Rẻo xanh giữa phố

Cập nhật 08/03/2010 14:55

Mỗi sáng khi chớm nắng hay lúc mặt trời khuất sau những tảng bêtông, từ trẻ thơ một tuổi lúc lắc trên xe nôi đến ông bà cụ 80 tuổi đều chậm rãi dạo trong công viên nhỏ hiếm hoi chừng bốn ngàn mét vuông...

Mỗi sáng khi chớm nắng hay lúc mặt trời khuất sau những tảng bêtông, từ trẻ thơ một tuổi lúc lắc trên xe nôi đến ông bà cụ 80 tuổi đều chậm rãi dạo trong công viên nhỏ hiếm hoi chừng bốn ngàn mét vuông. Hiếm hoi bởi thời buổi “tấc đất tấc vàng”, khi phân lô bán nền, khi xây cao ốc chung cư... khoảng không gian cộng đồng ít được chủ đầu tư “hào phóng”... ban tặng.

Cám ơn quy hoạch có bốn ngàn mét vuông công cộng!


Sống ở đây đã hơn 20 năm qua, một khu phố khá êm ả, chưa có lấy một ngôi nhà cao hai tầng, bỗng nhà máy Z756 sát bên đập tường vây, quy hoạch làm đường nội bộ, phân lô xây nhà ở; tôi lấy làm rầu trong bụng, “sự êm ả mấy thập kỷ rồi sẽ chấm dứt” – người người, nhà nhà sẽ chen nhau về đây, đông đúc và chật chội khó mà tránh khỏi.

Nhưng cám ơn đời. May quá, dự án chừa 1/4 diện tích đất làm công viên cây xanh cho dân quần cư nơi đây ngửa mặt nhìn được trăng sao, thấy được bóng cây xanh chấp chới trong gió lùa, nghe được tiếng chim sẻ líu lo.

Không riêng cư dân quanh khu phố 3, phường 12, quận 10 hưởng không gian thoáng mát đó mà khách thập phương, những khu phố cận kề cũng đến để bách bộ, thể dục, đánh đu chân, lắc bụng, ngả lưng ra ghế tập trên các thiết bị công cộng hàng ngày. Từ sớm tinh mơ, từng nhóm người lớn tuổi ra múa quyền dưỡng sinh. Những đôi tình nhân đến trò chuyện trên ghế đá, bạn bè thân hữu đến uống càphê trong công viên mini.
Ngày hè, ngày nghỉ, thiếu niên còn quần tụ đá banh nhựa, đánh cầu lông nhờ đường sá nội khu mở rộng đến 6 – 7 mét. Mọi người cùng hoà hưởng và đường rộng thì gia chủ mặt tiền cũng “thơm lây” – nhà cũng có giá hơn là phải.

Tôi thường dành một tiếng mỗi tối dạo bộ, đi lòng vòng công viên mà ngẫm, thành phố đó đây, nhiều khu dân cư khô khốc toàn những khối bêtông dựng đứng giữa trời, sống ở đó như ra vào... lồng bồ câu. Ở đây, dù nhà năm bảy và cả chục tầng san sát thẳng tắp “răng cưa”, mặt tiền xanh - đỏ - tím - vàng muôn lối nhưng đa tạ... quy hoạch, có không gian giao tiếp cộng đồng – có tiếng trẻ nô đùa, có điệu múa dưỡng sinh...

Khu phố có giếng trời

Theo quy định, các công trình khu vực trung tâm, mật độ xây dựng chỉ trong 70%, càng ra xa khu trung tâm thì tỷ lệ này càng giảm. Tỷ lệ đất còn lại dùng làm công trình giao thông và cây xanh. “Đáng tiếc, hiện nay tại các khu dân cư khu vực trung tâm, mật độ xây dựng hầu như đến 100%, không còn chỗ cho cây xanh”, KTS Khương Văn Mười, phó chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam nói.

Diện tích xanh trên đầu người ở TP.HCM trong năm năm qua giảm hơn một nửa, từ 1,6m2/người vào năm 2005 nay chỉ còn 0,75m2/người. Trong khi đó, từ năm 2000, UBND thành phố đã đề ra kế hoạch đến năm 2010, thành phố phải đạt diện tích xanh 6 – 7m2/người.

Phó giám đốc sở Giao thông vận tải, bà Nguyễn Thị Hiền Lương thừa nhận, do công tác quản lý còn nhiều bất cập, đất đã được phê duyệt dành phát triển mảng xanh thường bị đem sử dụng vào mục đích khác.

Có nghe như vậy mới thấy khu phố 3 may mắn có khoảng trống thoáng, có cây xanh. Mặc dù nhà hàng, khách sạn, cửa hàng dịch vụ mở ra tưng bừng; xe cộ đậu xếp lớp, hàng hàng nhưng chưa đến nỗi không chạy nhảy hay đánh đu được.

Mặc dù từ sáng đến tối, những chủ đối xử tệ với môi trường cộng đồng đã thả chó chạy rong, lấy công viên làm... nhà vệ sinh; nhưng may thay cũng có chủ tay cầm xích dẫn chó đi dạo và tay cầm xấp báo để... dọn. Dù sao, cũng xin đa tạ quy hoạch đã cho khu phố một cái giếng trời công cộng.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị