Sắp tới: Chấm dứt thu phí chung cư tùy tiện

Cập nhật 27/04/2009 08:15

Có chỗ như chung cư The Manor hiện thu mức phí cao, sắp tới các hộ dân tại đây sẽ được giảm đến phân nửa mức phí.

Có chỗ như chung cư The Manor hiện thu mức phí cao, sắp tới các hộ dân tại đây sẽ được giảm đến phân nửa mức phí.

Theo dự thảo phí quản lý chung cư tại TP.HCM, mức phí tối đa sẽ giới hạn từ 3.000 đến 6.000 đồng/m2/tháng tùy hạng chung cư (hạng bốn đến hạng một). Riêng nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, chung cư cũ (xây trước ngày 1-7-1991) thì chỉ được thu phí tối đa 1.000 đồng/m2/tháng. Khi văn bản này được ban hành, tình trạng thu phí quản lý chung cư tùy tiện sẽ phải chấm dứt.

Cao thấp vô chừng

Chị Trương Cẩm Quyên mới dọn về căn hộ 72 m2 tại chung cư Tây Thạnh (quận Tân Phú) cho biết hàng tháng chị chỉ phải đóng 20.000 đồng chi phí vệ sinh và điện thắp sáng công cộng. Nếu so với dự thảo, sắp tới có thể chị phải đóng tới 72.000 đồng/tháng, tăng gấp ba lần mức cũ.

Trái lại, anh Trương Văn Nhị (chung cư The Manor, quận Bình Thạnh) cho biết mức phí anh phải đóng là 0,8 USD/m2/tháng. Như vậy, với các căn hộ có diện tích từ 90 đến 200 m2, các chủ hộ phải đóng từ 1,2 đến gần ba triệu đồng/tháng. Nếu dự thảo được ban hành và kể cả khi chung cư The Manor được xếp hạng cao nhất là hạng một (6.000 đồng/m2/tháng) thì chủ căn hộ 90 m2 chỉ đóng 540 ngàn đồng/tháng, căn hộ 200 m2 chỉ phải đóng 1,2 triệu đồng/tháng, thấp hơn khoảng một nửa so với hiện hành.

Chung cư nào giữ nguyên phí?


Trừ những trường hợp đang đóng mức phí thấp như chị Quyên và quá cao như anh Nhị, mức phí mà dự thảo nêu rất gần với mức phí đang thu ở một số chung cư được gọi thông thường là trung và cao cấp. Chị Bùi Thị Hương (chung cư Hoàng Anh Gia Lai, quận 7) đóng gần 300 ngàn đồng/tháng cho căn hộ 94 m2 (khoảng 3.000 đồng/m2). “Mức phí này tương đối phù hợp với mức sống gia đình tôi. Tôi cũng có nghe nói về dự thảo phí chung cư, chỉ mong sao khi quy định được ban hành thì phí đừng có cao lên mà dịch vụ vẫn tốt như cũ”. Như vậy, nếu chung cư Hoàng Anh Gia Lai được xếp là chung cư hạng bốn thì mức phí tại chung cư này sẽ giữ nguyên.

Tương tự, tại chung cư Sky Garden (quận 7), chủ nhà đóng 205 ngàn đồng nếu căn nhà dưới 100 m2 (khoảng 2.000 đồng/m2). Tại chung cư Green Building (quận 3) mỗi căn hộ có diện tích từ 91 đến 132 m2, chủ hộ đóng mức phí bằng nhau 180 ngàn đồng/tháng. Ngoài ra, tiền thang máy được tính 40.000 đồng/tháng/người. Một gia đình có ba người sẽ đóng tổng cộng 300 ngàn đồng/tháng. Nếu chung cư này được xếp hạng bốn với mức phí tối đa 3.000 đồng/m2/tháng (trong đó bao gồm cả việc sử dụng thang máy) thì một hộ có diện tích 100 m2 sẽ trả 300.000 đồng/tháng, bằng mức phí họ đang đóng hiện hành.

Phí cao: Dịch vụ phải tuơng xứng


Cạnh những người băn khoăn không biết sắp tới mức phí có bị tăng lên hay không, có rất nhiều người mong TP sớm ban hành mức phí quản lý chung cư để tránh bị chủ đầu tư tăng giá tùy tiện. Chị Nguyễn Hương Giang, chung cư Sacomreal (quận Tân Phú) kể: “Lúc trước tôi đóng 170 ngàn đồng/tháng cho căn hộ 82 m2. Sau đó, tự nhiên có thông báo mức phí tăng lên 220 ngàn đồng/tháng (khoảng 2.700 đồng/m2) mà không hỏi ý kiến ai cả. Nếu có quy định thì sẽ tránh được những trường hợp chủ đầu tư tự ý tăng giá. Tôi chưa biết chung cư của mình xếp hạng mấy, mức phí tới đây đóng ra sao. Nếu phải đóng phí cao hơn mà dịch vụ tương xứng thì tôi cũng vui lòng. Còn nếu tăng phí mà dịch vụ vẫn như cũ thì rất bất hợp lý”.

Phía những người quản lý chung cư lại có nỗi lo khác. Ông Trần Văn Phúc, quản lý chung cư Green Building, băn khoăn: “Nếu có quy định thì chúng tôi cũng mừng vì có cơ sở để thu tiền của các hộ. Chỉ sợ nếu sau này thu không đủ bù chi mà bảo dân đóng thêm e hơi khó. Họ sẽ bảo: “Quy định chỉ có chừng đấy, sao lại thu thêm?”. Khó thuyết phục lắm!”.

Ngoài ra, có một thực tế là nhiều người sống trong các chung cư tái định cư cũng muốn được... thu phí. Anh Nguyễn Thượng Hải ở chung cư tái định cư Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) nói: “Có người đứng ra thu phí rồi cung ứng dịch vụ thì càng tốt chứ chỗ tôi như là bị bỏ bê vậy. Không có bảo vệ lẫn dịch vụ bảo dưỡng bảo trì, lần nào kêu thợ tới sửa là phải trả tiền lần ấy”.

Ai đứng ra xếp hạng chung cư?

 * Theo dự thảo, các mức phí tối đa sẽ áp theo hạng chung cư. Nhưng hiện nay các chung cư tại TP.HCM lại chưa được xếp hạng, làm sao tính mức phí, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Tấn Bền, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM (ảnh): Chủ đầu tư sẽ tự phân hạng. Tuy nhiên, để tránh có tranh chấp xảy ra, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ thẩm định phương án đầu tư chung cư để nếu chủ đầu tư phân loại chưa đúng thì góp ý để họ chỉnh sửa. Đối với các chung cư hiện hữu thì chủ đầu tư, ban quản lý chung cư... cũng tự phân hạng và phải công khai, có tham khảo ý kiến các hộ trong chung cư. Trường hợp hai bên không tìm được tiếng nói chung thì Sở sẽ can thiệp. Tiêu chí phân hạng chung cư dựa theo Thông tư số 14 ngày 2-6-2008 của Bộ Xây dựng.

 * Dự thảo còn bỏ quên các chung cư tái định cư nên mới có chuyện chung cư tái định cư không thu phí nhưng dịch vụ cũng rất xập xệ?

+ Chúng tôi sẽ nghiên cứu và trình UBND TP để đưa chung cư tái định cư vào việc phân hạng chung cư, lấy đó làm chuẩn để kiểm tra chất lượng chỗ ở mới của người dân. Điều này cũng góp phần vào việc đảm bảo chất lượng chung cư tái định cư.

 * Một số người dân lo ngại mức thu sẽ cao hơn mức đóng hiện tại, trong khi đó nhiều chủ đầu tư lại sợ thu không đủ bù chi. Ông nghĩ sao?

+ Khi xây dựng dự thảo, chúng tôi đã tính toán để người có thu nhập thấp cũng có thể đóng được, đồng thời khảo sát nhiều chung cư để tìm ra mức phí hợp lý. Tuy nhiên, quy định chỉ khống chế mức giá trần (tối đa). Nếu thu không đủ chi thì chủ đầu tư, ban quản lý chung cư có thể thu bổ sung, ngược lại thu vượt chi thì cũng phải có sự điều chỉnh phù hợp. Nguyên tắc là tự thu, tự trang trải và công khai.

 * Xin cám ơn ông.


Phí chung cư dùng trang trải chi phí cho doanh nghiệp vận hành nhà chung cư, điều khiển, duy trì hoạt động hệ thống trang thiết bị (thang máy, máy bơm nước, máy phát điện dự phòng...). Ngoài ra, phí này còn dùng để trả chi phí phụ cấp trách nhiệm cho các thành viên ban quản trị, lương nhân công thực hiện các dịch vụ cho nhà chung cư (bảo vệ, vệ sinh, chăm sóc cây cảnh...); các chi phí sử dụng năng lượng, nhiên vật liệu, duy tu bảo dưỡng thường xuyên... (Trích dự thảo về giá trần kinh phí quản lý vận hành phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn TP.HCM).


Chị Nguyễn Thị Hương Giang (chung cư Sacomreal, quận Tân Phú): Nếu phải đóng phí cao hơn mà dịch vụ tương xứng thì tôi cũng vui lòng. Còn nếu tăng phí mà dịch vụ vẫn như cũ thì rất bất hợp lý.

Ông Trần Văn Phúc, quản lý chung cư Green Building: Chỉ sợ nếu sau này thu không đủ bù chi mà bảo dân đóng thêm e hơi khó. Họ sẽ bảo: “Quy định chỉ có chừng đấy, sao lại thu thêm?”.

Anh Nguyễn Thượng Hải (chung cư tái định cư Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức): Có người đứng ra thu phí rồi cung ứng dịch vụ thì càng tốt chứ chỗ tôi như là bị bỏ bê vậy. Không có bảo vệ lẫn dịch vụ bảo dưỡng bảo trì.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP