Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020 đã được ban soạn thảo đưa ra “bảo vệ” trước Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vào cuối tuần trước.
Với các chợ dân sinh loại nhỏ, hướng điều chỉnh là sẽ từng bước chuyển hóa thành các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi… |
Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020 đã được ban soạn thảo đưa ra “bảo vệ” trước Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vào cuối tuần trước.
Dù bản đề án này chưa được thông qua với lý do “chờ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội”, song theo ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà nội, người chỉ đạo thực hiện đề án, phần đánh giá thực trạng, quan điểm và định hướng phát triển thương mại Thủ đô vẫn có giá trị tham khảo.
Cụ thể, quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ thành phố Hà Nội vừa được đưa ra "mổ xẻ" dự kiến sẽ bao gồm 489 chợ, 162 trung tâm thương mại các loại và 178 đại siêu thị, siêu thị.
Riêng về phạm vị điều chỉnh, ông Tưởng cho biết, khu vực bốn quận nội thành cũ dự kiến sẽ không có biến động nhiều lắm.
Không xây dựng chợ mới ở 4 quận nội thành cũ
Theo báo cáo tóm tắt của Ban soạn thảo đề án, tại bốn quận nội thành cũ (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) sẽ không xây dựng chợ mới mà lựa chọn trong 402 chợ hiện có, nâng cấp chợ quy mô lớn thành trung tâm mua sắm kết hợp dân sinh; nâng cấp và cải tạo các chợ bán lẻ nông sản, thực phẩm tươi sống phục vụ nhu cầu dân cư.
Với các chợ dân sinh loại nhỏ, hướng điều chỉnh là sẽ từng bước chuyển hóa thành các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi…
Đề án cũng đề cập đến việc lựa chọn trong số 62 siêu thị hiện có để nâng cấp cao hơn; xây dựng mới các đại siêu thị và siêu thị hạng II và III tại các khu vực chợ cũ có diện tích chợ trên 3.000 m2, trên các đường phố thương mại, ở khu vực di dời các cơ quan hành chính, các khu chung cư được cải tạo…
Phát triển mạnh khu vực ngoại thành
Điểm đáng chú ý của đề án này là các trung tâm bán buôn, chợ đầu mối đã được “kéo” xa khỏi khu vực nội thành cũ.
Theo dự kiến, sẽ có hai chợ đầu mối bán buôn nông sản, thực phẩm tổng hợp cấp vùng được hình thành tại huyện Gia Lâm và Thường Tín, bên cạnh một số chợ đầu mối nông sản tổng hợp và chuyên doanh cấp thành phố ở quận Hoàng Mai, các huyện Từ Liêm, Ứng Hòa, Ba Vì và Mê Linh.
Đề án cũng định hướng xây dựng mới các siêu thị quy mô hạng I và II tại các trung tâm đô thị mới trên các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông, thị xã Sơn Tây, huyện Từ Liêm, Hoài Đức và Đan Phượng.
Riêng khu vực ngoại thành, tùy thuộc số lượng dân cư để phát triển các đại siêu thị hạng I và II.
Hình thành các trung tâm thương mại cấp vùng, quốc gia và quốc tế
Đề án cũng đề xuất xây dựng 5 trung tâm bán buôn tổng hợp cấp vùng tại các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Thạch Thất và Thường Tín, quy mô mỗi trung tâm từ 150 - 200 ha.
Ngoài ra còn dự kiến quy hoạch các trung tâm bán buôn hàng vật tư sản xuất ở khu vực ngoại thành, giao thông thuận lợi, hoặc gần các khu công nghiệp; các trung tâm đại diện thương mại dự kiến đặt tại khu đô thị của khu vực nội thành mở rộng và ngoài vành đai 3.
Ở tầm quốc gia, Ban soạn thảo cũng đề xuất xây dựng hai trung tâm mua sắm ở huyện Đan Phượng và Thạch Thất, quy mô khoảng 500.000 m2/trung tâm.
Với trung tâm thương mại quốc tế, phương án được đề xuất chọn là tại khu vực Tây Nam Hà Nội để gắn với trung tâm hội chợ quốc tế và trung tâm hội nghị quốc gia, các khách sạn và văn phòng đại diện.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy