“Sản xuất” 35 triệu m2 nhà ở xã hội

Cập nhật 01/08/2009 10:50

Hiện có 1.216.000 người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà ở thật sự và cấp bách. Để đáp ứng được nhu cầu này cần phải có 35 triệu m2 nhà ở. Trao đổi với TTCT, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết quan điểm của Bộ Xây dựng...

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.

Hiện có 1.216.000 người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà ở thật sự và cấp bách. Để đáp ứng được nhu cầu này cần phải có 35 triệu m2 nhà ở. Trao đổi với TTCT, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết quan điểm của Bộ Xây dựng là khuyến khích mọi thành phần tham gia xây dựng nhà ở xã hội để làm mạnh mẽ nguồn “cung”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, nếu để các doanh nghiệp nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì sẽ khó có đủ thời gian và vốn liếng, vì vậy quan điểm của Bộ Xây dựng là khuyến khích mọi thành phần tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Hiện đã và đang có nhiều người dân xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp thuê.

Trong số đó không ít trường hợp người dân đã sử dụng đất ruộng, đất ao, vườn để làm nhà ở cho thuê mặc dù chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do vậy, sắp tới Bộ Xây dựng sẽ làm việc với các bộ ngành liên quan và trình Chính phủ sớm ra chính sách cho phép họ được chuyển mục đích sử dụng đất nhằm khuyến khích phát triển nguồn cung cho thị trường.

* Các doanh nghiệp và người dân xây dựng nhà ở xã hội sẽ được hỗ trợ như thế nào?

- Việc xây dựng nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ không thu tiền đất, không thu thuế, hỗ trợ lãi suất cho vay.

* Nhà ở xã hội sẽ được xây như thế nào để người lao động được ở thuận tiện?

- Xây dựng ở đâu cũng phải phù hợp với quy hoạch chung. Tuy nhiên, để tránh phân biệt giàu nghèo thì nhà ở xã hội phải được xây dựng xen kẽ trong những khu đô thị hiện đại, có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí. Tất nhiên không thể ở những vị trí sinh lợi cao được. Dự kiến nhà ở xã hội được xây dựng theo kiểu chung cư 5-6 tầng, không có thang máy. Diện tích mỗi hộ 30-60m2, giá trị mỗi căn hộ khoảng 400 triệu đồng. Người có thu nhập thấp cũng được hưởng những giá trị hạ tầng phúc lợi công cộng như những công dân khác.

* Với những dự án xây dựng nhà như khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP.HCM), dự án khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) có nên xen kẽ những khu nhà ở xã hội hay không?

- Cái này tùy thuộc quy hoạch của thành phố phê duyệt vào thời điểm có Luật nhà ở hay không, nếu có mà họ không xây khu nhà ở xã hội thì thành phố có quyền thu hồi số đất đã quy hoạch để xây dựng nhà ở xã hội hoặc giao cho doanh nghiệp khác xây dựng nhà ở xã hội.

* Thưa ông, với mức lương như hiện nay thì 400 triệu đồng đối với đa số người lao động vẫn là khoản tiền lớn thì làm sao họ có thể mua được?

- Sẽ là hợp lý vì có cơ chế để người lao động được sở hữu một căn hộ như vậy, người lao động có thể trả dần trong thời gian 40 năm với lãi suất 3%/năm.

Chúng tôi khẳng định giá nhà cho người thu nhập thấp sẽ luôn thấp hơn giá thị trường vì giá thành xây dựng sẽ hạ hơn rất nhiều so với trước đây do áp dụng công nghệ sản xuất bêtông đúc dự ứng lực. Công nghệ mới giúp chủ đầu tư tiết kiệm được nhiều chi phí, thậm chí có thể tiết kiệm hàng chục tỉ đồng khi xây một tòa nhà so với công nghệ truyền thống. Chính điều này sẽ làm giá thành của nhà ở xã hội giảm xuống, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng công trình. Hơn nữa, việc thi công bằng công nghệ mới còn giúp giảm thời gian thi công từ 25-50% dù ngôi nhà có kết cấu vững chắc không kém nhà được xây dựng bằng phương pháp truyền thống.
 

Theo Thứ trưởng Nam, dự kiến cuối năm 2009 sẽ cho ra mắt sản phẩm mới nhà giá rẻ tại các khu đô thị theo quy mô “sản xuất công nghiệp”. Bộ Xây dựng cũng sẽ thực hiện quyết định của Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh thành làm tốt công tác quy hoạch, trong đó có xen kẽ dự án nhà ở cho sinh viên, công nhân với dự án nhà ở thương mại khác. Trong các dự án đô thị sẽ dành quỹ đất 20% để làm dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, sinh viên, công nhân. Như vậy, những người khó khăn về nhà ở sẽ có được quỹ nhà với chi phí vừa phải trong khả năng thu nhập của mình, đồng thời vẫn được hưởng các dịch vụ công cộng như những người ở nhà ở thương mại khác để tránh sự phân nhóm giàu nghèo.
 

 

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, đến thời điểm này các địa phương đã báo cáo, đăng ký gần 600 dự án với tổng số vốn 80.149 tỉ đồng từ ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (nhà cho người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên) trong giai đoạn 2009-2015. Đối với nhà ở cho sinh viên đã có 54 đơn vị (gồm 52 tỉnh thành cộng thêm Bộ Quốc phòng và Bộ Công an) gửi danh mục dự án về Bộ Xây dựng với tổng số 267 dự án trong giai đoạn 2009-2015, tổng mức đầu tư 26.045 tỉ đồng, với diện tích xây dựng 4,9 triệu m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 812.000 sinh viên. Trong đó, tổng số vốn đề xuất từ nguồn trái phiếu Chính phủ là 19.520 tỉ đồng.

Đối với nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, trong số 21 địa phương gửi báo cáo, có 19 tỉnh đăng ký danh mục dự án xây dựng nhà ở công nhân với số liệu tổng hợp như sau: tổng số dự án cho giai đoạn 2009-2015 là 110 dự án, quy mô xây dựng khoảng 6,1 triệu m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 960.000 người; tổng số vốn đầu tư: 25.554 tỉ đồng, trong đó huy động từ các doanh nghiệp khoảng 24.425 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương huy động khoảng 1.129 tỉ đồng. Riêng trong giai đoạn 2009-2010 sẽ triển khai 47 dự án với quy mô xây dựng khoảng 1,17 triệu m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 186.000 người; tổng số vốn đầu tư 4.975 tỉ đồng, trong đó huy động từ các doanh nghiệp khoảng 4.356 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương huy động khoảng 619 tỉ đồng.

Về nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị, trong số 21 địa phương gửi báo cáo đã đăng ký 189 danh mục dự án xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Cụ thể: trong giai đoạn 2009 - 2015 có 189 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 7 triệu m2 sàn, tổng số vốn đầu tư 28.550 tỉ đồng (trong đó huy động từ các doanh nghiệp khoảng 27.240 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 1.310 tỉ đồng); hoàn thành 166.390 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 700.000 người. Riêng trong giai đoạn 2009-2010 sẽ triển khai 150 dự án với quy mô xây dựng 5.659.740m2 sàn; tổng số vốn đầu tư: 22.738 tỉ đồng (huy động từ các doanh nghiệp khoảng 21.957 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương huy động khoảng 781 tỉ đồng); hoàn thành 152.372 căn hộ, đáp ứng cho khoảng 640.000 người.
 

 

Nhà 200 triệu đồng: tiền nào của nấy

Chị N.T.H. - nhân viên của một cơ quan truyền thông ở Vĩnh Phúc, định cư tại ngôi nhà năm tầng của dự án xây dựng khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp (TNT) ở phường Liên Bảo (thành phố Vĩnh Yên) - cho hay năm 2008 chị mua một căn hộ rộng khoảng 50m2 với giá 190 triệu đồng từ Công ty cổ phần bêtông và xây dựng Xuân Mai thuộc Vinaconex, số tiền được trả làm ba lần. Lần đầu khi thi công xong phần móng nộp 40% số tiền, xây thô xong phải nộp 40% nữa và khi hoàn thiện thì thanh toán 20% còn lại.

Theo chị N.T.H., các căn hộ TNT có độ cách âm của trần và tường không tốt, nhiều khi trẻ em chơi bắn bi ở tầng trên thì tầng dưới khó có thể ngủ được. Các thiết bị lắp trong căn hộ như vòi sen, đồ điện... rất mau hỏng, chỉ dùng một thời gian là phải thay mới.

Ông Nguyễn Văn Thành, trưởng ban điều hành dự án khu chung cư TNT Vĩnh Yên, thừa nhận chuyện đó có thật bởi đây là khu chung cư giá rẻ, tường và trần sử dụng công nghệ bêtông dự ứng lực, gạch bloc, vữa khô trộn sẵn. Ông cho hay các sản phẩm để phục vụ thi công rất sẵn, ngay cả chân cầu thang cũng được đúc sẵn nên tiến độ thi công lắp ghép hoàn thành phần thô tòa nhà chỉ có sáu tháng. Cọc dự ứng lực đúc sẵn, thay thế cọc nhồi nên tiết kiệm được 50% chi phí, tổng chi phí thô có thể tiết kiệm được 10%... Về các thiết bị điện, nước không được bền như người dân thắc mắc, ông Thành cho rằng chung cư TNT lắp đặt các thiết bị nội thất sản xuất trong nước theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng về nhà chung cư TNT (loại 4), không giống như thiết bị nhập ngoại của chung cư cao cấp (loại 1) nên mau hỏng là điều dễ hiểu. Về tường căn hộ, ông Thành cho rằng vật liệu xây bằng gạch bloc rỗng nên chỉ treo được... tranh và quần áo, chứ không treo được giá gắn tivi nặng vì vách tường rất mỏng.

Ngoài những điều phiền toái về chất lượng của căn hộ TNT như đã nêu ở trên, chị N.T.H. cho rằng “mọi mặt đều tốt”. Các dịch vụ điện, nước, vệ sinh đều ở mức chấp nhận được. Các hộ ở đây chỉ việc đóng phí vệ sinh và an ninh 50.000 đồng/tháng. Mức gửi xe đạp là 20.000 đồng/tháng và xe máy 30.000 đồng/tháng. Điều băn khoăn và lo lắng nhất đối với các hộ dân ở đây là chưa ai nhận được sổ hồng sở hữu căn hộ. Trưởng ban dự án xây dựng nhà TNT khu vực Vĩnh Yên giải thích do còn có những vướng mắc với cơ quan thuế và Sở Xây dựng của tỉnh nên công ty ông chưa làm xong thủ tục cấp sổ hồng cho các hộ dân.

Hiện mới chỉ có ba doanh nghiệp của Bộ Xây dựng đầu tư xây dựng nhà TNT, đó là Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng VN (Vinaconex), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội đang gấp rút triển khai các dự án quy mô xây dựng nhà giá rẻ cho người TNT.

Với giá bán trên dưới 200 triệu đồng/căn hộ, ngay sau khi Công ty Xuân Mai tung ra tại Vĩnh Phúc và Chương Mỹ (Hà Nội), nhiều người dân đã đặt mua hết. Thủ tục mua bán cực kỳ nhanh gọn, khách hàng chỉ cần mang chứng minh nhân dân, hộ khẩu có công chứng và nộp tiền cọc là được mua nhà.

Theo các chuyên gia ngành xây dựng, giá 4-5 triệu đồng/m2 của căn hộ chung cư TNT ở Hà Nội và TP.HCM (khu vực nội thành) là “giá trong mơ”. Trong điều kiện bất động sản và giá vật liệu xây dựng, nhân công vẫn ở mức cao như hiện nay thì xây dựng một căn hộ với giá trên dưới 200 triệu đồng là rất khó thực hiện. Vậy tại sao Công ty Xuân Mai lại làm được, liệu họ có lãi hay không? Trả lời câu hỏi này, một đại diện của Vinaconex cho hay do được địa phương ưu đãi về chính sách như miễn tiền sử dụng đất, tiền giải phóng mặt bằng và được đầu tư về đường điện, nước vào tận chân công trình, đó là chưa kể được tỉnh ưu đãi về đất để xây dựng căn hộ biệt thự kèm theo để bán cho người có tiền nên Công ty Xuân Mai không những lãi mà là quá lãi!

Không được cơi nới

“Diện tích nhà ở 50m2, chủ sở hữu không được cơi nới, lắp đặt các thiết bị như chảo TV, điều hòa nhiệt độ bên ngoài tường nhà mà chỉ được lắp đặt các thiết bị đó ở tại khu vực bancông của nhà mình” - đó là một trong những quy định bắt buộc của Công ty cổ phần bêtông xây dựng Xuân Mai, áp dụng cho chung cư giá rẻ tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Theo trưởng ban xây dựng nhà ở thu nhập thấp Nguyễn Văn Thành, nếu gia đình nào tự ý lắp đặt, ban quản lý sẽ có chế tài là “cắt điện, nước” đến khi nào hộ gia đình khắc phục xong những “lỗi tự ý”!
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ cuối Tuần