Sẽ khoan lõi hầm dìm Thủ Thiêm để đánh giá chất lượng

Cập nhật 30/03/2009 14:40

Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM (chủ đầu tư công trình hầm Thủ Thiêm) đề nghị khoan lõi hầm dìm...

Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM (chủ đầu tư công trình hầm Thủ Thiêm) đề nghị khoan lõi hầm dìm để đánh giá chất lượng hầm.

Hội đồng này đã đề nghị UBND TP.HCM tổ chức đánh giá chất lượng bê tông hiện trạng của 4 đốt hầm dìm bằng việc thí nghiệm các mẫu khoan lấy lõi bê tông hầm.

Hội đồng đề xuất nhà thầu thực hiện thí nghiệm, lập đề cương thí nghiệm, nêu vị trí lấy mẫu, số lượng mẫu cần khoan, quy trình lấy mẫu, phương pháp thí nghiệm…

Việc khoan lõi bê tông, theo Hội đồng nghiệm thu nhà nước, là một trong các biện pháp nhằm đánh giá cường độ và độ chống thấm của bê tông tại 4 đốt hầm dìm một cách đầy đủ nhất.

Từ tháng 6/2008 đến nay, ngay sau khi phát hiện các vết nứt ở hầm dìm, công tác nghiên cứu, tìm giải pháp khắc phục các vết nứt vẫn được tiến hành.

Một đơn vị tư vấn của Úc đã được chọn để đánh giá nguyên nhân vết nứt, tìm ra các giải pháp chống thấm, đảm bảo độ bền của hầm dìm trên 100 năm như thiết kế.

Tuy nhiên, đa số các chuyên gia xây dựng của Việt Nam lo ngại, độ bền của các loại phụ gia chống thấm sẽ không tương xứng với độ bền của công trình. Một số ý kiến của chuyên gia cho rằng, nên bọc bên ngoài hầm dìm một lớp “áo” bằng thép không gỉ, dày khoảng 6-8 mm để đảm bảo sự chống thấm và an toàn cho hầm dìm trong quá trình khai thác, sử dụng.

Hầm Thủ Thiêm là hầm vượt sông dài nhất Đông Nam Á, vượt qua sông Sài Gòn (gồm 4 đốt hầm dìm, dài 370 m). Nhưng ngay khi đúc xong tại bãi đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai), hầm đã bị nứt với số vết nứt, đến nay vẫn chưa thống kê đầy đủ. Các mặt tường và bản đáy, đỉnh của 4 đốt hầu như ở vị trí nào cũng có vết nứt với nhiều hình dạng, mức độ khác nhau, có cả những vết nứt xuyên qua chiều dầy bê tông của hầm dìm.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet