Hà Nội cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù để có thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm phát triển Thủ đô xứng đáng là bộ mặt của cả nước.
Hà Nội cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển mạnh mẽ hơn. |
Chiều 4/11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đọc Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thủ đô.
Sửa đổi bất cập về pháp lý
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, sau gần 10 năm thi hành, Pháp lệnh Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập cả từ khía cạnh pháp lý, cũng như khả năng giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tế vì chưa có nhiều quy định mang tính định lượng và cơ chế bảo đảm thi hành trên thực tế về xây dựng và phát triển Thủ đô.
Bên cạnh đó, nhiều quy định của Pháp lệnh Thủ đô đã không thể thực thi được do các quy định trong các đạo luật mới được Quốc hội thông qua có tính pháp lý cao hơn như Luật cư trú…
Việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội theo Nghị quyết của Quốc hội cũng đang đặt ra cho Hà Nội những vấn đề thực tế trước mắt, cũng như lâu dài phải xử lý.
Vì vậy, để có thể giải quyết những vấn đề đặt ra, cần thiết phải nâng Pháp lệnh lên thành Luật, tạo cơ sở pháp lý xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô theo một số chính sách, cơ chế đặc thù, góp phần xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay đối với Hà Nội, cũng như đề ra những định hướng lâu dài, ổn định cho việc xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô trong tương lai.
Cơ chế đặc thù không được tạo ra thiết chế riêng
Đây là vấn đề được Ủy ban Pháp luật đặt ra trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô. “Uỷ ban Pháp luật tán thành cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội để có thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm phát triển Thủ đô xứng đáng là bộ mặt của cả nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận khẳng định.
Tuy nhiên, thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng, quá trình xây dựng đạo luật này cần lưu ý một số vấn đề như việc đặt ra các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô phải “bảo đảm không trái với Hiến pháp, không tạo ra một thiết chế độc lập, thiếu sự gắn kết về nghĩa vụ, trách nhiệm của Thủ đô với Trung ương và với các địa phương khác”.
Vì thế, Ủy ban Pháp luật chưa đồng tình với quy định của dự thảo giao cho “Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng, trình Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn liên quan đến các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Chương II của Luật này mà chưa được pháp luật quy định”.
Áp dụng luật chuyên ngành nếu có quy định khác
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường |
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng ban Soạn thảo dự án Luật Thủ đô nhấn mạnh, dự thảo Luật này bổ sung cho hệ thống pháp luật hiện hành quy định một số vấn đề về Thủ đô. Vì thế, về nguyên tắc Luật không được trái với các quy định của Hiến pháp.
“Nếu không có quy định khác với các luật trước thì ban hành để làm gì, bởi đây là luật chuyên ngành có tính đặc thù. Về ý kiến cho rằng Luật này có trái với luật khác hay không thì Quốc hội sẽ quyết định. Còn về nguyên tắc thì Luật ban hành sau có quy định khác thì thực hiện Luật ban hành sau, Luật chuyên ngành có quy định khác thì áp dụng Luật chuyên ngành thay vì luật chung”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường phân tích.
Vẫn theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các quy định chung về cư trú hiện nay khó vận dụng đối với khu vực nội thành của Hà Nội cũng như TP. Hồ Chí Minh bởi quá dễ dãi như hiện nay đã để hậu quả lớn về xã hội như ùn tắc giao thông, hạ tầng đô thị nhếch nhác...
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng nhấn mạnh, dự thảo Luật Thủ đô còn có những quy định đặc thù về chiến lược phát triển KT-XH Thủ đô một cách bền vững như phát triển công nghệ cao, chiến lược giáo dục đào tạo, chính sách cơ chế tài chính, quản lý dân cư… để phát triển Thủ đô.
Theo dự kiến chương trình, chiều ngày 6/11 Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Thủ đô.
DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ