Quy hoạch thị trường tại TPHCM: Thu hẹp chợ cũ, phát triển chợ hiện đại

Cập nhật 30/06/2009 09:35

Với việc chính thức phê duyệt đề án phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2015, chính quyền TPHCM đã xác định những kiểu mua bán hiện đại sẽ là hướng phát triển chủ lực...

Với việc chính thức phê duyệt đề án phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2015, chính quyền TPHCM đã xác định những kiểu mua bán hiện đại sẽ là hướng phát triển chủ lực, đồng thời từng bước thay thế dần cho chợ truyền thống.

“Đại phẫu” chợ truyền thống

Theo đề án này, phần lớn các chợ bán lẻ nằm trong phạm vi khu vực trung tâm thành phố đều sẽ phải được giải tỏa. Tiến độ dự kiến từ nay đến năm 2015, cơ quan chức năng thành phố sẽ thực hiện di dời, giải tỏa ít nhất 48 chợ truyền thống. Chỉ một số ít chợ phù hợp quy hoạch mới được giữ lại, tiếp tục hoạt động và đó đều là các chợ chính, chợ đầu mối lớn.

Những chợ nằm ngoài danh mục 48 chợ phải giải tỏa ở khu vực trung tâm thành phố này sẽ được yêu cầu tiến hành cải tạo, chỉnh trang, sắp xếp lại hoạt động kinh doanh theo hướng văn minh, hiện đại. Trong chiều hướng này, từ nay cho đến hết năm tới, sẽ có 64 chợ được tiến hành cải tạo, chỉnh trang; giai đoạn từ năm 2011 đến 2015 tiếp tục nâng cấp, hiện đại hóa 31 chợ khác. Đối với các chợ đầu mối lớn được cho phép duy trì hoạt động cũng cần phải chú trọng cải tổ tổ chức hoạt động một cách văn minh, hiện đại.

Theo đúng lộ trình, từ nay đến cuối năm 2009, thành phố sẽ thực hiện thí điểm sàn giao dịch hàng hóa tại chợ đầu môí nông sản thực phẩm tại Thủ Đức. Tương tự, thành phố cũng đang lập phương án thành lập Sở Giao dịch hàng nông thủy hải sản TPHCM theo mô hình công ty cổ phần.

Đối với hệ thống các chợ chuyên doanh hàng công nghiệp hiện nay như chợ hóa chất, vải sợi, nguyên liệu ngành may, hàng may mặc, giày da, hàng công nghệ phẩm, hàng gia dụng… trên nguyên tắc tất cả đều tiếp tục được duy trì hoạt động, nhưng trước đó phải đầu tư nâng cấp để mang dáng dấp của các trung tâm giao dịch, các đầu mối bán buôn phục vụ cho toàn khu vực phía Nam chứ không riêng gì thị trường TPHCM.

Cuối cùng vấn đề giải tỏa các tụ điểm, các khu vực mua bán tự phát, lấn chiếm lòng lề đường làm nơi họp chợ được giao cho UBND các quận huyện với tinh thần là phải kiên quyết giải tỏa những kiểu họp chợ này. Các tiểu thương kinh doanh tự phát tại các chợ tự phát được khuyến cáo và khuyến khích chuyển đổi ngành nghề.

Siêu thị và trung tâm thương mại “lên ngôi”

Để thay thế những chợ tự phát, chợ truyền thống được từng bước thu hẹp, từ nay đến năm 2015, chính quyền thành phố sẽ phát triển thêm khoảng 95 siêu thị và 140 trung tâm thương mại, trong đó ưu tiên tập trung phát triển tại những khu trung tâm thành phố, Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, khu đô thị mới Thủ Thiêm, các depot của hệ thống tàu điện ngầm sẽ hình thành trong tương lai tại thành phố…

Cả gần 100 chợ truyền thống phù hợp quy hoạch tuy được cho tồn tại nhưng nếu kinh doanh không hiệu quả dù có vị trí thuận lợi, cơ sở vật chất xuống cấp mà không kịp thời chỉnh trang, nâng cấp thì cũng sẽ phải chuyển đổi thành siêu thị hoặc trung tâm thương mại khi có điều kiện thích hợp.

Để hệ thống bán lẻ phủ khắp các khu dân cư, TPHCM khuyến khích phát triển hệ thống các cửa hàng tiện lợi phục vụ người tiêu dùng 24/24 giờ; mạng lưới các cửa hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến tại các khu dân cư tập trung. Trong chiều hướng phát triển hiện đại, phương thức nhượng quyền thương hiệu cũng được khuyến khích ứng dụng.

Chìa khóa là... chính sách

Chính quyền thành phố đặt mục tiêu tăng tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của các siêu thị và trung tâm thương mại so với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ toàn TP lên mức 25% vào năm 2010, 35% - 40% vào năm 2015 và 60% vào năm 2020.

Để cụ thể hóa những con số này, vấn đề là thành phố cần đề ra những ưu đãi thích đáng để thu hút được các nhà đầu tư. Theo đề án, UBND TP sẽ ưu tiên bố trí quỹ đất cho việc phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, miễn giảm các loại thuế… Thành phố cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các nhà phân phối lớn trong nước đầu tư phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ mở rộng quy mô hoạt động trên cơ sở phát triển mạng lưới theo mô hình chuỗi.

Đối với doanh nghiệp thương mại thiết lập mô hình tổ chức và áp dụng phương thức kinh doanh hiện đại, công nghệ quản lý tiên tiến, thành phố sẽ cho phép áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập; giãn nộp thuế có thời hạn khi doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô kinh doanh; hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển...

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng