Sâu tới âm 40m, nhà ga ngầm tuyến Metro chống ngập ra sao?

Cập nhật 25/09/2014 13:29

Với độ sâu kỷ lục lên tới âm 40m, TP.HCM sẽ lên phương án chống ngập cho nhà ga ngầm tuyến Metro ra sao?

Với độ sâu kỷ lục lên tới âm 40m, TP.HCM sẽ lên phương án chống ngập cho nhà ga ngầm tuyến Metro ra sao?

Công trình giao thông tiêu biểu của thành phố trong tương lai là tuyến đường sắt đô thị (Metro) được đầu tư hàng tỷ đô la, trong đó, hạng mục chính là nhà ga ngầm được thiết kế với độ sâu nhất lên tới âm 40m so với mặt đất.

Với độ sâu kỷ lục như vậy, người dân thành phố không khỏi lo lắng khi Sài Gòn cứ mưa là ngập úng nặng. Trước vấn đề này, lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố đã lên tiếng.

Kịch bản cho 300 năm tới

Trao đổi với VTC News, ông Lê Khắc Huỳnh, Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, vấn đề đảm bảo chống ngập lụt cho tuyến tàu điện ngầm là rất quan trọng. Từ góc độ kỹ thuật, trong thiết kế đã quan tâm xác định mực nước cao để thiết kế độ miệng hầm và các lối tiếp cận vào nhà ga ngầm.

Hệ thống cây xanh được chặt bỏ để phục vụ thi công nhà ga ngầm Nhà hát thành phố - tuyến Metro số 1

Cụ thể, xác định đến mực nước cao nhất, chu kỳ 300 năm (xảy ra 1 lần), so sánh tương ứng với các công trình cầu lớn chỉ xác định đến mức nước cao nhất chu kỳ 100 năm như hiện nay.

Bên cạnh đó, tại các nhà ga ngầm đều bố trí các bể thu chứa nước và hệ thống bơm nước ra ngoài.

Theo ông Huỳnh, trong tình huống nước mưa trên vỉa hè không thoát kịp tràn vào cửa ga, sẽ có hệ thống cửa ngăn được bố trí sẵn dựng lên, đảm bảo nước không thể tràn vào.

Các cửa ngăn nước này được cấu tạo từ các tấm rời có thể lắp ghép dễ dàng. Ngoài ra, trong đường hầm tuyến Metro và nhà ga ngầm đều lắp đặt các thiết bị công nghệ hiện đại xử lý nước ngầm hoặc nước tràn vào nhà ga nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách đi trong nhà ga ngầm.

Tuy nhiên, ông Huỳnh cho hay, cơ quan quản lý nhà nước về đô thị cần tiếp tục có các giải pháp vĩ mô về quy hoạch tổng thể chống ngập lụt và thoát lũ cho toàn thành thành phố.

Đồng thời, cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị như Sở GTVT, Sở Cảnh sát PCCC, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước…, xây dựng các quy chế phối hợp khẩn cấp liên ngành để giải quyết các vấn đề khi có sự cố xảy ra theo các “kịch bản” sự cố.

Càng đào sâu rủi ro càng cao

Khi được hỏi về kỹ thuật thi công nhà ga ngầm có điều gì khác biệt? Ông Dương Hữu Hòa, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án tuyến Metro số 1 nêu rõ, việc thi công nhà ga ngầm không khác gì so với các công trình ngầm của những tòa nhà cao tầng ở khu trung tâm, chỉ có điều khác biệt là đi qua nhiều tuyến đường, nhiều công trình vốn là biểu tượng của thành phố nên việc thi công hết sức cẩn thận.

Mô hình nhà ga ngầm tuyến metro sau khi hoàn thành (Ảnh Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM  cung cấp)

Cũng theo ông Hòa, điểm khác biệt của công trình ngầm này là độ sâu nhất của đoạn ngầm lên đến 40m và đây cũng là một trong ba nhà ga ngầm của tuyến Metro có độ sâu nhất nằm ở khu trung tâm.

"Thi công công trình ngầm là một vấn đề phức tạp và nhiều rủi ro nên việc bảo đảm an toàn cho các công trình xung quanh được đặt lên hàng đầu. Ban quản lý đường sắt đô thị đã đặt hệ thống quan trắc nhằm theo dõi chuyển vị của các tòa nhà xung quanh khu vực. Nếu xảy ra sự chuyển vị vượt trị số cho phép sẽ tạm dừng thi công để tìm biện pháp xử lý ngay", ông Hoà cho hay.

Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố cũng thông tin, khác với các công trình hầm thông thường, việc thi công nhà ga ngầm có độ sâu đến âm 40 m sẽ áp dụng phương pháp top - down (thi công tường vây và cọc chống trước, sau đó đào đất và đổ sàn từ trên xuống) nhằm giảm thiểu rủi ro sụt lún.

Hiện nhà thầu đang chuẩn bị thi công hệ thống tường dẫn, và đến tháng 10 tới sẽ triển khai thi công tường vây và cọc chống.

Tuy nhiên, càng đào sâu thì rủi ro càng cao. Đặc biệt, đoạn từ cuối nhà ga Nhà hát thành phố đến đầu nhà ga Ba Son dài khoảng 800 m phải sử dụng khiên đào (dùng máy TBM có đường kính 6,65 m để khoan ngầm trong lòng đất) khoan ngầm giữa lòng đường từ độ sâu từ 15 đến 30m đi từ bên hông Nhà hát thành phố qua trụ sở Công ty Điện lực thành phố theo đường Nguyễn Siêu về Nhà máy Ba Son.

Trường hợp chuyển vị vượt trị số cho phép, chúng tôi sẽ tạm dừng thi công để tìm biện pháp xử lý ngay, ông Hòa cho biết.

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) gồm 4 gói thầu, trong đó gói thầu 1B - thi công 2 nhà ga ngầm gồm: Nhà ga Nhà hát thành phố và Ba Son, đã được triển khai cuối tháng 7 vừa qua. Gói thầu này có trị giá 23,17 tỷ Yên Nhật (tương đương 229,1 triệu USD).

Mới đây, Bộ GTVT cũng đã có dự thảo Thông tư số: 37/2014/TT-BGTVT quy định về phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị. Trong đó, tại Điều 10 (Mục 3, Chương II) quy định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt đô thị đi ngầm bao gồm vùng không được xây dựng công trình khác và vùng kiểm soát xây dựng công trình khác.

Trong phạm vi vùng không được xây dựng công trình khác, không một công trình nào khác được phép xây dựng. Khi xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình hiện hữu trong vùng kiểm soát xây dựng công trình khác, chủ công trình phải thực hiện theo quy định. Dự kiến Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2014.


DiaOcOnline.vn - Theo VTC News