Sẽ siết chặt quản lý tài sản nhà nước

Cập nhật 26/09/2007 09:00

Thực tế việc quản lý tài sản nhà nước (TSNN) còn nhiều bất cập. Tình trạng cơ quan nhà nước cho thuê nhà rất phổ biến...

Thực tế việc quản lý tài sản nhà nước (TSNN) còn nhiều bất cập. Tình trạng cơ quan nhà nước cho thuê nhà rất phổ biến nhưng không rõ tiền cho thuê đó được sử dụng như thế nào. Tôi nghĩ việc này đã làm lãng phí, thiệt hại cho ngân sách nhà nước".

Ông Trần Thế Vượng, trưởng Ban Dân nguyện, thắc mắc như vậy tại buổi thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật quản lý và sử dụng TSNN, chiều 24/9.

Dẫn chứng thêm về những bất cập trong quản lý TSNN, ông Vượng cho biết việc cấp nhà cho cán bộ rồi hóa giá như nhau bất kể đó là nhà vài chục mét vuông hay là biệt thự đã gây ra những phức tạp, tạo bức xúc trong xã hội.

Một dẫn chứng khác là việc đơn vị quản lý bay mỗi năm thu 1.400 tỉ đồng tiền phí, lệ phí bay qua vùng trời VN và có tới 32% (khoảng 400 tỉ đồng) được giữ lại dùng để mua sắm trang thiết bị.

Theo tờ trình của Chính phủ, việc thiếu vắng môi trường pháp lý trong thời gian qua đã dẫn đến tình trạng quản lý TSNN lãng phí, thất thoát. Tình trạng sử dụng TSNN sai mục đích, lãng phí tập trung ở tài sản là đất đai, trụ sở làm việc, đầu tư mua sắm tài sản vượt định mức, vượt mức giá cho phép.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nói Chính phủ đã có quyết định về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và các địa phương đang tiến hành rà soát. Theo đó, TSNN nào thừa, không sử dụng sẽ bị coi là lãng phí nên Nhà nước sẽ thu hồi.

Ông Ninh cho biết dự luật quản lý và sử dụng TSNN sẽ qui định cơ quan hành chính không được cho thuê TSNN, chỉ những đơn vị sự nghiệp mới được phép tận dụng tài sản để cho thuê.

* Thảo luận về dự thảo Luật thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng phải qui định giá tài sản bị trưng mua là giá thị trường tại thời điểm công bố quyết định trưng mua, thay vì qui định thỏa thuận như trong dự thảo luật. Thời hạn thanh toán tiền trưng mua tài sản được qui định tối đa không quá 15 hoặc 30 ngày, tùy từng trường hợp.

Đối với trưng dụng tài sản, thời hạn trưng dụng không quá 10 ngày. Nếu tài sản trưng dụng bị mất thì người có tài sản trưng dụng được bồi thường bằng tài sản cùng loại hoặc tài sản cùng tính năng, cùng tác dụng hoặc được bồi thường bằng tiền mặt. Tài sản trưng dụng bị hư hỏng, giảm chất lượng thì tổ chức, cá nhân được giao sử dụng tài sản trưng dụng có trách nhiệm sửa chữa, khôi phục theo hiện trạng hoặc bồi thường thiệt hại.

Theo Tuổi Trẻ