Rà soát, chấn chỉnh chứ chưa cấm liền

Cập nhật 03/12/2009 08:30

Cho thuê nhà chung cư trái mục đích sử dụng có thể bị phạt tiền đến 10 triệu đồng.

Cho thuê nhà chung cư trái mục đích sử dụng có thể bị phạt tiền đến 10 triệu đồng.

Liên tục những ngày gần đây, dư luận xôn xao về Văn bản 2544 của Bộ Xây dựng yêu cầu một số địa phương rà soát, chấn chỉnh tình hình cho thuê căn hộ chung cư làm văn phòng theo hướng nhà chung cư phải sử dụng đúng mục đích, không được cho thuê làm văn phòng, cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhiều ý kiến cho rằng văn bản của Bộ Xây dựng không đủ cơ sở pháp lý, vi phạm quyền của chủ sở hữu nhà ở... Sự thật có đúng như vậy hay không?

Đầu cơ căn hộ chủ yếu để cho thuê

Hà Nội hiện có nhiều căn hộ chung cư đang được cho thuê làm văn phòng công ty, nhiều nhất là ở các khu chung cư mới. Chung cư mới ở trung tâm thành phố hay ở gần đường chính hoặc ở khu có hạ tầng tốt thì việc cho thuê căn hộ chung cư làm văn phòng rất phổ biến (khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính, khu đô thị Mỹ Đình, khu đô thị Trung Yên, khu chung cư trên đường Nguyễn Chí Thanh...). Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại nhà 17T10 trong khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính, có đến 60% căn hộ ở đây cho thuê, một nửa trong số đó là cho thuê làm văn phòng, trụ sở của tổ chức, doanh nghiệp.

Tới đây, việc sử dụng nhà chung cư làm văn phòng, trụ sở của tổ chức, doanh nghiệp có thể sẽ bị phạt. Ảnh: HTD


Giá cho thuê căn hộ chung cư hạng trung trong khu đô thị mới làm văn phòng khoảng 8-10 triệu đồng/tháng cho một căn hộ có diện tích 70-80 m², giá căn hộ trong chung cư cao cấp là 25 triệu đồng/tháng cho một căn hộ 250 m². Trong khi đó, giá thuê văn phòng ở ngoài thường gấp rưỡi hoặc gấp đôi.

Vì vậy, nhiều tổ chức, doanh nghiệp nhỏ đã chọn căn hộ chung cư để thuê làm văn phòng nhằm giảm chi phí. Trong khi đó, người có căn hộ chung cư cũng thường thích cho thuê làm văn phòng hơn là cho thuê để ở vì được giá và thời gian thuê dài hơn.

Việc cho thuê căn hộ chung cư làm văn phòng dẫn đến một số hệ lụy như ảnh hưởng đến không gian sống của những người dân trong khu chung cư, nguy cơ mất an toàn về sử dụng điện, phòng cháy chữa cháy... Chính điều này đã dẫn đến việc Bộ Xây dựng ra văn bản chấn chỉnh như trên.

Chủ nhà có thể bị phạt

Nhiều người băn khoăn: Căn cứ nào để cho rằng đã là nhà ở thì chỉ được sử dụng để ở, không được sử dụng vào mục đích khác? Điều 1 Luật Nhà ở định nghĩa: “Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân”. Điều này có đồng nghĩa với việc người dân có thể sử dụng hoặc cho người khác thuê để sử dụng nhà ở vào các mục đích khác hay không? Câu trả lời sẽ rất rõ ràng đối với nhà chung cư: “Không thể”!.

Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư (ban hành kèm theo Quyết định 08 ngày 28-5-2008 của Bộ Xây dựng) nghiêm cấm người dân sử dụng hoặc cho người khác sử dụng phần sở hữu riêng (phần diện tích bên trong căn hộ...) hoặc phần sử dụng riêng trái với mục đích quy định. Để lưu ý người dân về việc này, ngay từ lúc mua nhà chung cư trong các dự án đầu tư xây dựng của tổ chức kinh doanh nhà ở, Thông tư 01 ngày 25-2-2009 của Bộ Xây dựng yêu cầu người mua phải ký hợp đồng mua bán nhà theo mẫu với cam kết “sử dụng căn hộ đúng mục đích theo quy định tại Điều 1 của Luật Nhà ở”.

Ngoài ra, khoản 2đ Điều 52 Nghị định 23 ngày 27-2-2009 của Chính phủ quy định “phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng hoặc cho người khác sử dụng phần sở hữu riêng hoặc phần sử dụng riêng trái mục đích quy định”. Bên cạnh việc bị phạt tiền, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu, buộc phải thực hiện đúng các quy định về quản lý sử dụng nhà ở.

Như vậy, việc sử dụng nhà chung cư trái mục đích đã có quy định nghiêm cấm và cũng đã có chế tài xử phạt nhưng thực tế thì chưa ai bị phạt về hành vi này.

Chấn chỉnh theo lộ trình

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Văn bản 2544 của Bộ Xây dựng về việc chấn chỉnh trong quản lý sử dụng nhà chung cư không nói là dừng ngay việc sử dụng nhà chung cư làm văn phòng. Các địa phương căn cứ vào tình hình thực thế xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp để người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thực hiện. Trước mắt, các tỉnh, thành có nhiều nhà chung cư không cho doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở nhà chung cư. Như vậy sẽ không làm phát sinh mới những trường hợp này. Riêng với những văn phòng có ít người hoặc văn phòng ở tầng một thông thoáng thì có thể châm chước.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, hiện nay có nhiều người thành lập công ty và sử dụng ngay căn hộ chung cư của gia đình đang có làm trụ sở. Trong trường hợp này, với công ty có tính chất gia đình, số lượng người ít và đảm bảo an toàn, trật tự, vệ sinh thì vẫn được dùng căn hộ chung cư làm văn phòng công ty. Tương tự với nhà ở riêng lẻ, tuy là nhà ở nhưng khi làm nhà, chủ nhà có thể đã tính đến việc cho thuê nên thiết kế phù hợp với việc làm văn phòng.

Mặt khác, nếu cần sửa chữa cho phù hợp với mục đích sử dụng thì cũng dễ thực hiện. Hơn nữa, việc sử dụng nhà này làm văn phòng cũng ít ảnh hưởng đến dân cư sinh sống quanh đó. “Cho nên nhà ở riêng lẻ trước mắt vẫn cho sử dụng làm văn phòng. Tổ chức, doanh nghiệp ngoài việc thuê ở các văn phòng làm trụ sở còn có thể thuê nhà ở riêng lẻ làm trụ sở” - ông Nam nói.

“Khi chấn chỉnh lại việc quản lý sử dụng nhà chung cư có thể ảnh hưởng đến lợi ích của người có nhà cho thuê, của doanh nghiệp nhỏ. Nhưng cái được là vì lợi ích chung của cộng đồng” - ông Nam kết luận.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP