Nếu không có gì thay đổi thì hết năm nay, các loại giấy trắng sẽ không còn giá trị để giao dịch. Khi giấy trắng đã thực sự hết thời thì chỉ còn lại các giấy hồng, giấy đỏ.........
Nếu không có gì thay đổi thì hết năm nay, các loại giấy trắng sẽ không còn giá trị để giao dịch. Khi giấy trắng đã thực sự hết thời thì chỉ còn lại các giấy hồng, giấy đỏ. Nhưng xung quanh hai loại giấy này cũng lắm phiền phức.
Hiện nhà, đất được cấp hai loại giấy khác nhau. Đất trống thì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ) theo Luật Đất đai năm 2003. Đất có nhà cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (giấy hồng) theo Luật Nhà ở.
Nếu giấy đỏ do Sở Tài nguyên và môi trường phụ trách thì giấy hồng lại do Sở Xây dựng đảm nhận. Ngoài hai loại giấy này, TP HCM còn có nhiều loại giấy trắng là những giấy tờ hợp lệ cấp trước giải phóng và sau 1994, rồi giấy hồng cũ cấp theo Nghị định 60 năm 1994, giấy đỏ cũ cấp theo Luật Đất đai năm 1993.
Theo nhiều viên chức của Bộ Tài nguyên Môi trường, việc cấp giấy chứng nhận như hiện nay chưa khoa học, chưa hợp lý. Với Luật Nhà ở, một thửa đất có thể được cấp cả giấy đỏ và giấy hồng hoặc nhiều hơn nếu chủ đất không đồng thời là chủ nhà hay khi thửa đất ấy được sử dụng vào nhiều mục đích. Mặt khác, hồ sơ địa chính theo Luật Đất đai đã thể hiện cả đất và nhà nhưng Luật Nhà ở lại còn yêu cầu lập hồ sơ quản lý riêng cho nhà, rất tốn kém, phiền phức.
Với giấy đỏ, cơ quan quản lý được phép ghi chú ngay trên giấy việc thế chấp, cập nhật biến động... Song với giấy hồng thì phải ghi chú vào một sổ khác, người chủ mới sẽ được cấp giấy mới dẫn đến việc khó kiểm tra, hao tốn.
Việc cấp hai giấy do các cơ quan khác nhau thực hiện đã gây khó khăn cho công tác quản lý nhà, đất. Một chuyên viên phân tích: “Khi cần các số liệu liên quan, cơ quan quản lý đất phải liên hệ với cơ quan quản lý nhà hoặc ngược lại. Con số thu thập được cũng chưa chắc chính xác vì một thửa đất có thể có nhiều giấy mà cơ quan quản lý không biết được...”.
Ông Trần Thế Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, cũng cho rằng phải sớm hợp nhất giấy hồng, giấy đỏ: “Các bộ hữu quan cần thống nhất quy trình, cơ quan đăng ký và mẫu giấy chứng nhận. Làm được vậy sẽ giảm được nhiều chi phí cho xã hội, khắc phục được những bất ổn của từng loại giấy”.
Hợp nhất các loại giấy là cần thiết nhưng kết quả sẽ cho ra loại giấy gì thì vẫn chưa ngã ngũ. Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, giấy hợp nhất đó có thể được nâng cấp từ giấy hồng, giấy đỏ và có bổ sung các nội dung còn thiếu.
Ông Ngô Trọng Khang, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất và nhà Hà Nội, lại ưng mẫu giấy tựa như bằng khoán điền thổ của chế độ cũ vì có ghi đầy đủ các thông tin về đất và nhà cũng như mọi việc chuyển dịch, mua bán, thế chấp.
Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Trung tâm Thông tin Tài nguyên Môi trường và đăng ký nhà đất TP HCM, muốn dùng giấy đỏ đương nhiên có sự điều chỉnh quyền sở hữu nhà vì: “Giờ nếu thêm một giấy mới nữa sẽ gây ra không ít xáo trộn...”.
Một trưởng phòng quản lý đô thị cũng đồng ý giấy đỏ vì giấy hồng cũ không thể hiện tọa độ giáp ranh và không có số tờ, số thửa... Song theo ông Nguyễn Hồng, Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp, giấy hồng cũ sau khi chỉnh sửa chút đỉnh sẽ là một mẫu giấy có nhiều ưu điểm.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị