Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang gấp rút soạn thảo Chỉ thị chống đầu cơ nhà đất nhằm minh bạch hoá thị trường...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang gấp rút soạn thảo Chỉ thị chống đầu cơ nhà đất nhằm minh bạch hoá thị trường bất động sản (BĐS). Trao đổi về vấn đề này ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), đơn vị được giao chấp bút dự thảo - cho biết: Theo Lao Động
"Thuế chỉ là một biện pháp, để giải quyết những bất cập về cung - cầu của thị trường hiện nay, quan trọng nhất là phải tăng cung".
*Thưa ông, dự thảo Chỉ thị chống đầu cơ nhà đất sẽ tập trung “bắt mạch” những điểm yếu gì của thị trường hiện nay?
Theo tôi, cần phải nhận định đúng cơn sốt nhà đất hiện nay thì mới “bắt mạch” đúng. Thị trường BĐS vừa qua có dấu hiệu ấm lên, nhưng chỉ ấm cục bộ ở một số TP lớn và BĐS là nhà ở, đô thị mới tại các khu vực trung tâm, vị trí đẹp. Song nổi lên là hiện tượng cầu vượt cung, dẫn đến hiện tượng khan hiếm BĐS là nguyên nhân chính tác động đến thị trường.
Ở đây có nguyên nhân từ những bất cập trong cơ chế đấu giá đất ở các địa phương, các công tác liên quan đến bồi thường, GPMB chậm làm cho thủ tục kéo dài, bản thân các chủ đầu tư (CĐT) cũng triển khai dự án hết sức nhỏ giọt như dự án Ciputra (HN), Phú Mỹ Hưng (TPHCM) kéo dài gần chục năm trời, mỗi năm chỉ đưa vào kinh doanh 1 - 2 lô nhà, quá ít so với nhu cầu sử dụng.
Các dự án này đều có tiến độ triển khai đăng ký với các địa phương nên khi không đưa dự án vào đúng tiến độ kéo theo nguồn cung bị hạn chế. Một nguyên nhân nữa là hoạt động đầu cơ trên thị trường BĐS chưa được kiểm soát, hiện tượng các nhà đầu tư (NĐT) găm hàng để chờ giá lên đã đẩy thị trường vào những cơn sốt ảo...
*Việc chưa đánh thuế sử dụng đất đã khiến NĐT cứ việc găm giá. Dự thảo tới đây sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Đúng là chúng ta chưa có thuế tài sản, thuế sử dụng đất còn rất thấp. Tới đây, Bộ Tài chính sẽ phải nghiên cứu điều chỉnh mức thuế sử dụng đất, ban hành thuế sở hữu BĐS theo nguyên tắc đánh thuế luỹ tiến đối với trường hợp sở hữu nhiều BĐS, có nhà đất nhưng không đưa vào khai thác sử dụng, hoặc mua đi bán lại nhiều lần trong thời gian ngắn để hạn chế đầu cơ.
Đặc biệt, đối với các đơn vị chậm triển khai dự án để chờ giá lên; các NĐT sở hữu nhiều BĐS nhưng không đưa vào sử dụng (không cho thuê, chuyển nhượng...), để lãng phí, tạo nên sốt ảo thì cũng sẽ bị đánh thuế.
*Trên thực tế, việc đánh thuế này không đơn giản, nhất là khi tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất chậm chạp như hiện nay, NĐT lại có thói quen mua bán trao tay?
Dự thảo chỉ thị yêu cầu UBND các địa phương phải đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà để có thể giám sát sự công khai, minh bạch của chủ đầu tư BĐS. Từ đó tạo thuận lợi cho việc đánh thuế đúng đối tượng, tránh hiện tượng lách luật, mua bán trao tay. Tuy nhiên, để làm được việc này đúng là không đơn giản, nhưng cứ thực hiện rồi vừa làm vừa có chế tài, không thể thấy khó mà trì hoãn.
*Vấn đề tăng cung cho thị trường sẽ được điều chỉnh thế nào, thưa ông?
Thuế chỉ là một giải pháp. Vấn đề quan trọng nhất để giải quyết căn bản tình trạng nhà đất hiện nay là làm sao tăng cung cho thị trường. Theo đó, các địa phương phải kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư dự án thực hiện đúng tiến độ đã cam kết. Nếu CĐT nào chậm triển khai dự án theo quy định quá 12 tháng sẽ phải bị thu hồi, giao cho CĐT khác. Hiện nay không ít tình trạng các dự án triển khai quá chậm, nhưng địa phương hầu như truy thu phạt rất ít khiến CĐT càng trây ỳ, viện nhiều lý do.
Tới đây phải làm rất quyết liệt. Bên cạnh đó, phải sửa đổi cơ chế đấu thầu chọn CĐT đối với các dự án chưa GPMB, theo hướng chỉ định CĐT thông qua việc kiểm tra năng lực, có cam kết về tài chính và tiến độ thực hiện dự án. Đẩy mạnh đầu tư nhà ở xã hội, kể cả từ ngân sách T.Ư, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác, bao gồm cả vốn ODA tạo quỹ nhà của Nhà nước đủ để từng bước điều tiết thị trường nhà ở.