Để sớm hoàn thành thủ tục thu hồi, đền bù, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu khởi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và thi công đúng tiến độ đã ký kết...
Dù tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được dự kiến khởi công trong tháng 12 này, nhiều hộ dân có khả năng bị thu hồi đất phục vụ dự án đến nay vẫn tạm yên tâm vì các cơ quan chức năng chủ trương giải phóng trước phần đất hiện các ban, ngành nhà nước đang quản lý, sử dụng.
Để sớm hoàn thành thủ tục thu hồi, đền bù, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu khởi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và thi công đúng tiến độ đã ký kết, đối với phạm vi chỉ giới đường đỏ đã được duyệt cho đoạn tuyến từ Cát Linh đến Ba La - Hà Đông, Cục Đường sắt VN đã đề nghị TP Hà Nội chấp thuận thu hồi đất trên địa bàn các quận tuyến này sẽ đi qua (Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông) theo giai đoạn và thứ tự, trong đó ưu tiên thu hồi trước phần đất hiện các ban, ngành Nhà nước đang quản lý.
Theo Cục này, dự án sẽ thu hồi giai đoạn 1 đất do Nhà nước đang sử dụng tại quận Đống Đa dọc theo dải phân cách giữa đường Hoàng Cầu và hồ Đống Đa, tại quận Thanh Xuân dọc dải phân cách giữa đường Nguyễn Trãi - Trần Phú và giai đoạn 2 tại quận Hà Đông dọc dải phân cách giữa đường Trần Phú - Quang Trung.
Cát linh - Hà Đông là một trong gần một chục dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đã, đang và sắp được nghiên cứu, triển khai. |
Theo một dự kiến, từ quý III-2009, Cục Đường sắt Việt Nam từng mong muốn khởi công dự án này vào tháng 11 (chậm gần 1 năm so với yêu cầu trước đây của Bộ GTVT) và lấy địa điểm khởi công là khu vực phố Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa) do đoạn tuyến qua đây "rơi đúng vào" dải phân cách giữa rộng khoảng 5m. Như vậy, khối lượng di dời công trình hạ tầng kỹ thuật ít, chủ yếu là các cột điện cảnh quan.
Cục Đường sắt VN cũng đã từng đề nghị Hà Nội bàn giao trước mặt bằng dự án thuộc quận Đống Đa (tại phố Hoàng Cầu và hồ Đống Đa) để nhà thầu khởi công, thi công dự án.
Tuy nhiên, lại một lần nữa dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông không thể khởi công như đã định, mà tiếp tục dự kiến trong tháng 12.
Ban Quản lý dự án đường sắt đã đề nghị các quận liên quan thông báo bằng văn bản cho người sử dụng đất thuộc khu vực phải thu hồi về việc đo vẽ, chỉnh lý bản đồ địa chính... cũng như phương án tổng thể giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư - với mong muốn nhận được sự chấp hành, phối hợp của những người bị thu hồi đất.
Riêng với mặt bằng khu depot thuộc địa phận phường Phú Lương (quận Hà Đông), Cục Đường sắt VN cho biết đã tiếp nhận 87.295,2m2 đất thôn Nhân Trạch (cũ) và bàn giao ngay cho nhà thầu Trung Quốc để triển khai dự án.
Với việc đồng thời triển khai cùng lúc 2 dự án đường sắt đô thị, hy vọng 5 năm tới, giao thông nội đô sẽ đổi khác. (Ảnh minh hoạ: VNN) |
Theo Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Trần Phi Thường, với phần diện tích còn lại thuộc thôn Vân Nội cũ (phường Phú Lương), Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận Hà Đông đã kiểm đếm xong từ giữa tháng 10/2009, nhưng đến cuối tháng 11 phương án đền bù, hỗ trợ cụ thể vẫn chưa hoàn tất.
"Cục Đường sắt VN đã đề nghị UBND quận Hà Đông và Hội đồng (trên) tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại thuộc khu vực depot để sớm bàn giao cho Cục xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông" - ông Trần Phi Thường cho hay.
Cũng nhằm phục vụ thi công tuyến đường sắt này, rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật sẽ phải di dời. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt Đặng Văn Linh cho biết, thời hạn di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, bàn giao cho chủ đầu tư từ khu vực depot ra bến xe Yên Nghĩa (QL 6) là tháng 12/2009.
Khu vực từ bến xe Yên Nghĩa đến hết quận Hà Đông và từ Cầu Mới - Ngã Tư Sở đến ngõ Thái Thịnh II là tháng 3/2010, từ quận Hà Đông đến Cầu Mới - Ngã Tư Sở là tháng 6/2010 và cuối cùng là từ ngõ Thái Thịnh II đến ga Cát Linh (tháng 9/2010).
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt nhẹ đi trên cao, có chiều dài hơn 13km, với điểm đầu của tuyến là nút giao Cát Linh - Giảng Võ và điểm cuối là bến xe Hà Đông mới cạnh quốc lộ 6.
Trên toàn tuyến được bố trí 12 ga, khoảng cách trung bình giữa các ga trên tuyến là 1km. Tuyến được xây dựng theo khổ đường đôi 1.435mm; sử dụng sức kéo điện với đoàn tàu gồm 4 toa (giai đoạn đầu khai thác) hoặc 6 toa (giai đoạn về sau khi lưu lượng giao thông tăng) với sức chở tương ứng là 1.326 và 2.008 hành khách, tần suất vận chuyển tối đa 2 phút/chuyến; năng lực vận chuyển cao nhất 28.500 khách/giờ.
Dự án có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD. Trong đó, 85% là vốn vay của Trung Quốc, còn lại là vốn đối ứng trong nước.
Dự án được chia thành 7 gói thầu, trong đó gói thầu chính của dự án là gói thầu số 1 (gói thầu EPC) có tổng giá trị 350,573 triệu USD. Dự án do Cục ĐSVN làm chủ đầu tư.
Cục ĐSVN cho biết, thời gian thực hiện khảo sát - thiết kế trong vòng 9 tháng. Phần xây dựng và lắp đặt thiết bị là 48 tháng (với điều kiện có mặt bằng sạch) và 3 tháng vận hành thử.
Dự kiến đến năm 2014, tuyến đường sắt này sẽ đi vào khai thác.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet