Sẽ tính toán kỹ lại giá đất để GPMB thuận lợi hơn

Cập nhật 31/12/2007 09:00

Theo Bộ TN&MT, đến nay, cả nước đã có 64/64 tỉnh, thành phố thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐK) cấp tỉnh; 49 tỉnh...

Theo Bộ TN&MT, đến nay, cả nước đã có 64/64 tỉnh, thành phố thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐK) cấp tỉnh; 49 tỉnh, thành phố đã thành lập VPĐK trực thuộc Phòng TN&MT ở 361 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Đồng thời cũng đã 41/64 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất (64%).

Hệ thống VPĐK các cấp tỉnh, huyện mặc dù mới thành lập và hoạt động, còn rất nhiều khó khăn về điều kiện làm việc, kinh nghiệm hoạt động chưa nhiều nhưng kết quả hoạt động của hệ thống các VPĐK đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tiến độ và kết quả thực hiện cấp Giấy chứng nhận (GCN) trong 3 năm qua so với kết quả 15 năm trước: đất sản xuất nông nghiệp cấp được 1.491.440 giấy (tăng 12,2% ); đất lâm nghiệp cấp được 346.853 giấy (tăng 45,3 %); đất ở đô thị cấp được 864.258 giấy (tăng 43,8 %); đất ở nông thôn cấp được 3.499.786 giấy (tăng 42,6 %); đất chuyên dùng cấp được 33.052 giấy (tăng 85,1%).

Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình hoạt động của các VPĐK ở nhiều địa phương vẫn còn có những tồn tại, hạn chế.

Tại nhiều địa phương VPĐK cấp tỉnh còn có sự chồng chéo hoặc chưa phân định rõ chức năng, nhiệm vụ với các đơn vị khác của Sở. Chồng chéo với Trung tâm thông tin TN&MT trong việc quản lý, lưu trữ hồ sơ địa chính; trong việc ứng dụng, quản lý, hoàn thiện phần mềm trong đăng ký đất đai và việc xây dựng, khai thác thông tin đất đai. Chồng chéo chức năng với các phòng chuyên môn của Sở trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.

Một số tỉnh còn giao cho VPĐK những nhiệm vụ khác như: Định giá khi thi hành án, tham gia thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, dịch vụ tư vấn.

Về tổ chức phát triển quỹ đất, cơ quan này được giao thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong trường hợp thu hồi đất sau khi có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà chưa có dự án đầu tư.

Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có một số tổ chức được giao ngân sách để thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng thì mới chủ động thực hiện nhiệm vụ này. Nhiều địa phương do thiếu vốn đầu tư nên chỉ thực hiện việc thu hồi đất khi có dự án đầu tư, ngân sách giải phóng mặt bằng được giao cho UBND cấp huyện. Tổ chức phát triển quỹ đất đóng vai trò phối hợp thực hiện nhiệm vụ.

Thực tế chưa có Tổ chức phát triển quỹ đất nào nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu vực có quy hoạch phải thu hồi đất mà người sử dụng đất có nhu cầu chuyển đi nơi khác trước khi Nhà nước thu hồi đất.

Khó khăn lớn nhất đối với các tổ chức phát triển quỹ đất hiện nay là sự chưa rõ ràng về cơ chế tài chính. Tổ chức phát triển quỹ đất là tổ chức sự nghiệp có thu nên không được vay vốn ngân hàng. Một số tỉnh đã vận dụng thực hiện việc cho Tổ chức phát triển quỹ đất được ghi vốn ngân sách.

Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế, bị động. Trong nhiều trường hợp, trung tâm phát triển quỹ đất vô hình chung trở thành “tư vấn” cho nhà đầu tư, mất đi vai trò chủ động...

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, Bộ trưởng Bộ TN&MT - Phạm Khôi Nguyên cho biết, sắp tới Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tính toán kỹ lại giá đất tại các khu đô thị, khu ngoại vi, để công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thuận lợi hơn. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành quy định cụ thể về phí, lệ phí trong quản lý đất đai, cơ chế thu và chi của Tổ chức phát triển quỹ đất và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Có thể cho phép Tổ chức phát triển quỹ đất làm dịch vụ tư vấn cho UBND cấp huyện trong việc điều tra, khảo sát, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với trường hợp đất thu hồi đất đã có dự án đầu tư. Tổ chức phát triển quỹ đất phải thực hiện trình tự thủ tục lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và các yêu cầu khi xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.

Theo Hanoinet