Quyền sử dụng đất là quyền tài sản

Cập nhật 09/03/2013 08:28

Đất đai là tài nguyên, là nguồn lực quan trọng vì vậy luôn là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản và quyền này được pháp luật bảo vệ đầy đủ, được đánh giá là một bước tiến mới trong tư duy luật pháp.

Đất đai là tài nguyên, là nguồn lực quan trọng vì vậy luôn là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản và quyền này được pháp luật bảo vệ đầy đủ, được đánh giá là một bước tiến mới trong tư duy luật pháp.

Khoản 1 và 2, Điều 58 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: "Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo quy hoạch và pháp luật. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích; được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ". Tại nhiều hội thảo, hội nghị góp ý cho Dự thảo, nhiều ý kiến đánh giá việc kế thừa quy định chế độ sở hữu toàn dân với đất đai nhưng quy định rõ quyền sử dụng đất được coi là quyền sở hữu tài sản là một bước tiến đáng ghi nhận.

Theo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên từng nhận xét, đất đai là vấn đề rất phức tạp, ngay trong quá trình soạn thảo đã có 3 quan điểm khác nhau. Có người cho rằng quay trở lại Hiến pháp năm 1959 là đa dạng hình thức sở hữu đất đai. Ý kiến thứ hai là vẫn giữ sở hữu toàn dân về đất đai nhưng đất ở và đất nông nghiệp bảo đảm như quyền sở hữu. Thứ ba là giữ nguyên như hiện nay. Đi sâu phân tích những vấn đề nêu trên, theo ông Hoàng Thế Liên, những yếu tố chưa hiệu quả, gây bức xúc, tiêu cực trong vấn đề đất đai là do chúng ta thể chế hóa pháp luật về chế định đất đai là sở hữu toàn dân chưa đầy đủ. Mặt khác, có nguyên nhân từ yếu kém trong công tác quản lý. Việc Dự thảo khẳng định quyền sử dụng đất là quyền tài sản là bước tiến mới, rất có lợi cho người dân và quyền này được pháp luật bảo vệ đầy đủ.

Còn ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, một trong những lý do khiến công tác quản lý đất đai thời gian qua còn nhiều yếu kém là cơ chế "xin - cho" khá nặng nề, cùng với việc sử dụng nhiều quy định, quyết định hành chính. Trong khi đó, đất đai hay quyền sử dụng đất vốn là một loại hàng hóa đặc biệt, cần được quản lý đúng với tính chất "hàng hóa" theo các biện pháp đặc thù. Để khắc phục những bất cập này, cần phát huy các yếu tố thị trường trong quản lý đất đai như đấu thầu quyền sử dụng đất dịch vụ một cách công khai, minh bạch; định giá theo hướng thị trường thông qua việc sử dụng các tổ chức định giá độc lập... Tán thành quy định "quyền sử dụng đất là quyền tài sản", ông Phạm Gia Túc đề xuất bổ sung khoản 1, Điều 58 Dự thảo thành "Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý phù hợp với các yếu tố thị trường theo quy hoạch và pháp luật".

Trong quá trình tham gia góp ý, có ý kiến đề xuất khoản 2, Điều 58 nên rút gọn "Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ" thành "quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ" cho ngắn gọn, cô đọng.

Khoản 3, Điều 58 quy định các nội dung liên quan tới thu hồi đất cũng là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Có ý kiến cho rằng, Dự thảo quy định: "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội" chưa ngắn gọn và mang tính hiến định cao, nên thay cụm từ "thu hồi đất" bằng cụm từ "trưng mua quyền sử dụng đất". Về vấn đề này, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật kinh tế (Bộ Tư pháp) nhận xét, nên dùng từ thu hồi vì thể hiện đúng bản chất Nhà nước đại diện quyền sở hữu toàn dân về đất và cá nhân, tổ chức chỉ được giao quyền sử dụng. Do vậy, khi cần thiết thì phải thu hồi chứ không phải trưng mua. Trưng mua chỉ phù hợp với tài sản là sở hữu của cá nhân hay tổ chức.

Nhìn nhận ở góc độ khác, bà Nguyễn Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng hiện tài sản lớn nhất của người dân là đất đai. Nếu vì lợi ích an ninh, quốc phòng, cộng đồng thì người dân phải hy sinh nhưng phải được bồi thường và trong trường hợp này nên gọi là trưng mua.

Đối với các trường hợp thu hồi đất, ngoài đất phục vụ các công trình công cộng, phục vụ lợi ích an ninh quốc gia, nhiều ý kiến đề nghị cần hết sức thận trọng khi xem xét các trường hợp còn lại, nhất là với các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Bởi trước hết các công trình này không phục vụ mục đích công cộng và hướng tới lợi ích toàn dân. Mặt khác, khi đưa ra các quy định cũng cần tránh tình trạng đất đai tích tụ vào một số doanh nghiệp, lấy đất nông nghiệp để phát triển đô thị, tạo ra chênh lệch địa tô lớn, kéo giãn khoảng cách giàu nghèo.

Đất đai luôn là lĩnh vực nhạy cảm. Người dân hy vọng những quy định liên quan tới đất đai được hiến định trong Dự thảo lần này sẽ góp phần quản lý hữu hiệu hơn nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng của quốc gia, đồng thời giải quyết được căn bản những mâu thuẫn phát sinh liên quan tới đất đai đang chiếm tới 70% các vụ khiếu nại, tố cáo hiện nay.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới