'Săn' đất nội thành TP HCM làm dự án

Cập nhật 03/10/2007 14:00

Khá nhiều công ty kinh doanh địa ốc đang tìm đất tại các quận nội thành TP HCM làm dự án chung cư cao cấp, văn phòng cho thuê, khách sạn... Nhưng hiện tại quỹ đất này khá khan hiếm.

Khá nhiều công ty kinh doanh địa ốc đang tìm đất tại các quận nội thành TP HCM làm dự án chung cư cao cấp, văn phòng cho thuê, khách sạn... Nhưng hiện tại quỹ đất này khá khan hiếm.

Ông Võ Đình Quốc, Phó giám đốc Công ty cổ phần địa ốc ACB, cho biết gần đây một số doanh nghiệp đã nhờ công ty tìm mặt bằng trong khu vực nội thành. Điều kiện là diện tích tối thiểu phải 3.000 m2 để làm dự án căn hộ cao cấp. Nhưng ông Quốc than rằng để đáp ứng điều kiện như vậy rất khó. Chưa kể nếu tìm được đất thì giá cả cũng không dễ thỏa thuận vì đa số "hét" trên trời.

Là đơn vị quản lý quỹ đất của TP HCM nhưng Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP, Võ Công Lực, cũng khẳng định rất khó tìm quỹ đất ở nội thành dù có nhiều công ty trong và ngoài nước đặt hàng. Ông cho biết hiện trung tâm đang quản lý vài khu đất tại nội thành nhưng đất không "sạch" (chưa đền bù giải tỏa) nên chưa đưa ra đấu giá được. Các đơn vị này muốn tìm đất để xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao - những ngành kinh doanh đang "nóng", bên cạnh cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp.

Theo các công ty kinh doanh địa ốc, những khu đất diện tích tương đối rộng, đủ làm dự án, có vị trí thuận lợi ngay khi công bố đã có nhà đầu tư quan tâm, hỏi mua. Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn săn đón, tiếp cận thông tin về các khu đất sắp kêu gọi đầu tư. Một số doanh nghiệp tìm đất bằng việc rao thông tin trên các báo.

Lãnh đạo Công ty CP Kinh doanh nhà Novahomes nhìn nhận chỉ cần tìm được khu đất ở nội thành, có vị trí khá đẹp là doanh nghiệp đó đã có được ưu thế trong kinh doanh. Ông nói chủ đầu tư các dự án này không sợ sản phẩm bị "ế" mà ngược lại còn bán với giá cao, đem lại lợi nhuận khá lớn so với các dự án tại những khu vực khác.

Quỹ đất ở đâu ra?

Lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP khẳng định tại các quận hiện còn khá nhiều quỹ đất. Ông ước tính diện tích đất này lên đến hàng trăm ha nhưng đang sử dụng lãng phí hoặc khai thác chưa hiệu quả. Trong số đó, nhiều nhất là đất cho các doanh nghiệp nhà nước thuê sử dụng.

Những năm gần đây, chủ trương của trung ương cũng như TP là sắp xếp lại quĩ đất này, sử dụng một cách có hiệu quả nhưng tiến độ còn quá chậm. Ông cho rằng TP đang thiếu vốn đầu tư các dự án hạ tầng. Do đó sau khi sắp xếp nên mang quỹ đất này ra đấu giá hoặc giao có thu tiền sử dụng đất.

Như vậy sẽ đem lại nguồn thu lớn cho TP, đầu tư các dự án cầu đường... Vừa qua trung tâm đã đấu giá, chuyển giao cho chủ đầu tư 18 khu đất với tổng diện tích hơn 130 ha (kể cả đất ngoại thành), thu về hơn 2.600 tỷ đồng cho TP.

Còn theo ông Lê Quang Hàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thẩm định giá SaigonLand, ngoài đất thuộc sở hữu nhà nước còn khá nhiều quỹ đất từ các chung cư cũ, các khu dân cư lụp xụp cần chỉnh trang hoặc đất từ các cơ sở ô nhiễm di dời. Vấn đề là cơ chế chưa đủ hấp dẫn để nhà đầu tư tham gia, do vậy TP cần có chính sách hợp lý để khai thác quỹ đất này. Khi đó, các doanh nghiệp gây ô nhiễm sẽ tự nguyện di dời, đưa đất vào làm dự án.

Cùng quan điểm trên, nhiều doanh nghiệp khác cũng cho rằng quỹ đất tại nội thành không thiếu, có thể "xài" trong nhiều năm nữa. Tuy nhiên, để khai thác đất hiệu quả TP cần công khai đấu giá, chọn nhà đầu tư. Điều này cũng sẽ giải quyết phần nào nhu cầu về khách sạn, văn phòng cho thuê... ngày càng tăng. Đồng thời cũng góp phần vào việc chỉnh trang đô thị của TP.

Trong danh sách 412 khu đất Sở Tài nguyên Môi trường vừa đề xuất UBND TP công khai kêu gọi đầu tư, có khá nhiều khu đất tại khu trung tâm TP như dự án xây dựng khu thương mại và căn hộ tại khu vực chợ Dân Sinh, quận 1 thuộc khu Yersin - Nguyễn Thái Bình - Nguyễn Công Trứ - Ký Con (1,04 ha); cải tạo chung cư 128 Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, quận 1 (0,15 ha); cải tạo chung cư 1A-1B Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 (1,92 ha); chỉnh trang khu nhà ở phường 2-3, quận 4 thuộc khu vực đường Tôn Thất Thuyết - Khánh Hội và giáp công viên hồ - Hoàng Diệu - Nguyễn Khoái (9,4 ha).


Theo Tuổi Trẻ