Sau hàng chục năm bị lấn chiếm, san lấp, thêm vào đó là những hạn chế trong công tác quản lý đất đai của chính quyền cơ sở, diện tích Đầm Hồng đã bị thu hẹp đáng kể. UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết sẽ đề xuất với UBND thành phố điều chỉnh lại quy hoạch đầm để giữ gìn lá phổi xanh…
Sau hàng chục năm bị lấn chiếm, san lấp, thêm vào đó là những hạn chế trong công tác quản lý đất đai của chính quyền cơ sở, diện tích Đầm Hồng đã bị thu hẹp đáng kể. UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết sẽ đề xuất với UBND thành phố điều chỉnh lại quy hoạch đầm để giữ gìn lá phổi xanh…
Khóc dở mếu dở vì phán quyết “treo” suốt 15 năm
Lỡ bỏ tiền mua phải phần đất do chính quyền xã bán trái phép, những người dân thuộc khu vực đầm Sen, đầm Hồng (nay thuộc tổ 19 - phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) phải lâm vào cảnh khóc dở, mếu dở khi TAND thành phố Hà Nội tuyên bản án số 757, tháng 9/1995 về vụ "vi phạm quản lý, sử dụng đất đai" tại khu vực này…
Ngoài việc xử lý một số đối tượng vi phạm quản lý, sử dụng đất đai tại khu vực Đầm Hồng, bản án còn quyết định thu hồi 2.500m2 đất (thuộc khu vực phường Khương Đình hiện nay) do các bị cáo đã mua đi bán lại bất hợp pháp, giao cho chính quyền địa phương quản lý và giải quyết theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, cho đến nay, đã gần 15 năm, phán quyết tịch thu 2.500 m2 đất tại khu vực đầm Hồng, đầm Sen của tòa vẫn chưa được thực hiện dứt điểm. Bản án vẫn “treo” lơ lửng trên đầu dân, khiến cho những ngưỡi lỡ mua phải đất “sai phạm” khóc dở mếu dở.
Sau nhiều năm buông lỏng quản lý, đầm Hồng đã bị lấn chiếm trầm trọng. |
Phán quyết này cũng khiến cho công tác quản lý đất đai của chính quyền nơi đây gặp khó. Một số đối tượng đã lợi dụng tình trạng này để san lấp, lấn chiếm lòng hồ trở lại như VietNamNet đã nêu vừa qua.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chính việc xử lý bản án không triệt để đã đẩy cuộc sống của một số người dân vào tình cảnh khóc dở, mếu dở. “Chúng tôi không được xây nhà, không được cấp điện, cấp nước, đường xá và vệ sinh môi trường cũng không được phường quan tâm đầu tư. Mãi đến mấy năm gần đây, kêu khản cổ mới có điện có nước, ai làm nhà đều phải lén lén, lút lút…” - ông Võ Văn Vinh, tổ trưởng dân phố tổ 19 – phường Khương Đình, nơi những người dân lỡ mua phải “đất sai phạm” từ 20 năm trước bức xúc nói.
Những người dân ở đây cho biết thêm, ngoài chuyện đường xá, điện nước vệ sinh môi trường… do "ảnh hưởng của bản án 757", một thời gian dài họ sống “ngoài vòng quản lý” của chính quyền địa phương vì không làm được hộ khẩu, khai sinh, đăng ký kết hôn… cũng như các giấy tờ cần xác nhận, chứng thực của UBND phường.
Những sai phạm về đất đai từ 20 năm trước tại đầm Hồng cứ nhì nhằng mãi và vì thế bản án số 757, năm 1995 của TAND thành phố Hà Nội trở thành bản án “treo” lơ lửng trên đầu những cư dân đầm Hồng nhiều năm nay.
Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, có khá nhiều cuộc họp, văn bản từ cấp thành phố đến cập quận, phường nhưng đến nay những bất cập mà bản án 757 để lại vẫn chưa được xử lý thỏa đáng.
Theo phân tích của ông Thái, phán quyết thu hồi 2.500 m2 đất mua bán trái phép tại đầm Hồng của bản án số 757 đã không chỉ ra những mốc giới thu hồi cụ thể khiến cho việc thực hiện bản án gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, việc ra quyết định thu hồi đất là thuộc thẩm quyền của chính quyền, tòa án chỉ có thể đề nghị chính quyền các cấp ra quyết định thu hồi.
“Chỉnh” quy hoạch để chống lấn chiếm
Theo bản quy hoạch chi tiết quận Thanh Xuân tỷ lệ 1/2000 năm 1999, thì khu vực đầm Hồng với diện tích gần 20 ha (phường Khương Trung quản lý 3,5 ha; phường Khương Đình quản lý hơn 15 ha) được quy hoạch làm khu hồ nước, công viên cây xanh, đường dạo ven hồ và một số khu đất để xây dựng công trình văn hóa, giải trí…
Toàn bộ 11,5 ha đầm Hồng sẽ được kè, làm đường dạo và cây xanh chung quanh. |
Tuy nhiên, cho đến nay, diện tích mặt hồ đã bị thu hẹp đáng kể. Theo Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội, chủ đầu tư dự án kè đầm Hồng, thì diện tích hồ được kè chỉ còn khoảng 11,5 ha, trong đó bao gồm cả hệ thống mặt nước, đường dạo và cây xanh ven hồ.
Như vậy, sau hàng chục năm, do quá trình lấn chiếm, xáo trộn và buông lỏng trong quản lý… ngoài một phần nhỏ của hồ được giao làm dự án, đến nay diện tích đầm Hồng đã giảm gần một nửa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hồng Thái cho rằng, mấu chốt trong việc chống lấn chiếm, xâm lấn mặt hồ và hỗ trợ tốt cho việc quản lý đất đai tại khu vực này là phải nhanh chóng điều chỉnh, bổ xung quy hoạch đầm Hồng.
“Những chỗ lấn chiếm hiện nay, theo quyết định quy hoạch tỷ lệ 1/2000 mà UBND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 1999 chưa được điều tra kỹ, đa phần mới tập trung vào khu vực mặt nước. Mặt khác, qua nhiều năm tháng, công tác quản lý có mức độ, chính vì vậy hiện nay nhiều nhà dân đã làm rải rác xung quanh hồ” - ông Thái nói.
Phân tích cụ thể quy hoạch cũ của đầm Hồng, ông Thái cho biết thêm: đầm Hồng rộng khoảng 20 ha, được ôm bởi 3 con đường. Một là đường 2,5 phía Tây Nam đầm, phía Tây ôm bởi con đường Vương Thừa Vũ kéo dài, phía Đông ôm bởi con đường Tôn Thất Tùng kéo dài.
Theo quy hoạch, các con đường này ôm gần hết đầm. Chỉ còn lại phần đất ở phía Bắc đầm Hồng với diện tích khoảng 3 ha (người dân trong khu vực quen gọi là đầm Sen) mà thành phố có ý định đấu giá khu đất này.
Ông Đặng Hồng Thái: “UBND quận Thanh Xuân sẽ đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch để chống lấn chiếm mặt hồ” |
Chính vì thế, hiện tại còn lại phần đất rất nhỏ hiện nay chưa được quy hoạch chi tiết. Do đó nội dung điều chỉnh quy hoạch tới đây mà UBND quận Thanh Xuân đề xuất sẽ tập trung vào phần Bắc của đầm (có diện tích khoảng 3 ha), nơi diễn ra tình trạng san lấp, lấn chiếm trầm trọng nhất.
“Nội dung đề xuất điều chỉnh quy hoạch đầm sẽ tuân thủ nguyên tắc giữ được màu xanh mặt nước hồ, chống san lấp theo đúng chỉ đạo tại văn bản số 162, tháng 6/2009 của Thành ủy Hà Nội về việc rà soát lại quy hoạch các hồ trên địa bàn Hà Nội.
"Cũng qua sự việc lấn chiếm đầm này, chúng tôi cũng sẽ kiến nghị với thành phố cho phép điều chỉnh lại quy hoach khu vực Đầm Hồng. Hiện tại, vì bản án năm 1995 đã không thực hiện được bởi vậy phải điều chỉnh lại quy hoạch để từ đó mình mới triệt tiêu được việc xây dựng lấn chiếm" - ông Thái nói.
Theo ông Thái, làm như vậy để chỗ nào "tồn tại được" thì sẽ cấp giấy chứng nhận, cấp phép xây dựng cho người dân.
Đầm Hồng là hồ điều hòa của Hà Nội
Trao đổi với VietNamNet, ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội cho biết: Dự án kè đầm Hồng (còn gọi là hồ Khương Trung I) là một trong những gói thầu thuộc thuộc dự án cải tạo 12 hồ thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội (dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II), do Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội làm chủ đần tư.
Theo quyết định phê duyệt đầu tư dự án vào tháng 9/2006, Hà Nội sẽ dành khoản kinh phí khoảng 60 tỷ đồng để biến đầm Hồng với diện tích 11,59 ha thành một hồ điều hòa nằm trong hệ thống thoát nước của Hà Nội.
Trong đó, việc cải tạo đầm Hồng bao gồm các hạng mục như: bờ kè xung quanh đầm Hồng, nạo vét, hệ thống cống bao, trạm bơm, hệ thống đường dạo, chiếu sáng và cây xanh…
Về tiến độ dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, dự kiến, trong tháng 12/2009, UBND quận Thanh Xuân sẽ giải phóng và bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án Thoát nước Hà Nội. Quý I/2010, Ban quản lý sẽ tổ chức đấu thầu gói thầu kè hồ đầm Hồng, sau khi chọn được nhà thầu, sẽ tiến hành thi công cải tạo hồ.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet