Quyết liệt với nợ xấu!

Cập nhật 09/12/2011 09:50

Câu chuyện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay đang nóng. Nhưng vấn đề tái cấu trúc chỉ có thể hiệu quả và thực chất nếu những người lãnh đạo, quản lý từ cấp vĩ mô cho đến mỗi tổ chức tín dụng thực sự “lột xác” trong tư duy.

Câu chuyện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay đang nóng. Nhưng vấn đề tái cấu trúc chỉ có thể hiệu quả và thực chất nếu những người lãnh đạo, quản lý từ cấp vĩ mô cho đến mỗi tổ chức tín dụng thực sự “lột xác” trong tư duy.


Nhiều ngân hàng chưa lựa chọn được phương án ứng xử hợp lý với nợ xấu.

Vấn đề nợ xấu của khối ngân hàng là chuyện không hề mới nhưng luôn là nỗi lo thường trực của nền kinh tế. Theo thống kê, chỉ tính đến tháng 8/2011, tổng số nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã lên tới 76 nghìn tỷ đồng, trong đó, số nợ không có khả năng thu hồi lên tới 37,2 ngàn tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9/2011, chỉ tính riêng 8 ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết cổ phiếu trên TTCK đã có tổng nợ xấu lên tới gần 15.018 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 8.293 tỷ đồng. Dù vẫn trong giới hạn an toàn nhưng chỉ riêng số nợ xấu của Vietcombank (7.379,567 tỷ đồng) đã tương đương vốn điều lệ của một NHTM bậc trung. Tuy nhiên, trong khi các cơ quan quản lý và giới chuyên gia kinh tế lo ngại về vấn đề này, thì lãnh đạo một số NHTM lại chưa nỗ lực tìm hướng giảm nợ xấu hoặc chưa có sự quan tâm đúng mực.

Chính vì chưa quan tâm đến vấn đề xử lý nợ xấu, quyết liệt nên nhiều ngân hàng ở Việt Nam khi không tìm được cách xử lý đã thực hiện một việc cực kỳ đơn giản đó là... khoanh khoản nợ xấu lại, bỏ đó. Một số ngân hàng cũng mong muốn tìm hướng xử lý xấu qua phương án thanh lý, hoặc bán thu hồi một phần vốn (như cách làm ở nhiều nước trên thế giới) nhưng lại thiếu chế tài hướng dẫn.

Mặc dù theo Quyết định số 59/2006/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 21/12/2006, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các tổ chức tín dụng được quyền mua, bán đối với các khoản nợ mà tổ chức tín dụng cho khách hàng vay. Một khoản nợ có thể được bán một phần hoặc toàn bộ, bán cho nhiều bên mua nợ và có thể được mua, bán nhiều lần... Tuy nhiên, các điều khoản quy định trong Quyết định này còn rất chung chung. Theo ông Trần Phương, Giám đốc Ban kế hoạch phát triển - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thì việc mua bán nợ xấu ngân hàng ở ta nếu có thì diễn ra rất khó khăn từ việc lập hồ sơ, đưa lên tòa, đến thi hành án rất phức tạp, thậm chí 2 - 3 năm không xong được việc. Vì thế, các định chế trong, ngoài nước rất ít hoặc chưa muốn tham gia vào lĩnh vực này do e ngại rủi ro khi mua nợ nhưng về sau không bán được.

Chính vì thiếu hướng dẫn trong việc bán nợ xấu nên các ngân hàng rất khó hợp tác với Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Ông Phạm Mạnh Thường - Phó tổng giám đốc DATC - Bộ Tài chính chia sẻ tại một hội thảo về mua bán nợ mới đây là DATC từng tiếp cận, đàm phán mua nợ xấu tại một số ngân hàng. Đó đều là những khoản nợ xấu khó đòi, khả năng thu hồi thấp. Những tưởng ngân hàng sẽ coi đây là cơ hội thanh lý nợ xấu, thu hồi một phần vốn, nhưng họ lại không đáp ứng đề nghị của DATC. Thậm chí, có một ngân hàng lớn, đang niêm yết cổ phiếu trên HOSE còn đòi bên mua nợ phải trả gần đủ 100% giá trị của khoản nợ xấu, trong khi trên thế giới, giá mua thông thường chỉ khoảng 40%, khiến bên mua chỉ còn cách chào thua!

Từ những câu chuyện trên mới thấy vấn đề nợ xấu của ngân hàng ở ta có rất nhiều điều đáng nói, đáng bàn. Với một thị trường mua bán nợ còn rất sơ khai, ngoài DATC chủ yếu mua bán nợ của DNNN, số công ty khác tham gia lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay, lại thiếu cơ chế, kinh nghiệm nên mới chỉ dám mua những khoản nợ nhỏ. Trong khi đó bên bán, cụ thể là một số ngân hàng thì lại thiếu hành lang pháp lý khiến tình hình tài chính của không ít tổ chức tín dụng rất kém lành mạnh, minh bạch. Trong khi đó, việc mua, bán nợ xấu là điều bình thường và đã phát triển thành thị trường mua bán nợ đúng nghĩa tại rất nhiều quốc gia.

Câu chuyện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay đang nóng. Nhưng vấn đề tái cấu trúc chỉ có thể hiệu quả và thực chất nếu những người lãnh đạo, quản lý từ cấp vĩ mô cho đến mỗi tổ chức tín dụng thực sự “lột xác” trong tư duy, có quan điểm quyết liệt trong xử lý nợ xấu, mà việc thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển là một hướng đi đúng. Đây chính là việc làm góp phần hỗ trợ tiến trình mua bán, sáp nhập các ngân hàng, tổ chức tín dụng dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả, dự định sẽ diễn ra trong tương lai không xa...

DiaOcOnline.vn - Theo Nhà Báo & Công Luận