"Rã băng" 156 dự án vướng mắc

Cập nhật 25/04/2023 10:46

Những nút thắt đầu tiên được tháo gỡ dù tạm thời hay dứt điểm đều rất quan trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt

Những nút thắt đầu tiên được tháo gỡ dù tạm thời hay dứt điểm đều rất quan trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt

Lô I-17 thuộc dự án khu phức hợp Sóng Việt (TP Thủ Đức) đã được UBND TP HCM cho phép huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai. Ảnh: QUỐC ANH

Ngày 24-4, đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết sau cuộc họp chiều 21-4 với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, có 2 dự án đã được gỡ nút thắt về thủ tục đầu tư. Cụ thể, sở đã ban hành 2 văn bản giải quyết cho dự án Đất Phương Nam (tên thương mại Moonlight Avenue, ở TP Thủ Đức) và dự án Vĩnh Tiến (tên thương mại Moonlight Centre Point, ở quận Bình Tân).

Những nút thắt đầu tiên

Đồng thời, cuộc họp cũng đã tháo gỡ dứt điểm 4 dự án khác về việc cấp giấy chứng nhận cho khách hàng mua nhà. Theo đó, ngay trong quý II sẽ có hơn 2.000 căn hộ, diện tích thương mại tại các dự án Moonlight Park View - phần thương mại còn lại (quận Bình Tân), Moonlight Boulevard (quận Bình Tân), 9 View Apartment (TP Thủ Đức) và 8X Đầm Sen (quận Tân Phú) được cấp giấy chứng nhận.

Trước đó, ngày 19-4, Novaland cũng khởi động lại dự án The Grand Manhattan (quận 1, TP HCM) thông qua ký kết với ngân hàng TPBank và nhà thầu Ricons. TPBank sẽ hỗ trợ tài chính để dự án tiếp tục thi công sau thời gian tạm ngưng, cũng như cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà, trong khi Ricons đảm nhiệm vai trò tổng thầu thi công.

Đây là một trong những dự án đầu tiên được UBND TP HCM tập trung gỡ vướng pháp lý. Hiện dự án đã thi công xong phần hạ tầng cơ bản, phần móng, hầm xe, phần thân lên đến tầng 28 và một số hạng mục tiện ích như nhà mẫu thực tế tại dự án. Novaland cho biết tiến độ bàn giao nhà dự kiến vào quý IV/2024.

Tuần trước, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP HCM (HoREA), đã có báo cáo nhanh kết quả giải quyết vướng mắc của 156 dự án nhà ở thương mại, đô thị trên địa bàn TP HCM. Tại báo cáo này, ông Châu cho biết UBND TP đã xem xét cho chủ đầu tư của 5 dự án BĐS, nhà ở thương mại, khu đô thị mới được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 5 dự án này, tương đương với 5.432 căn hộ (trong đó có 2.989 căn hộ thuộc một dự án khu đô thị mới).

Việc này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn trong lúc chờ kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án thuộc diện rà soát pháp lý mà chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trước đây. Ngoài ra, còn có 1 dự án khu nhà chung cư tại quận 4 cũng đã được UBND TP cho ý kiến chỉ đạo các sở, ngành rà soát giải quyết.

HoREA không thông tin cụ thể về những dự án được gỡ vướng bước đầu, tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Vũ Anh Dũng, Phó trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường BĐS - Sở Xây dựng TP HCM, cho biết kết quả giải quyết đối với một số dự án gặp vướng mắc về đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai. Theo đó, DN thuộc Tập đoàn GamudaLand kiến nghị Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với khu A5, A6 tại dự án khu đô thị Celadon City, quận Tân Phú. UBND TP đã thống nhất cho huy động vốn 50%.

Dự án của DN thuộc Công ty CP BĐS Sơn Kim (Sơn Kim Land) là khu phức hợp Sóng Việt tại khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng kiến nghị xác nhận đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai đối với lô I-17 và cũng đã được UBND TP thống nhất cho huy động vốn 50%.

Ngoài ra, dự án khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp của DN thuộc Gotecland tại phường Tân Thuận Đông, quận 7 cũng kiến nghị chấp thuận thủ tục bán nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án. "UBND TP đã họp thống nhất cho huy động vốn 50%" - ông Vũ Anh Dũng nói.

Vướng nhiều lĩnh vực, nhiều sở ngành

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, các dự án nói trên chủ yếu gặp vướng mắc liên quan đến thủ tục mở bán căn hộ, khâu tính thuế đất, giấy phép xây dựng, xác định lại giá đất, thanh tra, kiểm tra… Một số dự án đã bị đình trệ nhiều năm.

Cụ thể, dự án khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7, tên thương mại là Shizen Home, do Công ty TNHH Gotec Việt Nam (Gotec Land) làm chủ đầu tư. Năm 2022, Gotec Land đã 3 lần gửi hồ sơ đề nghị Sở Xây dựng TP xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Cả 3 lần Gotec Land đều bị trả hồ sơ vì lý do cần rà soát quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất của dự án.

Còn dự án khu phức hợp Sóng Việt (TP Thủ Đức) do Công ty Quốc Lộc Phát (thành viên của Sơn Kim Land) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích khoảng 7,6 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 7.300 tỉ đồng. Năm 2017, Công ty Quốc Lộc Phát được UBND TP giao thực hiện dự án. Đến năm 2019, Thanh tra Chính phủ kết luận dự án này được UBND TP chỉ định nhà đầu tư không qua đấu giá quyền sử dụng đất, tính và thu tiền sử dụng đất. Trong đó, có việc xác định tiền sử dụng đất tại một số lô đất với đơn giá 26 triệu đồng/m2 là không đúng quy định.

Do đó, cần phải được xem xét, xác định lại giá đất để truy thu, tránh thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Vướng mắc này kéo dài nhiều năm nên chưa được cấp xác nhận đủ điều kiện bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, những khu đã hoàn thành vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Còn dự án khu liên hợp văn hóa thể thao và dân cư Tân Thắng hay còn gọi là dự án Celadon City (quận Tân Phú) gặp vướng mắc lớn nhất ở khâu tính thuế. Dự án ban đầu có diện tích hơn 90,08 ha thuộc chủ đầu tư Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal hiện là TTC Land).

Sau này chuyển pháp nhân cho Công ty CP Đầu tư BĐS Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng (công ty con do Gamuda Land sở hữu 98%). Sacomreal cho biết Gamuda Land khi tham gia mua cổ phần, chỉ đóng phần được công nhận trên dự án được TP điều chỉnh, phần còn lại không đóng.

Thế nhưng sau này, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Gamuda Land phải đóng phần thuế hơn 400 tỉ đồng do đã không chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư mà chỉ mua lại cổ phần của DN đầu tư dự án nên không được khấu trừ chi phí bồi thường, tái định cư vào tiền sử dụng đất, thuê đất dự án... Vì không đồng ý việc này nên những khu của dự án đã hoàn tất giao cho khách hàng nhưng không được cấp sổ, những khu đang xây dựng thì chưa được cấp xác nhận đủ điều kiện bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo ông Vũ Anh Dũng, vướng mắc tại 156 dự án BĐS liên quan tới nhiều lĩnh vực: đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng, tài chính… Với trách nhiệm được UBND TP giao, Sở Xây dựng đã phối hợp với HoREA phân nhóm vướng mắc theo trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, để trình UBND TP HCM.

Danh sách 156 dự án nhưng khi phân nhóm, một dự án có thể có 2-3 vướng mắc, kiến nghị cho nên tổng thể có đến 189 kiến nghị. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan 98 vướng mắc, Sở Kế hoạch và Đầu tư 39 vướng mắc, Sở Quy hoạch và Kiến trúc 20 vướng mắc, Sở Xây dựng 20 vướng mắc, Sở Giao thông Vận tải 3 vướng mắc, Ban Quản lý khu Nam 2 vướng mắc, Cục Thuế TP HCM 4 vướng mắc, Chi cục Tài chính DN 1 vướng mắc, UBND TP Thủ Đức 1 vướng mắc.

Theo ông Vũ Anh Dũng, riêng Sở Xây dựng có 20 dự án với 20 vướng mắc và đã có kết quả giải quyết tại một số dự án. Theo đó, đến nay cơ bản đã giải quyết 14 vướng mắc, trong đó đã có văn bản giải quyết 9 vướng mắc, 3 kiến nghị nhưng không có cơ sở giải quyết vì không bảo đảm quy định pháp luật và đã trình UBND TP HCM 2 dự án. "Còn lại 6 dự án sẽ tiếp tục giải quyết, trong đó Sở Xây dựng trực tiếp xử lý theo thẩm quyền 1 dự án và trình UBND TP 5 dự án - chúng tôi nhận định có khả năng giải quyết được ngay 1 dự án và 4 dự án phải tiếp tục họp và xin ý kiến nhiều" - ông Vũ Anh Dũng thông tin.

Kiến nghị xử lý dứt điểm

Với việc những vướng mắc tạm thời được tháo gỡ, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị UBND TP HCM và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm kết luận dứt điểm đối với các dự án này, để thị trường BĐS có thể đón nhận thêm hàng ngàn căn hộ giúp tăng nguồn cung nhà ở, tạo được dòng tiền cho các DN, tăng thanh khoản cho thị trường và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, giải quyết các dự án tương tự mà các chủ đầu tư cũng đề nghị được huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai, để khai thông thị trường BĐS, bảo đảm tính công bằng cho các DN.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Người lao động