Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định trong tương lai, sinh viên chỉ chi dưới 100.000 đồng/tháng cho tiền thuê nhà ở
Tại buổi đối thoại giữa Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ với lãnh đạo Bộ Xây dựng về chủ đề “Giải quyết khó khăn về nhà ở sinh viên” tổ chức ngày 29-11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết Bộ Xây dựng đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định sử dụng nguồn vốn trái phiếu để giải quyết nhà ở cho sinh viên.
Hiện nay, sinh viên phải tốn khá nhiều chi phí cho việc thuê nhà ở. Trong ảnh: Một khu nhà trọ được nhiều sinh viên thuê ở TPHCM. Ảnh: Hồng Thúy |
KTX như nhà ở thương mại
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nguồn trái phiếu 8.000 tỉ đồng, trước mắt sẽ tập trung vào các tỉnh và TP có trên 10.000 sinh viên. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 3 triệu sinh viên nhưng chỉ có 15%- 20% sinh viên được ở trong các ký túc xá (KTX), còn lại vẫn phải thuê nhà ở bên ngoài. Trong số 94 dự án nhà ở cho sinh viên đến thời điểm tháng 8 năm nay, đã có 7 dự án hoàn thành và đã bố trí chỗ ở cho khoảng 150.000 sinh viên.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, trong 2 năm 2009 – 2010, quỹ nhà ở sinh viên đã có khoảng 200.000 – 300.000 chỗ ở tập trung tại các TP lớn như TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng... Theo tiến độ, trong năm học 2011- 2012 sẽ có khu KTX khang trang, sạch đẹp với điều kiện chi phí tối thiểu, giá nhà ở phải trả sẽ dưới 100.000 đồng/tháng nhưng vẫn có đầy đủ tiện nghi như internet, khu thể thao, nhà giữ xe..., chất lượng không thua kém nhà ở thương mại.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, cho biết Bộ Xây dựng sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về điều kiện, thủ tục thuê nhà và gửi về các trường thực hiện. Ông Hà cho biết sinh viên trường công lập hay dân lập cũng sẽ hưởng điều kiện thuê nhà như nhau. Tuy vậy, việc thuê KTX sẽ ưu tiên theo thứ tự gia đình chính sách, dân tộc thiểu số, ngoài tỉnh, có hoàn cảnh khó khăn,... Cũng theo ông Hà, với tốc độ xây dựng các KTX như hiện nay, đến năm 2015, sẽ có khoảng 60% sinh viên có chỗ ở trong KTX.
Mỗi năm phải bổ sung 6.000 tỉ đồng
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên được bố trí từ quỹ đất đã được thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy hoạch; được sử dụng quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn và quỹ đất hiện có được quy hoạch xây dựng nhà ở sinh viên trong khuôn viên các cơ sở đào tạo. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng được trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất để lại cho địa phương. Các dự án nhà ở sinh viên đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước được vay từ nguồn tín dụng ưu đãi của Nhà nước và quỹ phát triển nhà ở của địa phương (nếu có).
Để giải quyết một trong những khó khăn hiện nay là nguồn vốn, Bộ Xây dựng đã đề xuất huy động thêm nguồn vốn khác. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, việc huy động vốn vẫn còn gặp không ít khó khăn. Ông Nam cho rằng vốn đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên hiện cần đến 30.000 tỉ đồng và như vậy, theo tiến độ xây dựng, mỗi năm phải bổ sung 6.000 tỉ đồng. Đây là số vốn quá lớn, không dễ đáp ứng kịp thời nếu không được sự quan tâm.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Khảo sát tại một số địa phương về tiến độ xây dựng các dự án nhà ở sinh viên mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy khối lượng giải ngân các dự án đạt từ 80%-99%. Dù được sự quan tâm của chính quyền địa phương, một số sở, ngành, cơ sở giáo dục được giao làm chủ đầu tư dự án, tuy nhiên, quá trình triển khai cũng đã bộc lộ một số bất cập như sự phối hợp giữa các sở chuyên môn với cơ sở đào tạo chưa chặt chẽ, việc bố trí chỗ ở trong KTX chưa báo cáo kịp thời...
Bên cạnh đó, một vài dự án do các đơn vị đào tạo làm chủ đầu tư triển khai chậm. Trong quá trình thực hiện còn nảy sinh một số khó khăn như trượt giá vật tư, nhân công, chiều cao công trình thuộc dự án không đồng đều nên suất đầu tư khác nhau...
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động