Tuần qua, tổ công tác xử lý dự án chậm triển khai của TPHCM tiến hành kiểm tra các dự án và đã lên “danh sách đen” đề xuất UBND TP xử lý, đặc biệt kiên quyết thu hồi những dự án không khả thi hoặc chậm triển khai gây thiệt hại cho người dân.
Tuần qua, tổ công tác xử lý dự án chậm triển khai của TPHCM tiến hành kiểm tra các dự án và đã lên “danh sách đen” đề xuất UBND TP xử lý, đặc biệt kiên quyết thu hồi những dự án không khả thi hoặc chậm triển khai gây thiệt hại cho người dân.
Đô thị mới chưa “mới”
Tại các quận vùng ven như quận 9, 2, 12, Bình Chánh… hầu như nơi nào cũng có dự án chậm tiến độ hoặc “treo”. Nguyên nhân chủ yếu do chủ đầu tư gặp khó khăn khi triển khai bồi thường, không đủ vốn, thậm chí doanh nghiệp đã giải thể nhưng dự án vẫn cứ treo đó.
Tại quận 9, UBND quận đã đề nghị thu hồi 5 dự án, nhưng qua kiểm tra thực tế, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) yêu cầu thu hồi thêm dự án khu tái định cư Suối Tiên (phường Tân Phú) do Công ty TNHH Lâm sản mỹ nghệ Suối Tiên làm chủ đầu tư.
Qua công tác kiểm tra thực tế, phân tích những nguyên nhân chủ quan, khách quan, TP sẽ cho gia hạn những dự án nào khả thi, tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp. Với những dự án không khả thi, chủ đầu tư không đủ năng lực sẽ phải kiên quyết thu hồi. Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM |
Dự án này “treo” 10 năm nay và mới bồi thường 44% diện tích. 12 dự án treo khác như xây trường học, trung tâm y tế dự phòng, đường giao thông… được tiếp tục gia hạn đầu tư. Tại khu đô thị mới Nam Sài Gòn, nơi TP kỳ vọng sẽ mọc lên những dự án khu dân cư hiện đại, kiểu mẫu, cũng có quá nhiều dự án ì ạch.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết sẽ kiến nghị HĐND TPHCM giám sát các dự án treo tại khu Nam, yêu cầu Ban quản lý (BQL) khu Nam phải tổng kết mô hình khu đô thị mới nhằm rút ra những bài học thực tiễn, khắc phục những hạn chế.
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, phần lớn dự án chậm triển khai nằm trong khu Nam. Năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra và đề nghị hủy bỏ quyết định giao đất 5 dự án. UBND TP giao BQL khu Nam xử lý nhưng đến cuối năm 2012 tình hình vẫn không thay đổi.
Một trong những dự án nổi cộm là khu dân cư Hạnh Phúc ở xã Bình Hưng do Tổng công ty Xây dựng Số 1 làm chủ đầu tư. Dự án này được giao đất từ năm 2004 nhưng đến nay tỷ lệ bồi thường chỉ đạt 30%. Tại cuộc họp, chủ đầu tư và BQL khu Nam xin gia hạn dự án và cam kết sẽ giải phóng xong mặt bằng vào năm 2015.
Tuy nhiên, ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, đã kiên quyết đề xuất thu hồi quyết định giao đất. Ngoài ra, trong khu Nam còn nhiều dự án kéo dài hơn 10 năm chưa thực hiện. Một số chủ đầu tư đã xin bỏ cuộc vì không đủ năng lực thực hiện. Huyện Bình Chánh đề xuất không gia hạn đối với các dự án bồi thường dưới 50% diện tích, với dự án có mức bồi thường dưới 80% yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Doanh nghiệp bất hợp tác
Tại quận 12, Tổ công tác kết luận sẽ thu hồi 20ha và kiến nghị thu hồi 18ha thuộc dự án khu nhà ở Thới An, phường Thới An. Dự án có quy mô 38ha đã “treo” 12 năm nay. Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Kinh doanh Nhà Phú Nhuận, một doanh nghiệp nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND quận 12 ông Nguyễn Tương Minh cho biết dự án chia thành 2 khu, khu 2 (18ha) và khu 3, 4 (20ha) đã bồi thường 65% và 44%. Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư gần như bất hợp tác với chính quyền.
Một dự án tại quận 2 đang trong giai đoạn đền bù giải tỏa. Ảnh: TR. GIANG
|
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Tài chính