“Sân golf hay bài toán… con chim sẻ phá hoại mùa màng?”

Cập nhật 05/10/2008 11:53

Sau những bàn tán, thậm chí là công kích đối với các dự án sân golf vừa qua, ông chỉ muốn góp tiếng nói chia sẻ quan điểm từ góc nhìn của một người chơi golf. Và hơn thế...

Sau những bàn tán, thậm chí là công kích đối với các dự án sân golf vừa qua, ông chỉ muốn góp tiếng nói chia sẻ quan điểm từ góc nhìn của một người chơi golf. Và hơn thế, với ông, cái quan trọng là chia sẻ cách nhìn trong những vấn đề lớn lao hơn, liên quan đến sự định hướng phát triển của đất nước trong dài lâu...

Ông là Lê Kiên Thành, người con thứ của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, từng… gây sốc với việc chấp nhận rời quân ngũ, bỏ bao cấp để ra “chiến đấu” với thương trường những năm đầu đổi mới. Vị tiến sĩ vật lý, sinh năm 1955 này cũng đã “bỏ túi” một số thành tích trên lĩnh vực kinh doanh như: nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Techcombank, và bây giờ là chủ tịch ngân hàng Indochina, đồng thời kiêm chức danh chủ tịch một vài doanh nghiệp khác…

Khách sạn năm sao, sân golf… - “thứ xa xỉ” nhưng cần thiết!

* Chắc hẳn ông đã biết những ý kiến trên các diễn đàn và phương tiện truyền thông trong nước hiện đang lên án các dự án sân golf, sự tồn tại và hoạt động của nó ở nhiều khía cạnh khác nhau. Ông có nghĩ gì về sự “lên án” này, và nhất là mới đây, khi TP Hồ Chí Minh đã chính thức có quyết định tạm dừng các dự án sân golf mới?

Ông Lê Kiên Thành: Trước tiên, chúng ta khoan hãy nói về sân golf và các vấn đề xoay quanh nó. Tôi muốn trò chuyện trước về vấn đề khách sạn năm sao. Khách sạn năm sao những tưởng là chuyện không liên quan gì đến sân golf, thế mà nó có liên hệ đấy. Khách sạn năm sao - một khái niệm rất xa xỉ với đại đa số người dân Việt Nam. Để xây dựng một khách sạn năm sao, chính quyền bao giờ cũng phải dành những miếng đất ở vị trí đẹp nhất, trung tâm nhất trong thành phố, rồi phải đầu tư vào đó vài chục triệu USD. Xây xong lại phải dùng một cái tên lạ hoắc nào đó, không phải là Thắng Lợi, Hoa Hồng… mà là Sheraton, Sofitel… để đặt tên cho khách sạn. Mà đầu tư quy mô, tốn kém như vậy… mục đích lại chỉ để cho vài trăm con người. Ấy thế mà người ta vẫn phải xây dựng, vẫn phải làm. Và cho đến thời điểm hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh – đô thị bậc nhất ở Việt Nam vẫn thiếu khách sạn năm sao.

Tại sao người ta phải “cắn răng” xây dựng khách sạn năm sao? Vì ở một thành phố đang làm ra 1/3 thu nhập quốc dân, muốn đạt chuẩn quốc tế, muốn thu hút được nhiều đầu tư hơn… bắt buộc phải có những cái “xa xỉ” đó. Bây giờ, liệu ai có thể phủ nhận được vai trò của khách sạn năm sao – nơi hàng năm có hàng trăm nhà đầu tư nước ngoài đến, ở, và và quá nửa lượng khách đó mang theo các hợp đồng đầu tư vào Việt Nam?

Vậy đó, nếu từ chuyện khách sạn năm sao, quay trở lại vấn đề sân golf, ta sẽ thấy tại sao cần có nó và tại sao sự “lên án” tồn tại của sân golf đang rất “nóng” ở nước ta, theo tôi, lại xuất phát từ những điểm nhìn chưa thỏa đáng.

* Vậy theo ông, đâu là những điểm nhìn chưa thỏa đáng?

Những gì mà báo chí đã nêu, các ý kiến đã công kích, theo tôi, chủ yếu là căn cứ trên các dự án chưa triển khai. Đương nhiên, việc dựa trên cơ sở có thật để ngăn cản, điều chỉnh những gì sắp sửa xảy ra trong tương lai là hợp lý. Nhưng trong trường hợp này thì cơ sở có thật – cơ sở tồn tại của sân golf là gì? – Cả TP Hồ Chí Minh hiện mới chỉ có một sân golf duy nhất, đó là sân golf ở Thủ Đức. Cả thủ đô Hà Nội (tính trước thời điểm thủ đô được mở rộng) cũng chỉ có một sân golf duy nhất. Cả một dải dọc các tỉnh miền Trung đang hoạch định đi vào phát triển mũi nhọn du lịch như thế, cũng chỉ có 2 sân golf ở Phan Thiết.

* Nhìn rộng ra các nước Đông Nam Á và toàn thế giới, hiện nay, golf được xem là một môn thể thao khá phát triển, họ đã làm thế nào?

Thái Lan, một đất nước “láng giềng” Việt Nam, dân số 65 triệu người nhưng hiện có khoảng hơn 200 sân golf đang hoạt động. Những thành phố lớn ở Nhật Bản cũng có khoảng vài chục sân golf, mà, như mọi người đều biết, Nhật Bản là một quốc đảo hiếm đất và cần đất đến thế nào…

Các quốc gia láng giềng hẳn cũng… không dại (!)

* Ông lý giải thế nào về các ý kiến cho rằng sự tồn tại của sân golf ảnh hưởng xấu đến môi trường thiên nhiên, môi trường sinh thái?

Trong một tổng quan sân golf nói chung, thông thường bao giờ cũng chỉ có 1/3, nhỉều lắm thì ½ cảnh quan là môi trường nhân tạo, còn lại đều là cây cỏ thiên nhiên. Hệ sinh thái tự nhiên này đủ sức tương thích và hỗ trợ cho phần môi trường nhân tạo còn lại. Hơn nữa, nếu bạn để ý, sẽ thấy ở các khu nghỉ dưỡng lớn trên thế giới, bao giờ người ta cũng xây khách sạn, biệt thư ngay cạnh sân golf. Và trong các khu nghỉ dưỡng đạt chuẩn quốc tế, bao giờ cũng có sân golf. Nếu nó thực sự tác động lớn đến môi trường, người ta có dại làm như vậy không?.

Nói không đâu xa, ngay một đất nước đi đầu trong bảo vệ môi trường xanh như Singapo, thì họ cũng chấp thuận xây dựng rất nhiều sân golf trong thành phố, hay như ở Thượng Hải còn có hẳn một sân golf khổng lồ ngay trong quy mô của một công viên lớn… Có lẽ, họ cũng không đến nỗi kém cỏi hay không biết mà nhắm mắt cho xây dựng một dự án tác hại môi trường ngay giữa lòng thành phố đâu!

* Trở lại với con số sân golf ở nước ta mà ông vừa nêu, đấy chỉ là những con số ở một vài đô thị lớn. Ông chưa kể đến những sân golf đang xoay quanh các đô thị đó, ở những tỉnh lân cận, như hiện tượng một tỉnh có đến 6 sân golf ở Long An?

Cái gì cũng có hai mặt, sân golf tập trung quá nhiều trong một tỉnh nhỏ chính là mặt trái – mặt thái quá của vấn đề. Các cụ ta thường nói, ăn đủ, ăn đúng mới sống lâu, không ai ăn nhiều mà sống dai cả!

* Vậy là theo ông, sự tồn tại của sân golf cũng như sự tồn tại của khách sạn năm sao, tuy là những “thứ xa xỉ”, nhưng không thể không có. Lợi ích của những “thứ xa xỉ” này mang lại, sẽ là ngắn hạn, trước mắt, trong hiện tại, hay là lâu dài, là lợi ích của… con cháu chúng ta?

Cái lợi mà những “thứ xa xỉ” này mang lại, theo tôi, nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, trực tiếp thay đổi môi trường đầu tư, môi trường kinh tế hiện nay. Trước đây, người ta rất khó chấp nhận khái niệm “khách sạn năm sao”, bây giờ khi ý thức được vai trò của nó, lại thấy thiếu. Còn ở khía cạnh là một môn thể thao giải trí, cách đây 20 năm, một người cầm vợt đi đánh tennis cũng gây một hiệu quả phản cảm chẳng khác gì chuyện một người đi đánh golf – , bị gọi là chơi môn thể thao quý tộc. Nhưng ta có xét ở đằng sau việc chơi golf đó, là hợp đồng kinh tế mà người ta mang vào Việt Nam ký kết, là cảm nhận về môi trường đầu tư, kinh doanh, giải trí v.v… ở ta đã được nâng cấp…

Cuộc sống luôn đan xen những mối quan hệ, những góc nhìn khác nhau.

Dường như chúng ta đang nhìn mọi vật theo cái nhìn… nghèo!


Vậy còn quan điểm cho rằng để có mặt bằng cho sân golf hoạt động, rất nhiều gia đình đã phải từ bỏ công việc truyền thống, nạn thất nghiệp gia tăng, các tệ nạn xã hội cũng vì thế gia tăng…

Nếu có ý kiến đó, sao ta không có một thống kê cụ thể, ví dụ như để sân golf Thủ Đức hoạt động, đã có bao nhiêu gia đình phải giải tỏa? Và bao nhiêu gia đình đó, liệu có là tất cả nguyên nhân góp vào sự gia tăng thất nghiệp ở TP, góp mặt gia tăng tệ nạn xã hội, các vấn nạn giao thông… như báo chí đã nêu? Trong khi đó, để lấy mặt bằng cho một khu công nghiệp hoạt động, chắc chắn, chính quyền cũng phải giải tỏa, đền bù, phải có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp...

Ngoài việc cân bằng quỹ đất, hay cân bằng lợi ích của nhóm cá nhân, tôi nghĩ cần đặt trong sự cân bằng lợi ích của cả tổng thể quốc dân. Tôi nhấn mạnh lại, họat động của sân golf, và cả đóng góp thu nhập trực tiếp của nó, có thể rất thiểu số trong sự tăng trưởng GDP, cũng tương tự như khách sạn năm sao vậy. Nhưng nó lại có đóng góp lớn ở những mặt khác. Nó là cái cần thiết và đến một thời điểm nào đó nó mới có thể chuyển thành cái thiết yếu.

* Nếu đặt lên bàn cân, liệu có cân bằng được giữa quỹ đất nông nghiệp đã và sẽ buộc chuyển đổi, tính đến thời điểm tháng 6/2008 là 49 nghìn ha, để trở thành sân golf với con số hiện có khoảng 144 dự án?

Tôi thấy chuyện này cũng tương tự như câu chuyện một con chim sẻ ăn hết 10 hạt thóc, và 1 triệu con chim sẻ sẽ tiêu tán hết mùa màng, dẫn đến chiến dịch diệt chim sẻ của một nước láng giềng trong quá khứ. Nếu chỉ vì bài toán ‘con chim sẻ” thì chúng ta sẽ không còn gì để có thể bàn luận nữa!

* Mở rộng ra ngoài việc tồn tại của sân golf, dường như câu chuyện ở đây còn là vấn đề về môi trường kinh doanh và các chiến lược hoạch định chính sách dài hạn để tạo ra một môi trường kinh doanh thực sự “phẳng” cùng với thế giới?

Đúng vậy. Tôi thấy một số chính sách của ta đang… chập chờn. Tất cả chúng ta đều hay có tật giật mình thon thót trước một biến động nào đó, là do không có sự tự tin hoặc thiếu sự thấu hiểu đến căn nguyên của vấn đề. Tất nhiên, tôi nói vậy không có nghĩa là tôi đã giỏi. Người không biết hát vẫn có thể thẩm định đâu là giọng hát hay chứ? Ý kiến thế này của tôi có thể bị phản bác, nhưng tôi vẫn cho rằng các nhà làm chính sách cần nhất là sự tỉnh táo, và thêm nữa, cũng cần phải “thị trường” một chút… như vậy thì sẽ thúc đẩy thị trường phát triển!

Người Đô Thị