thi công một nhà xây trái phép ở huyện Bình Chánh. Ảnh: HTD

Về lý do tạm thời không cấp phép kinh doanh vật liệu xây dựng tại ba xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Bình Hưng, lãnh đạo huyện này giải thích là do mặt hàng này có mối liên hệ mật thiết với xây dựng không phép. Ông Trần Trọng Tuấn lập luận: “Có thể thấy ngay tại khu vực đất nông nghiệp, không được xây nhà nhưng lại mọc lên các điểm mua bán vật liệu xây dựng, tập kết vật tư xây nhà là không hợp lý. Nếu không ngăn chặn thì những điểm mua bán này rất có thể tiếp tay cho xây dựng không phép”.

Lập lại trật tự sẽ hết cấm?


Giải thích về cơ sở ban hành các văn bản trên, ông Tuấn khẳng định việc cấm trên xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương và chỉ mang tính chất tạm thời trong giai đoạn huyện đang chấn chỉnh về quản lý đất đai, không phải cấm hẳn. “Việc chuyển mục đích sử dụng đất, cho phép làm nhà giữ vườn sẽ được tiếp tục nhưng sẽ phải tuân theo một quy trình chặt chẽ hơn để khắc phục những biến tướng” - ông Tuấn nói. Ông Tuấn cũng đánh giá rằng những biện pháp ngăn chặn gián tiếp mà huyện thực hiện tại ba xã như trên là có hiệu quả. Tại xã Vĩnh Lộc A, thống kê sơ bộ cho thấy tình hình xây dựng không phép tại địa bàn này trong sáu tháng qua giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo chỉ thị về tăng cường quản lý nhà nước về đất đai xây dựng do huyện mới ban hành ngày 10-6, việc san lấp mặt bằng tại huyện phải kèm phương án xác định rõ loại đất san lấp, cao độ, loại cây trồng, vật nuôi và phải đăng ký UBND xã để giám sát. Phó Chủ tịch xã Vĩnh Lộc A, ông Võ Hoàng Triều, cho hay sắp tới một hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất khi nộp lên xã sẽ phải qua một tổ xét duyệt, gồm đại diện hội nông dân, cán bộ địa chính, môi trường, nông nghiệp... để xem xét trường hợp này có phù hợp chủ trương phát triển của huyện, có hiệu quả về mặt kinh tế không, đối tượng xin phép có hợp lý hay không…

Riêng việc mua bán vật liệu xây dựng tại ba xã nóng về trật tự xây dựng, Chủ tịch UBND huyện, ông Trần Trọng Tuấn, cho hay sẽ “mở cửa” trở lại sau khi tình hình ổn định và sẽ lập một quy hoạch cho ngành này tại địa bàn. Chỉ riêng xã Vĩnh Lộc A hiện đã có 44 điểm kinh doanh vật liệu xây dựng bao gồm có giấy phép lẫn không phép.

Luật Doanh nghiệp đâu cấm

Theo Thông tư 11/2007 do Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn Nghị định 124 về quản lý vật liệu xây dựng, UBND các cấp theo sự phân công của UBND TP quy định khu vực, địa điểm, đường phố được kinh doanh vật liệu xây dựng phù hợp với quy hoạch của địa phương. Như vậy, theo quy định thì cần có một quy hoạch cho ngành vật liệu xây dựng. Trong lúc chưa có quy hoạch nhưng cơ quan có thẩm quyền không cấp mới giấy phép kinh doanh, nếu xét về Luật Doanh nghiệp thì việc hạn chế này chưa phù hợp. - (Đại diện phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM)

Tạm thời thì được


Trường hợp đất lúa chuyển sang làm đất vườn hay nuôi trồng thì không gọi là chuyển mục đích sử dụng đất mà chính xác là chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo chủ trương phát triển kinh tế của huyện. Việc cho phép chuyển đổi căn cứ vào quy hoạch và chủ trương này, nếu phù hợp mà huyện lại cấm hẳn, không cho chuyển đổi, không cho san lấp… vĩnh viễn thì không đúng. Còn trường hợp huyện chỉ tạm ngừng trong một thời hạn nhất định để xem xét lại về tính phù hợp của chủ trương hoặc để chấn chỉnh những biến tướng thì không có gì sai.- (Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Quy hoạch sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trườn)


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP