Sân bay Long Thành: Giảm hơn 2.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng

Cập nhật 29/10/2014 09:35

Sau khi tính toán lại, tổng chi phí giải phóng mặt bằng xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ giảm 2.232,6 tỷ đồng, tương đương 106,31 triệu USD so với dự trù ban đầu.

Sau khi tính toán lại, tổng chi phí giải phóng mặt bằng xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ giảm 2.232,6 tỷ đồng, tương đương 106,31 triệu USD so với dự trù ban đầu.

Theo Báo cáo Báo cáo giải trình bổ sung về báo cáo đầu tư dự án đầu tư xây dựng  Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Chính phủ trình Quốc hội trong phiên làm việc sáng 29/10, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư cả 3 giai đoạn là 18,7 tỷ USD.

Trong đó, giai đoạn 1 là 7,837 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng); giải đoạn 2 là 3,818 tỷ USD và giai đoạn 3 là 7,061 tỷ USD (giai đoạn sau quy mô 100 triệu khách).

Dự kiến nguồn vốn được huy động giai đoạn 1 là 164.589 tỷ đồng là vốn NSNN sử dụng cho các hạng mục GPMB, xây dựng các cơ quan quản lý Nhà nước, đài chỉ huy, kết nối giao thông khu vực Cảng… Đây là những hạng mục có thời gian thu hồi vốn lâu hoặc đầu tư cho cơ quan quản lý Nhà nước và công tác GPMB, đền bù và tái định cư.

Phối cảnh một góc Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Cũng theo báo cáo, phương án tính toán trong báo cáo đầu tư dự án là 24.082 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư dự án giai đoạn 1, trong đó đã bao gồm chi phí GPMB đền bù và tái định cư dự án là 20.770 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi tiến hành kiểm tra khảo sát , UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 9405/TTr-UBND ngày 6/10/2014 ước tính lại các khoản chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù và tái định cư được xác định lại là 18.537,4 tỷ đồng.

Cụ thể, chi phí  GPMB phân kỳ 1 là 7.764,9 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2019); chi phí phân kỳ 2 là 10.772,5 tỷ đồng (giai đoạn 2024-  2026).

“Tổng chi phí GPMB giảm so với dự trù ban đầu là 2.232,6 tỷ đồng, tương đương 106,31 triệu USD”- báo cáo giải trình đánh giá.

Như vậy, sau khi cập nhật lại chi phí GPMB thì tổng vốn NSNN sử dụng cho giai đoạn 1 dự án là 21.849,4 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn đầu (1a) là 11.076,9 tỷ đồng và giai đoạn tiếp theo  (1b) là 10.772,5 tỷ đồng.

Để giảm phần vốn NSNN dự kiến phải chi trong giai đoạn đầu của dự án Chính phủ kiến nghị, cho phép Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam được sự dụng khoản tiền thu từ cổ phần hóa Tổng công ty và các công ty con để thực hiện công tác GPMB, đền bù và tái định cư phân kỳ 1 với số tiền dự kiến là 5.000 tỷ đồng.

Như vậy, số tiền GPMB và chi phí xây dựng phải bố trí từ NSNN chỉ còn 6.076,9 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn 1, vốn vay ODA sử dụng cho các hạng mục khác như đường cất hạ cánh, sân đậu, trang thiết bị phục vụ bay… do DN đầu tư vay lại vốn ODA từ Chính phủ và tự trả nợ.

Vốn huy động ngoài Nhà nước (vốn DN, hợp tác công tư – PPP) cho các hạng mục đầu tư có khả năng thu hồi vốn như nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa… giai đoạn 1 là 92.648 tỷ đồng, chiếm 56,3%.

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết, qua ghi nhận ý kiến của các ĐBQH hầu hết đều tán thành nước ta cần có một Cảng hàng không hiện đại. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị tính cấp thiết hay cần thiết đầu tư Cảng  hàng không quốc tế Long Thành. Nếu chưa cấp thiết thì cần cân  nhắc thời gian triển khai xây dựng....

Dự án được đầu tư tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, với diện tích giải phóng mặt bằng 5.000 ha, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành từng bước đạt cấp 4F (theo phân cấp của ICAO) với vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất quốc gia, dự kiến trong tương lai tại khu vực Đông Nam Á.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet