Sắp đánh giá hàng loạt đô thị để công nhận "kiểu mẫu"!

Cập nhật 04/03/2008 14:00

Nếu không có tiêu chí và danh hiệu cụ thể - nghĩa là "đánh đồng" đô thị nào cũng như đô thị nào, dựa hoàn toàn vào cảm tính...

Nếu không có tiêu chí và danh hiệu cụ thể - nghĩa là "đánh đồng" đô thị nào cũng như đô thị nào, dựa hoàn toàn vào cảm tính của người dân, thương hiệu chủ đầu tư hoặc quảng cáo của giới đầu cơ... Bộ Xây dựng vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành rà soát, đánh giá để chọn ra những "Khu đô thị kiểu mẫu".

Hiện nay, tổng số đô thị lớn nhỏ trên cả nước là khoảng 750 (riêng Hà Nội có khoảng 175 khu đô thị và khu nhà ở). Phó Viện trưởng Viện Qui hoạch đô thị - nông thôn Lã Thị Kim Ngân cho biết, tỉ lệ đô thị hóa trung bình trong cả nước tính đến 2006 đạt khoảng 27% và dự kiến sẽ đạt 45% vào năm 2020.

"Hoa hậu" nào sẽ lọt vào "top ten" đô thị mới?

Theo Phó Viện trưởng Ngân, xu hướng đô thị hóa này đã cho ra đời hàng loạt đô thị mới với những chức năng cơ bản khác nhau như: công nghiệp, dịch vụ đào tạo, du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại, hành chính, làng nghề... và kể cả các quần cư nông thôn được đô thị hóa.

Gần đây, người dân thường được nghe các kiểu tên rất "kêu" mà chủ đầu tư hoặc chính quyền địa phương thống nhất đặt cho khu đô thị của họ, như: đô thị đại học; đô thị du lịch - sinh thái; đô thị thương mại và du lịch; khu biệt thự sang trọng...

Tuy nhiên, khi tận mắt "mục sở thị" những khu đô thị ấy - thực sự rất khó nhận thấy điểm khác biệt. Khu nào cũng nhà vườn, biệt thự, chung cư, rồi ở trung tâm khu một quảng trường nhỏ có thể hình thành, một cái hồ có thể được đào (nếu không sẵn có), một con đường nội bộ hình thành...

Chẳng biết trông vào đâu để phân biệt đây là đô thị thương mại, kia là đô thị du lịch, rồi đô thị công nghiệp... TS Nguyễn Hồng Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị (Bộ XD) nhận xét: "Hình ảnh quen thuộc của mọi khu đô thị mới là các nhà cao tầng mọc lên như hàng rào quây xung quanh khu đất và lọt thỏm ở giữa là các nhà thấp tầng".

Thậm chí, có dự án tên gọi chỉ vỏn vẹn "khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí" nhưng rồi cũng chỉ sinh thái một phần nhỏ, chủ yếu xây nhà bán cho dân ở! Cũng lại biệt thự, nhà vườn, liên kế, chung cư... Nhiều người tiên lượng, rồi dần dà cũng chẳng còn "du lịch sinh thái và vui chơi giải trí" nữa đâu, chỉ là "khu ở" mà thôi!

Cũng theo TS Tiến, không có các giải pháp về thiết kế đô thị - các khu đô thị mới đều "hao hao" giống nhau về cách tổ chức không gian và đặc biệt là sự khó khớp nối, hài hòa giữa các công trình hạ tầng bên trong và bên ngoài hàng rào khu đất... Hầu hết các đô thị hiện nay đều thiếu trường học, trạm y tế, chợ, bến bãi dừng đỗ xe... và như vậy dù nhà xây có đẹp cũng không thể xếp vào hàng "hoa hậu" được!

Tại Hà Nội, khu đô thị mới Đại Kim xây xong như một "ốc đảo", giao thông ra vào rất khó khăn. Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính những năm mới hình thành từng được ví là nơi qui tụ "nhà giàu" khắp nơi về ở, nhưng rồi nước dùng lại có giun, đến lúc này vẫn đang loay hoay xử lý.

Khu đô thị Việt Hưng thì phần trung tâm nhất lại cận kề một bãi tha ma ngót nghìn ngôi mộ, hiện người sống đến ở tấp nập nhưng người chết vẫn được chôn không ngừng...

PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Qui hoạch đô thị nông thôn (Bộ XD) có một phát hiện khá lý thú: Hầu hết đô thị mới của Việt Nam thiếu một "cổng chào" ở nơi bắt đầu vào (hoặc ra) vừa mang tính đặc thù để phân biệt đô thị này với đô thị kia, vừa coi như một ranh giới xác định phần đất trong, ngoài khu đô thị. Xưa, nông thôn Việt Nam có cổng làng. Nay, các khu đô thị mới "trống huếch trống hoác", chỉ tập trung xây nhà bán ngay thu tiền, còn lại cứ từ từ, nhất là cổng thì đâu có bán được mà xây?!

"Kiểu mẫu" là đẹp, tốt, hoàn thiện, đồng bộ và...

Theo Bộ Xây dựng, phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô và chất lượng như vậy song việc quản lý cũng như "nội dung" các khu đô thị mới hiện tại còn nhiều mức độ khác nhau.

Để có được nhiều khu đô thị đáp ứng tối đa các yêu cầu kiến trúc, qui hoạch, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cảnh quan môi trường, quản lý xây dựng, bảo trì, khai thác sử dụng công trình... góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, làm đẹp cảnh quan, tạo sự thi đua giữa các khu đô thị ở địa phương - Bộ Xây dựng vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động rà soát, lập tiêu chí, đánh giá các khu đô thị mới đã xây dựng tại địa phương có chất lượng tốt để xem xét, công nhận danh hiệu "Khu đô thị kiểu mẫu".



Khu đô thị mới Bắc An Khánh - được săn lùng từ khi mới
chỉ là bản vẽ, chưa biết có "kiểu mẫu" hay không? (Ảnh tư liệu)


Tuy nhiên, cũng như khái niệm "thế nào là chung cư cao cấp" hiện vẫn chưa định hình và khá khó để phân định, nhiều người cho rằng để chọn ra "hoa hậu" trong rừng đô thị ấy - đối với nhà chức trách là việc không đơn giản, thậm chí công việc này còn cần cả... bản lĩnh!

Chọn không đúng, dân "ở trong chăn mới biết chăn có rận" thì chính quyền mất uy tín; chọn được đô thị nọ thì "mất lòng" đô thị kia, có khi phát sinh khiếu kiện... Mà có thể lắm chứ, không có danh hiệu thì thôi, "anh nào cũng như anh nào" - bắt đầu có danh hiệu là sẽ có "chạy" danh hiệu, ngăn ngừa sao đây, thế là nảy sinh tiêu cực!?

Còn đối với người dân, việc này càng không giản đơn gấp nhiều lần - bởi suốt một thời gian dài vừa qua, bất động sản nóng bỏng, giá cả leo thang, giới đầu cơ "ôm" hàng... tiếp cận trực tiếp với dự án đô thị là điều đa phần người dân thường không tưởng! Mua được là tốt, có đủ tiền để mua còn "chóng mặt" - hơi sức, điều kiện, kinh nghiệm đâu mà suy xét đô thị này có "kiểu mẫu" hay không, đô thị kia "đạt chuẩn" cấp nào...

Song, cũng không thể vì người dân không có điều kiện lưu tâm mà các nhà quản lý cũng... không lưu tâm nốt! Động thái đề nghị rà soát toàn bộ các khu đô thị trên cả nước của Bộ Xây dựng (kể trên) vào thời điểm ;này được đánh giá là đúng lúc và cần thiết, mà nói như Phó Viện trưởng Lã Thị Kim Ngân - "bối cảnh này đã, đang tinh lọc, loại trừ dần những tác nhân gây phế tích trên cơ thể đô thị".

Cho đến nay, theo nhận định của một số người có "nghề" và tín hiệu "ít chê bai" từ dư luận nói chung, tại TP.HCM có khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Hà Nội có Ciputra được coi là hai "đương kim hoa hậu" tương đối đạt tiêu chuẩn. Khu The Manor cũng khá "xịn" nhưng lại vướng khiếu kiện, tất có "chuyện chẳng lành", còn nhiều ý kiến...

Nhưng chẳng lẽ cả Việt Nam chỉ có 2 hay vài khu như vậy? Không chờ các dự án "hữu xạ tự nhiên hương" - các cơ quan chức năng sắp vào cuộc kiếm tìm, đánh giá và về tiêu chí - Bộ Xây dựng cho rằng có thể vận dụng phương pháp, tiêu chí đánh giá, phân loại trong Nghị định 72/2001/NĐ-CP ngày 5/10/2001 của Chính phủ và Thông tư liên tịch 02/2002/TTLT-BXD-TCCBCP ngày 8/3/2002 của liên Bộ Xây dựng - Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ.

Bên cạnh đó, quan trọng không kém để biết được một đô thị thực sự "kiểu mẫu" hay "không kiểu mẫu" - Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương điều tra, khảo sát, lấy ý kiến toàn bộ cư dân sống trong khu đô thị đó, coi đây là một tiêu chí độc lập. Thời gian tới, Bộ này sẽ tiếp tục có thêm hướng dẫn về việc xét công nhận và cấp giấy chứng nhận "Khu đô thị kiểu mẫu" cho từng khu.

Theo VietNamNet