Rà soát tình hình triển khai các dự án đầu tư lớn là một trong những biện pháp cụ thể sẽ được thực hiện rốt ráo trong năm 2010.
Dự án Hồ xương Rồng đã có chủ mới. Ảnh: Tuyết Ánh |
Rà soát tình hình triển khai các dự án đầu tư lớn là một trong những biện pháp cụ thể sẽ được thực hiện rốt ráo trong năm 2010.
Dự án Hồ điều hoà Xương Rồng - Khu đô thị mới với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD của nhà đầu tư Intra (Nhật Bản) đã chính thức có chủ nhân mới.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên cho biết, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt hoạt động của Công ty TNHH Intra Việt Nam và giao dự án này cho Công ty cổ phần Sông Đà 2.
“Hai nhà đầu tư đã làm việc với nhau và Intra đồng ý sẽ trao lại toàn bộ hồ sơ Dự án cho Sông Đà 2. Phía Sông Đà 2 cũng đồng ý hỗ trợ một phần chi phí thực hiện Dự án mà Intra Việt Nam đã bỏ ra trong thời gian qua”, ông Minh cho biết.
Như vậy, sau 2 năm lình xình, kể từ khi được cấp phép vào năm 2007, một trong những dự án có vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn nhất tại tỉnh Thái Nguyên đã được bàn giao cho một doanh nghiệp trong nước.
Theo dự kiến của nhà đầu tư mới là Công ty cổ phần Sông Đà 2, việc khởi công Dự án Hồ điều hoà Xương Rồng sẽ được thực hiện vào giữa năm 2010.
Hiện tại, còn có một số dự án đầu tư quy mô lớn khác cũng trong tình trạng lình xình và có nhiều cảnh báo sớm về khả năng xem xét lại giấy chứng nhận đầu tư, như Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo (tổng vốn đầu tư 147 triệu USD, được cấp phép năm 2004), Dự án Khu liên hợp thép Cà Ná (tổng vốn đầu tư 9,8 tỷ USD)...
Như vậy, những động thái quyết liệt của các địa phương trong việc thực hiện rà soát tình hình thực hiện dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả dự án, đặc biệt là giải quyết tình trạng dự án treo quy mô lớn, đã thực sự bắt đầu.
Cũng phải nói rằng, trong 220 biện pháp cụ thể để thực hiện 6 nhóm giải pháp trong điều hành kinh tế - xã hội năm 2010 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo, kiểm tra tình hình các dự án lớn chậm triển khai là một đầu việc lớn của ngành kế hoạch và đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết: “Theo kế hoạch, khá nhiều dự án lớn sẽ được triển khai trong năm 2010. Việc rà soát các dự án là một giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, kịp thời hỗ trợ các nhà đầu tư trong triển khai dự án”.
Ông Sinh cũng nhấn mạnh rằng, với các chủ đầu tư không chứng minh được năng lực, không tiến hành dự án theo đúng cam kết, thì sẽ phải cân nhắc việc rút giấy phép.
Ở đây, vai trò của các địa phương chiếm phần nhiều. Trên thực tế, việc chuyển vốn đăng ký (có quy mô rất lớn của 2 năm trước và các tháng đầu năm 2009) thành vốn thực hiện là thách thức không nhỏ đối với quy mô của nền kinh tế, trình độ phát triển của cơ sở hạ tầng cũng như năng lực quản lý hiện tại của các cấp quản lý dòng vốn này.
Hơn thế, trong phân tích về hạn chế của dòng vốn đầu tư nước ngoài, các chuyên gia Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc phân cấp mạnh trong điều kiện thiếu các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa bàn cũng như chưa chuẩn bị kịp nguồn nhân lực quản lý đã làm xuất hiện ngày càng nhiều dự án quy mô quá lớn tại một số nơi, dẫn tới khả năng thực hiện thấp hoặc rất chậm, một số nơi không cân đối được lợi ích do dự án mang lại cho địa phương và chi phí cho dự án. Hậu quả tất yếu của tình trạng này là những dự án treo và những phức tạp trong thực hiện thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã cấp.
Trong số không ít dự án chậm trễ, lý do lại thuộc về trách nhiệm của địa phương trong việc không thực hiện được cam kết giao “đất sạch” cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều lãnh đạo địa phương thừa nhận, cam kết này tạo áp lực lớn về chi ngân sách cho chính họ khi thúc đẩy giải ngân FDI. Điều này khiến nhiều dự án lớn chưa thể triển khai, nhưng cũng khó thúc ép nhà đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, đây là thời điểm để Việt Nam tận dụng mọi biện pháp nhằm tranh thủ cơ hội cơ cấu lại danh mục đầu tư, nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI, tạo điều kiện cải thiện chất lượng tăng trưởng.
“Bên cạnh rà soát lại việc thực hiện dự án, Việt Nam đang tích cực tiếp cận các nhà đầu tư lớn để thu hút họ có định hướng lâu dài tại Việt Nam”, Bộ trưởng Phúc cho biết. Trong nỗ lực này, trách nhiệm lớn đặt lên vai chính quyền các địa phương.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư