Quy hoạch Hà Nội: Tầm nhìn lớn và những câu chuyện nhỏ

Cập nhật 03/02/2014 08:15

Thời điểm lịch sử, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, tháng 8 năm 2008, câu "để Hà Nội cất cánh" xuất hiện dày đặc trên mặt báo, trong các hội nghị, hội thảo bàn về đề tài quy hoạch Hà Nội.

Thời điểm lịch sử, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, tháng 8 năm 2008, câu "để Hà Nội cất cánh" xuất hiện dày đặc trên mặt báo, trong các hội nghị, hội thảo bàn về đề tài quy hoạch Hà Nội.

Có lạc quan quá không khi nói đến chuyện "Hà Nội cất cánh"? Không! Thủ đô Hà Nội to đẹp hơn, đàng hoàng hơn là mong muốn của bất cứ người Hà Nội nào; đúng hơn, bất cứ người Việt Nam nào, nên không có gì gọi là quá lạc quan khi nghĩ, khi nói đến điều này. Hiển nhiên là vậy!


1. Nếu Hà Nội ví như một con tàu, thì quy hoạch như đường băng. Hà Nội chưa cất cánh được vì đường băng vẫn còn ngổn ngang. Kể từ "thời khắc lịch sử" thứ nhất - tháng 8 năm 2008 - Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính đến "thời khắc lịch sử" thứ hai - tháng 7 năm 2011 - Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, cũng mất tới 3 năm, với một khối lượng công việc đồ sộ, mà thậm chí không ít người hoài nghi rằng trong quỹ thời gian như thế liệu nó có được nghiên cứu tới nơi tới chốn hay không? Kể từ tháng 7-2011 đến nay, đã hơn 2 năm, Hà Nội tiếp tục triển khai nghiên cứu hàng chục đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị vệ tinh, quy hoạch các thị trấn sinh thái. Cũng là một khối lượng công việc đồ sộ không kém. Quy hoạch là bộ môn khoa học dẫn hướng, là "đường băng" cho Hà Nội "cất cánh" nên đòi hỏi phải khẩn trương, không thể lừng khừng, nhưng cũng không thể vội vàng, tư duy không kịp "chín".

2. Quy hoạch phân khu được coi là "gạch nối" giữa quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết. Có quy hoạch phân khu mới có quy hoạch chi tiết để làm cơ sở lập dự án, thu hút đầu tư. Cái "gạch nối" chưa xong, nhiều thứ khác chưa làm được. Đương nhiên, nghiên cứu đồ án quy hoạch phải cẩn trọng, nhưng nhiều lúc lại cảm thấy "cẩn thận quá" khiến cho đồ án chậm "đi vào thực tiễn". Ví như việc địa phương được lập và toàn quyền phê duyệt đồ án quy hoạch, nhưng lại thêm điều khoản trước khi phê duyệt phải xin ý kiến Bộ Xây dựng, nên cứ vòng đi vòng lại, mà nhiều khi ý kiến lại không rõ ràng. Có người đã đặt câu hỏi, phải chăng đó là sự ôm đồm quyền lực? Việc quản lý quy hoạch lúc thì "rộng rãi", lúc lại "chặt chẽ". Sau thời khắc lịch sử mở rộng địa giới hành chính, thống kê cả Hà Nội có hơn 700 dự án nhà ở, khu đô thị, trong đó có cả dự án vừa phê duyệt đầu tư, vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết cùng một ngày. "Kỷ lục" về cái sự nhanh của thủ tục hành chính nói lên điều gì?

3. Cậu, mợ tôi sinh ra lớn lên tại phố cổ Hà Nội, giờ đã sống gần hết đời người. Cả gia đình 3 thế hệ, vẫn sống trong ngôi nhà cũ kỹ, trong một ngõ nhỏ. Mợ tôi hằng ngày bán trà chén, thuốc lá "vặt" vỉa hè, đủ tiền lo bữa ăn đạm bạc hằng ngày. Nghe tin rơi vào diện "giãn dân phố cổ", mợ tôi nửa mừng nửa lo. Mừng vì chỗ ở mới rộng hơn, đẹp hơn, nhưng lo vì ở nhà chung cư cao tầng thì chén nước bán cho ai?

Bạn tôi, một viên chức nhà nước, thừa hưởng một căn hộ tập thể cũ thời bố anh được Nhà nước cấp. Nhà cũ lắm rồi nhưng được cái nằm ở quận trung tâm thành phố. Anh ta nói, hằng ngày anh vẫn đi xe máy đến cơ quan, phải hít bụi đường và khói xe, nên nhất quyết ở trung tâm, gần nơi làm việc, dù chật chội một chút vẫn hơn ở rộng mà xa.

Lan man như vậy để thấy câu chuyện lớn "Hà Nội cất cánh" còn phụ thuộc nhiều điều kiện, như nguồn lực đầu tư, nhân lực quản lý, nhận thức xã hội, văn hóa, lối sống của cộng đồng, của mỗi con người, chứ không quyết định bởi ý chí. Có quy hoạch rồi phải tính xem đầu tư gì trước, quản lý ra sao… Quy hoạch cũ của Hà Nội, giới hạn nội đô lịch sử khoảng 800.000 người, nhưng thực tế không giảm được mà còn tăng lên 1,2 triệu người; giờ lại đặt vấn đề rút xuống. Khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu Đại học quốc gia Hòa Lạc, đến cả chục năm chưa xong, giờ Hà Nội có thêm 5 đô thị vệ tinh. Có thể tầm nhìn của ông cậu tôi hạn hẹp, của anh viên chức bạn tôi thiển cận nhưng để làm việc lớn trước hết lại bắt đầu bằng những việc nhỏ như vậy.

4. Còn nhớ, có người ví trục đường Láng - Hòa Lạc như một con rồng, biểu trưng cho sự vươn lên lớn mạnh của Thủ đô. Đường đã hoàn thành, giờ là Đại lộ Thăng Long, là điểm nhấn của Hà Nội. Năm 2014, mấy chục đồ án quy hoạch phân khu, đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái sẽ hoàn thành. Nhưng vẫn còn đó nhiều trăn trở, kể từ ngày Hà Nội mở rộng thành một trong những thủ đô lớn nhất thế giới. Kinh tế suy giảm khiến nhiều nhà đầu tư, một nguồn lực quan trọng cho Hà Nội, rút lui. Hơn 700 dự án, phần tạm dừng chờ quy hoạch, phần nhiều tự dừng vì bất động sản, đất đai không còn sức hấp dẫn. Mấy đường trục phát triển kinh tế, dự kiến đổi đất lấy hạ tầng, khởi công xong chưa hẹn ngày hoàn thành. Dù chỉ tiêu phát triển vẫn thuộc loại cao so với bình quân cả nước, nhưng kinh tế khó khăn đã khiến người dân từ nội đô cũ đến vùng quê thêm lo toan, vất vả. Câu chuyện con đường hóa rồng vẫn là hy vọng, còn khó khăn, trăn trở, vất vả, lo toan vẫn là câu chuyện trước mắt.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà nội mới