Nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc quy mô và thiết kế, coi chừng phá vỡ giá trị văn hóa, lịch sử của cầu Long Biên
Nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc quy mô và thiết kế, coi chừng phá vỡ giá trị văn hóa, lịch sử của cầu Long Biên
Theo Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI, đơn vị được giao thiết kế cầu đường sắt mới); chiếc cầu này sẽ có chiều dài 1.754,5 m, cách cầu Long Biên 30 m.
Trong đó phần cầu chính dài 1.089,2 m gồm các dàn thép có khẩu độ 106 m, 181 m, 75 m dạng vòm liên kết cân bằng liên tục kết hợp dàn Warren, có kiến trúc gần giống cầu Long Biên hiện tại. Riêng phần cầu dẫn gồm các nhịp dầm bê tông khẩu độ từ 20 đến 50 m, đầu cầu Hà Nội gồm 11 nhịp, đầu cầu Gia Lâm gồm 9 nhịp.
Dỡ bỏ đường sắt trên cầu Long Biên
Cùng với dự án cầu đường sắt trên cao bắc song song với cầu Long Biên, một dự án khôi phục cầu Long Biên đang được Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội triển khai với mục tiêu bảo tồn, khôi phục hình dạng ban đầu (hình dạng cầu trước năm 1965, trước khi bị bom đánh sập 2 nhịp).
Phía Tổng Công ty Đường sắt VN đã thống nhất sẽ dỡ bỏ đường sắt trên cầu Long Biên và nâng độ cao thông thuyền lên 3 m cho tương đương với cầu Chương Dương. Việc dỡ bỏ đường sắt sẽ giúp cầu Long Biên giảm tải và phù hợp với thiết kế, vì đường sắt đô thị trên cao phải là đường đôi trong khi cầu Long Biên chỉ có đường sắt độc đạo và không thể mở thêm.
Cần tính toán nghiêm túc
Nhà sử học Dương Trung Quốc ủng hộ việc tháo dỡ phần đường sắt khỏi cầu Long Biên vì tuổi thọ cây cầu đã không còn gánh vác được nhiệm vụ và cũng không còn phù hợp với đường sắt hiện đại.
Tuy nhiên, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh rằng cầu Long Biên không chỉ đơn thuần là tuyến giao thông mà đã là một phần giá trị văn hóa, lịch sử của thủ đô ngàn năm tuổi.
Tuyến đường sắt cầu Long Biên rồi đây sẽ bị tháo bỏ. Ảnh: T.Dũng |
Giá trị lịch sử, kiến trúc của cầu Long Biên trăm năm tuổi không cho phép một sự chuyển đổi, cải tạo cẩu thả. Vì vậy, việc xây dựng cây cầu mới nằm cách cầu Long Biên 30 m cần có sự tính toán nghiêm túc với sự tham gia góp ý của nhiều giới chuyên môn bởi nếu không, cây cầu mới sẽ như “hàm cá mập” nuốt cầu Long Biên.
“Ngoài công năng về giao thông, cầu Long Biên còn là không gian văn hóa. Về lâu dài, cầu Long Biên có thể hướng tới là một quảng trường trên sông, một không gian để Hà Nội thực hiện các hội chợ, triển lãm hay lễ hội”-ông Dương Trung Quốc gợi ý.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, ông Nguyễn Tấn Vạn, cho hay dự án cải tạo cầu Long Biên và xây dựng cầu đường sắt mới bắc qua sông Hồng đã được bàn đến từ rất lâu và có nhiều ý kiến khác nhau về phương án cải tạo cầu cũ cũng như vị trí, quy mô của cầu mới. Ông Vạn ủng hộ việc xây dựng cầu đường sắt mới để giải bài toán quá tải giao thông đô thị Hà Nội.
Tuy nhiên, theo ông Vạn, do vướng vào quy hoạch tuyến đường sắt trên cao nội đô nên việc kéo dài khoảng cách cầu đường sắt mới với cầu Long Biên rất khó thực hiện và chỉ tính đến được tối đa là 50 m.
Ông Vạn cũng thống nhất rằng điều quan trọng hiện nay là việc xác định quy mô, kiến trúc của cầu đường sắt mới phải hết sức cân nhắc trên nhiều phương diện để vừa bảo đảm thông tuyến nhưng vẫn bảo tồn, không xâm hại đến cảnh quan và giá trị của cầu Long Biên.
Hai phương án sửa cầu Long Biên
TEDI đề xuất 2 phương án sửa chữa cầu Long Biên. Phương án 1 là xây dựng khổ cầu có bề rộng 15,5 m (gồm bề rộng phần dàn phía trong là 4,75 m, phần cánh gà mỗi bên là 3,875 m).
Điểm mạnh của phương án này là sẽ không làm tải trọng truyền lên trụ tăng lên quá nhiều, đồng thời do cánh gà không phình quá lớn nên kiểu dáng cầu sẽ giống với hình dạng trước năm 1965. Phương án 2 là sẽ mở rộng để bảo đảm bố trí được hai làn ô tô chạy bên trong, phần cánh gà mỗi bên rộng 2,5 m dùng cho xe máy và xe thô sơ.
Về cấu tạo bản mặt cầu, kiến nghị sử dụng kết cấu bản trực hướng để giảm tải trọng truyền xuống trụ và giảm trọng lượng kết cấu dàn thép. Điểm mạnh của phương án này là sẽ tạo mặt cắt ngang cầu, nhờ đó sẽ tách được ô tô và xe máy riêng rẽ, đồng thời giúp tổ chức giao thông hợp lý hơn.
Vốn dự kiến thực hiện dự án khoảng 3.177,5 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện dự kiến khoảng 43 tháng không bao gồm thời gian lập dự án, trình duyệt, làm thủ tục vay vốn, đàm phán và ký kết hợp đồng.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động