Sau 1 - 1: "Giấy trắng" vẫn được giao dịch

Cập nhật 27/12/2007 10:00

Ông Đào Trung Chính, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN&MT), cho biết, kể từ 1.1.2008 bên cạnh việc sử dụng...

Ông Đào Trung Chính, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN&MT), cho biết, kể từ 1.1.2008 bên cạnh việc sử dụng “sổ đỏ”, người sử dụng đất vẫn có thể dùng các loại giấy tờ khác về nhà để thực hiện giao dịch.

Thông tin kể từ 1.1.2008, một số giấy tờ được coi là hợp lệ về nhà ở, đất ở (gọi là “giấy trắng”), sẽ không còn giá trị trong các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng, mua bán, thế chấp..., đang làm người dân nhiều nơi lo lắng, đổ xô đi làm các thủ tục liên quan.

Xung quanh vấn đề này, báo giới đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trung Chính - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN&MT).

Ông Chính nói:

Do điều kiện lịch sử nên từ trước đến nay người dân sử dụng đất hợp pháp được cấp nhiều loại giấy chứng nhận.

Vì vậy, cần phải thống nhất một loại giấy chứng nhận hợp pháp khi giao dịch, và việc ban hành quy định người dân sử dụng đất hợp pháp khi giao dịch phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là Nhà nước mong muốn mọi giao dịch nhà đất đều phải được đăng ký, nhằm thực hiện quyền và lợi ích của người dân.

Bởi thực tế hiện nay các giao dịch đất đai của nhiều người chủ yếu là do thỏa thuận của hai bên, điều đó sẽ phải chịu mọi rủi ro khi xảy ra và Nhà nước không thể bảo vệ được.

* Như vậy, có nghĩa kể từ 1.1.2008 người sử dụng đất phải có “sổ đỏ” mới được thực hiện giao dịch, còn các loại giấy tờ khác về nhà đất (gọi chung là “giấy trắng”) sẽ không được giao dịch?

Không đúng như vậy! Trong Nghị định 84 của Chính phủ (quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai) đã nói rõ các trường hợp được giao dịch.



Ông Đào Trung Chính, Phó Vụ
 trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN&MT).

Cụ thể, có ba trường hợp sẽ được giao dịch là: Ngoài trường hợp có “sổ đỏ” đương nhiên được giao dịch bình thường, thì đối với trường hợp nộp hồ sơ hợp lệ lên chính quyền trước ngày 1.11.2007 mà chưa được cấp “sổ đỏ” thì văn phòng đăng ký đất nhà sẽ phải cấp biên nhận cho họ. Người đó có thể mang giấy tờ xác nhận đó, đi thực hiện quyền của mình.

Trường hợp thứ ba, người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất như quy định tại khoản 1, 2, 5 Điều 50 của Luật Đất đai (gọi chung là giấy trắng), thì vẫn được thực hiện các giao dịch.

Có nghĩa là nếu tôi chưa làm hồ sơ xin cấp giấy mà có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì tôi vẫn được thực hiện các giao dịch.

Tuy nhiên, đối với trường hợp này, khi đến cơ quan Nhà nước để đăng ký việc chuyển nhượng thì cơ quan chức năng sẽ thực hiện việc đăng ký này đồng thời với việc xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tức là trường hợp này sẽ thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 148 của Nghị định số 181.

Cũng xin nói thêm, việc đưa ra quy định tại Điều 66 của Nghị định 84, là nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch về quyền sử dụng đất.

Theo Tiền Phong