Trong khi chờ được quy hoạch, công nhận, bảo vệ nhiều khu phố cổ đã không còn cổ. Đường Đồng Khởi đã bị biến dạng...
Ngày 2-7, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch TP.HCM tổ chức hội nghị báo cáo kết quả Đề án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa giai đoạn 2006-2020 và góp ý dự thảo Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2010-2020.
Không ít đại biểu giật mình với con số TP.HCM chỉ còn một khu phố cổ trên đường Hải Thượng Lãn Ông (ngã tư Hải Thượng Lãn Ông-Triệu Quang Phục, quận 5). Nếu tính về “tuổi đời” của khu phố Hải Thượng Lãn Ông (xây dựng từ đầu thế kỷ 19) thì TP còn nhiều khu phố khác lâu đời hơn. Thế nhưng những khu phố khác chỉ còn lại một vài ngôi nhà giữ kiến trúc cổ, cảnh quan chung đã bị phá vỡ, không thể hiện được là khu phố cổ.
Di tích quý hơn vàng nếu có tầm nhìn...
Giáo sư Lê Xuân Diệm thắc mắc “TP.HCM chỉ còn một khu phố cổ là phố Tàu, vậy những phố Tây (từ thời Pháp - NV) có gọi là phố cổ không?”. Giáo sư Diệm cho rằng phố cổ phải giữ nhưng vấn đề làm sao phải giữ lại đời sống cổ, sinh hoạt cổ… Tức khu phố cổ ngoài việc là nhà cổ thì những sinh hoạt thường nhật, nghề nghiệp của người trong phố cũng như ngày xưa. Giữ được nguyên trạng phố cổ thì có thể kinh doanh phố cổ như một sản phẩm du lịch. Và lợi nhuận từ phố cổ có thể còn cao hơn các cao ốc thương mại. Giáo sư Diệm ví von: “Đất ở TP.HCM có “đất vàng” thì di tích là tài sản quý hơn vàng nếu có tầm nhìn chiến lược”.
Cột cờ Thủ Ngữ xây dựng từ năm 1865 đã được trả lại thế đứng độc lập của nó nhưng do công trình hầm Thủ Thiêm nên không gian của khu vực cột cờ Thủ Ngữ bị phá vỡ. Ảnh: Quỳnh Trang |
Không ít đại biểu tiếc xót về việc xóa bỏ những ô phố được xây từ năm 1872 để xây các cao ốc, trung tâm thương mại. Không mong TP.HCM có một phố cổ như Hội An nhưng “Dù 100 m, 200 m hay 1.000 m phố mà có chứa không gian đô thị, dấu ấn lịch sử - văn hóa của TP.HCM chúng ta cũng phải giữ” - bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch TP.HCM, phát biểu. Theo bà Thanh, “Con đường Đồng Khởi từ nhà thờ Đức Bà ra đến bến Bạch Đằng quý báu lắm, làm phải cẩn trọng chứ! Chúng ta có một con phố này nhưng nó không được công nhận, không được để tâm đưa vào danh sách di tích hay cần được bảo vệ…, cuối cùng phát triển tự phát theo nhu cầu và lẫn lộn kiến trúc”.
Đô thị Sài Gòn là ô phố văn minh
Bà Thanh kể, khi còn công tác tại Sở, UBND quận 1 muốn sửa Công viên Chi Lăng nhưng khi lót gạch đã làm thất lạc tấm biển khắc ngày xây dựng công viên. Sau đó quận 1 đã phải vất vả tìm tấm bảng này để gắn lại cho đúng. Tấm biển công viên có thể thay mới nhưng vấn đề ở đây là giữ gìn lịch sử của một địa danh. “Giờ tòa nhà Vincom Tower thay thế Công viên Chi Lăng xưa. Là người mua hàng, tôi cũng thích nhưng dưới con mắt của người làm văn hóa thì đau lòng lắm! Hàng cây cổ thụ ở Chi Lăng xưa giờ cũng không còn và vừa rồi là Givral nữa (trung tâm thương mại Eden). Những người nước ngoài còn tiếc Givral và có cả ca khúc “Givral, c’est fini” (tạm dịch “Vĩnh biệt Givral!”), lẽ nào chúng ta ở ngay đây mà không tiếc” - bà Thanh nói. “Xin các anh cẩn trọng với những không gian quý của thành phố khi ký cấp phép xây dựng một nơi mới. Không gian đô thị bản thân là di tích…”.
TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM, cho rằng dưới góc độ khảo cổ học đô thị thì cảnh quan đô thị cổ Sài Gòn là khu vực quận 1 và 3 với những ô phố Tây. “Quận 1 với ô phố trụ sở cơ quan hành chính, quận 3 với ô phố nhà ở biệt thự. Người Pháp khi đến Sài Gòn rất chú trọng phát triển đô thị. Chúng ta muốn văn minh đô thị thì phải xây dựng tập trung đúng tính chất đô thị Sài Gòn là ô phố chứ không phải trải dài theo quận, huyện”.
Thiếu bản đồ di tích, khảo cổ
Một vấn đề khác các đại biểu khá quan tâm mà không thấy dự thảo Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2010-2020 đề cập chính là bản đồ di tích, khảo cổ…
Bà Thanh hỏi: “Những di tích được xếp hạng hoặc di tích được bảo vệ chờ xếp hạng nếu lấn chiếm đều có cơ sở pháp lý để xử lý. Nhưng những địa chỉ không thuộc hai điều kiện trên sẽ như thế nào?”. Bà Thanh đề xuất rằng “Nên có danh mục hoặc bản đồ những nơi là di tích, nơi chờ xếp hạng di tích, nơi có giá trị… Bởi với tốc độ phát triển như hiện tại của TP.HCM thì một số nơi sẽ bị xóa sổ khi chưa kịp thành di tích”.
TS Hậu đóng góp rằng “Mục tiêu lâu dài phải có đó là quy hoạch đúng Luật Di sản văn hóa và phải có kết hợp giữa các ngành. Đừng để quy hoạch xây dựng xong ngành văn hóa mới biết hay đập rồi mới biết. Và rất cần một bản đổ chấm những điểm di tích, khảo cổ, nơi có thể khảo sát… để khi xây dựng vào vùng đó, khảo cổ biết đến khai quật trước”. TS Hậu bức xúc kể, “Như thời xây dựng cao ốc 33 tầng, cao ốc xây che chắn chúng tôi không biết gì cả và cứ đến xà bần để kiếm hiện vật. Hay tòa nhà Kumho xây chúng tôi còn… không biết xà bần đổ đâu để kiếm hiện vật. Chúng tôi không đòi giữ lại cái gì nhưng chúng tôi muốn được khai quật khảo cổ trước rồi hãy tiến hành xây dựng. Nên công khai khu vực xây dựng trước…”.
Thay đổi công năng di tích
Các quốc gia Pháp, Ý, Tây Ban Nha… công trình cổ được chuyển đổi công năng, thay đổi kiến trúc bên trong, chỉ giữ kiến trúc bên ngoài. Điều này chúng ta nên nghiên cứu thấu đáo: Cho thay đổi mức độ nào. Quản lý chủ sở hữu như thế nào… Đây là hướng để bảo tồn được hài hòa với thực tế phát triển.- (Kiến trúc sư Lý Khánh Tâm Thảo, Phó phòng Quản lý quy hoạch khu trung tâm, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM)
Ở TP.HCM, nếu để di tích chết tức hằng năm chỉ đến ngày lễ mới có lễ hội sẽ rất khó để người dân gần di tích hay thu hút khách du lịch. Chúng ta có những di tích sử dụng với mục đích hiện đại như khu vực dọc kênh của quận 4, quận 8 còn những nhà cổ, ghe thuyền xuất khẩu lúa, gạo… ghi dấu văn hóa thương thuyền. Chúng ta có thể biến đó thành bảo tàng, giữ cấu trúc bên ngoài, bên trong có thể thay đổi mang lại kinh phí, sức sống mới cho thành phố.- (TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HC)
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP