Rực sáng cầu Phú Mỹ và hành lang Đông Tây

Cập nhật 02/09/2009 08:40

Đây là 2 công trình giao thông có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của TPHCM, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống cầu, đường của TP đang ngày một quá tải.

Cầu Phú Mỹ sẽ được thông xe kỹ thuật vào hôm nay (ảnh chụp chiều 1-9). Ảnh: Thái Bằng.

Đây là 2 công trình giao thông có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của TPHCM, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống cầu, đường của TP đang ngày một quá tải.

Cầu Phú Mỹ: Mắt xích quan trọng của đường Vành đai số 2

Cầu dây văng Phú Mỹ nối quận 2 và quận 7 có tổng chiều dài toàn tuyến gần 10km, trong đó phần cầu dài 2,5km. Cầu có tĩnh không 45m, đảm bảo cho tàu lớn có thể ra vào hệ thống cảng biển nằm sâu trong nội thành TPHCM.

Cầu Phú Mỹ được thi công với những công nghệ hiện đại và đảm bảo an toàn cao, “Nếu lỡ một dây văng của cầu mà bị đứt thì cầu vẫn giữ được ổn định và an toàn cho người đi qua cầu”, ông Nguyễn Thành Thái, TGĐ Công ty cổ phần BOT, khẳng định. Ngoài 2 cái nhất trên, những người làm cây cầu này còn rất tự hào vì đây là cây cầu đầu tiên của TP hoàn thành trước kế hoạch đến 3 tháng.

Cầu Phú Mỹ là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP được xây dựng đúng theo ý nghĩa thực sự của 3 chữ: BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Một nhóm các nhà đầu tư Việt kiều liên doanh với một số doanh nghiệp trong nước để đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ. Khi cầu đưa vào sử dụng, các nhà đầu tư tổ chức thu phí hoàn vốn trong 26 năm (thời gian cụ thể có thể được điều chỉnh). 74 năm còn lại (tuổi đời của cầu được xác định là 100 năm) là do TP quản lý. Cầu Phú Mỹ là một mắt xích quan trọng trong đường Vành đai số 2 của TP.

Khi trục đường này hoàn thành, toàn bộ xe tải lưu thông trong nội thành có thể được đưa ra đây để giảm áp lực giao thông trong nội thành và vấn nạn kẹt xe ở khu vực trung tâm TP sẽ giảm đáng kể. Đường Vành đai số 2 bao gồm các tuyến đường: Ngã tư Bình Thái - quốc lộ 1A - nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1A - nút giao thông ngã tư Ga - quốc lộ 1A - vòng xoay An Lạc - Đại lộ Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ - ngã tư Bình Thái.

Hiện đường Vành đai số 2 đã cơ bản hoàn thành được một số đoạn: các đoạn thuộc quốc lộ 1A, các nút giao thông Gò Dưa, ngã tư Ga, ngã tư Bình Thái, vòng xoay An Lạc, cầu Phú Mỹ… Một số tuyến còn lại như: đường nối từ cầu Phú Mỹ đến ngã tư Bình Thái, cầu cạn nối quốc lộ 1A với cầu Phú Mỹ… vẫn đang thi công.

Do vậy, thời điểm này chưa thể tổ chức lại giao thông, để đưa toàn bộ xe tải ra đây. Tuy thế, với việc cầu Phú Mỹ, công trình quan trọng nhất, khó thực hiện nhất trong loạt công trình của Vành đai số 2, hoàn thành và đi vào sử dụng thì hệ thống giao thông TPHCM đã thực sự đón một niềm vui lớn.

Thông xe đường ven kênh Tàu Hủ - Bến Nghé: Góp phần phát triển đô thị

Những ngày này, đường ven kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, một hạng mục quan trọng của dự án xây dựng đại lộ Đông-Tây, đã cơ bản hoàn thành. Công nhân đang tất bật dọn dẹp công trường để có thể thông xe vào dịp 2-9.

Đường ven kênh Tàu Hủ - Bến Nghé có điểm đầu nối với cửa hầm Thủ Thiêm (phía quận 1) nghĩa là ngay gần cầu Khánh Hội và chạy qua các quận 1, 5, 6… kết thúc ở Lò Gốm. Đoạn đường này dài khoảng 9km với 5 - 6 làn xe lưu thông. Như vậy, trong dịp lễ 2-9, TPHCM có thể thông xe được 9km đường trong dự án đại lộ Đông-Tây có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 20km. Tuy chỉ có thế nhưng đã góp phần rất lớn trong việc giải tỏa áp lực giao thông ở hành lang Đông-Tây TP.

Hiện nay, các trục đường lớn của TP như Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Nguyễn Thị Minh Khai… luôn trong tình trạng quá tải, nhất là khi phải thu hẹp diện tích mặt đường cho công trường thi công đặt cống thoát nước trong dự án Cải thiện môi trường nước.

Ông Lưu Chí Tưởng, một chủ doanh nghiệp kinh doanh xe container ra vào các cảng biển trên sông Sài Gòn, vui mừng ra mặt khi sắp tới đây giới tài xế sẽ bớt vất vả. Theo ông, rất nhiều lần xe của doanh nghiệp đi từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đến vòng xoay An Lạc (đoạn đường chỉ vài kilômét) mà mất đến gần 4 giờ vì kẹt xe, không ít lần phải bồi thường cho chủ hàng. Vì thế, giới vận tải đang mong từng ngày đường ven kênh thông xe. Vấn đề này không chỉ có tác động tốt đến hoạt động giao thông mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành các khu dân cư, các đô thị mới của TP.

Ngoài đường ven kênh, các kỹ sư, công nhân của dự án xây dựng đại lộ Đông-Tây đang khẩn trương hoàn thành 1 hạng mục đó là hầm Thủ Thiêm. Ông Vương Hoàng Thanh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông-Tây cho biết, hiện nay nhà thầu đã hoàn thành việc sửa chữa bề mặt tường ngoài của toàn bộ 4 đốt hầm bị rạn nứt và tiến hành bơm, tiêm để sửa chữa các vết nứt của mặt dưới bản nóc. Dự kiến, việc sửa chữa sẽ hoàn thành trong năm 2009 và việc lắp đặt hầm Thủ Thiêm sẽ được thực hiện vào đầu năm 2010.

Cho đến thời điểm này, đây là con đường đô thị hiện đại nhất TPHCM. UBND TPHCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý kiến trúc các công trình xây dựng xung quanh đại lộ Đông-Tây, nhằm biến nơi đây trở thành một trong những khu vực đẹp nhất TP. Như vậy, đại lộ Đông-Tây không những có ý nghĩa quan trọng đối với giao thông mà còn có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển đô thị của TPHCM.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng