Quý III: Tín dụng “trói” bất động sản

Cập nhật 12/10/2011 16:40

Trong suốt quý 3/2011, thị trường BĐS Hà Nội và TPHCM tiếp tục trầm lắng do nguồn tín dụng hạn chế và nền kinh tế còn nhiều khó khăn.


Không khí giao dịch trầm lắng bao trùm cả khu vực phía Tây Hà Nội vốn khá sôi động trong những giai đoạn trước.
Trong suốt quý 3/2011, thị trường BĐS Hà Nội và TPHCM tiếp tục trầm lắng do nguồn tín dụng hạn chế và nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

Thị trường Hà Nội

Trong Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội, Công ty TNHH Knight Frank Việt Nam cho biết tính thanh khoản của thị trường nhà ở đặc biệt thấp trong quý 3/2011.

Báo cáo của công ty lý giải rằng nhiều khách mua tiềm năng còn e ngại sự đóng băng của thị trường khi tín dụng dành cho bất động sản vẫn bị hạn chế trong khi một số hình thức đầu tư khác, đặc biệt là vàng mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều.

Ở mảng thị trường căn hộ để bán, tốc độ bán của các dự án nhìn chung vẫn chậm. Một số dự án vẫn tiếp tục mở bán, như Green Park, Skyview ở quận Cầu Giấy còn một số dự án khác phải tạm hoãn hoặc đình trệ thi công do thiếu vốn.

Knight Frank Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, tình hình hoạt động của thị trường nhà ở sẽ tiếp tục chịu tác động từ các yếu tố như tỷ lệ lạm phát, chính sách tiền tệ của chính phủ và tình hình hoạt động của các hình thức đầu tư khác như vàng và chứng khoán.

Thị trường căn hộ dịch vụ cho thuê không có dự án mới nào đi vào hoạt động trong quý vừa qua.

Nguồn cung vì thế vẫn duy trì với khoảng 2.500 căn hộ thuộc 55 dự án. Tỷ lệ cho thuê của các dự án hạng A, B và C tương ứng là 85%, 90% và 90%.

Phân khúc thị trường này tiếp tục bị cạnh tranh bởi các căn hộ và biệt thự cao cấp cho thuê, đặc biệt là biệt thự tại khu vực Tây Hồ. Trong quý tới thị trường sẽ chào đón 378 căn hộ dịch vụ cho thuê của dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower.

Thị trường văn phòng có thêm một dự án trong quý 3/2011 là Tòa nhà Việt Á tại quận Cầu Giấy, cung cấp thêm 17.000 m2 diện tích văn phòng, chỉ bằng 1/10 so với tổng nguồn cung trong 6 tháng đầu năm.

Tại khu vực trung tâm, giá thuê có xu hướng giảm nhẹ ở một số tòa nhà mới đi vào hoạt động. Về phía Tây thành phố, giá thuê giảm từ 12 - 15% do cạnh tranh từ một số dự án lớn như Charm Vit Tower và Keangnam Hanoi Landmark Tower.

Thị trường TPHCM

Theo báo cáo thị trường bất động sản TPHCM quý 3/2011 của công ty TNHH CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE), giá bán tại thị trường thứ cấp tiếp tục sụt giảm tại tất cả các phân khúc do lãi suất vẫn ở mức cao khiến nhu cầu của giới đầu tư sụt giảm.

Tình hình kinh tế trong nước và thế giới đều đang diễn biến khó khăn nên cũng hạn chế quyết định mua vào của các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư ngắn hạn, lướt sóng.

Một số nhà đầu tư không thể tiếp cận vốn vay hoặc không muốn trả lãi cao đã bán sản phẩm với giá thấp hơn giá của chủ đầu tư nhằm thu hồi vốn và thanh toán các khoản vay lãi.

Ông Marc Townsend, Tổng Giám Đốc Điều hành công ty CBRE Việt Nam, cho rằng các chủ đầu tư đang giảm giá một cách gián tiếp thông qua việc đưa ra những ưu đãi rất cao. Ví dụ, chủ sở đầu tư có thể đưa ra các mức chiết khấu tới 20% giá bán để thu hút người mua. Tuy nhiên, những hình thức ưu đãi này thường đi kèm với điều kiện người mua phải thanh toán một lần. Điều này cũng đồng nghĩa rằng những người tham gia giao dịch đều có tiềm lực tài chính mạnh và có nhu cầu mua sử dụng hoặc đầu tư dài hạn.

Tuy nhiên, cả CBRE và Knight Frank Việt Nam cho rằng, trong trung hạn, thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường nhà ở sẽ ấm lên nhiều khi có các yếu tố hỗ trợ nhu cầu của người mua nhà như: tốc độ tăng trưởng dân số, tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng thu nhập, và sự xuống cấp của các khu nhà ở hiện tại,...

DiaOcOnline.vn - Theo DVT