UBND TP Hà Nội đã có Báo cáo số 67/BC-UBND đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận lộ trình triển khai dự án "Lập quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội"...
UBND TP Hà Nội đã có Báo cáo số 67/BC-UBND đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận lộ trình triển khai dự án "Lập quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội" để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình, do còn nhiều ý kiến tranh luận nên rất cần thành lập Hội đồng Thẩm định quốc gia để xem xét bản quy hoạch này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Đã hình thành quy hoạch
Theo báo cáo của tư vấn, trên cơ sở tôn trọng dòng chảy tự nhiên, đề nghị chỉnh trị 40km lòng sông Hồng dẫn để tăng khả năng thoát lũ kết hợp tạo đường thủy chuyên chở khách và hàng hóa. Những chỗ hẹp như, thượng lưu cầu Thăng Long, Bắc cầu Chương Dương cần được mở rộng, trong khi những chỗ lòng sông quá rộng sẽ được thu hẹp để tạo quỹ đất. Ngoài việc kè những đoạn đang xung yếu, tư vấn đề xuất phương án xây dựng, nâng cấp 75km đê, đạt tiêu chuẩn đặc biệt.
Bên cạnh chỉnh trị dòng sông, từ mặt đê đến mép nước là thảm, thực vật, đường dạo và 59 công trình ra vào tiếp cận con sông. Khoảng 4.200ha đất ven sông được chọn xây dựng 12 công viên, khu vực bảo tồn, khôi phục sinh thái, di tích lịch sử... Tiếp thu các ý kiến góp ý, phản biện của nhiều chuyên gia trong nước, tư vấn cũng đề nghị không hình thành công trình lớn ở trục cảnh quan Hồ Tây - Cổ Loa và các đô thị mới hai bên sông có chức năng chính là công cộng, giải trí, văn hóa, thể thao, triển lãm, trung tâm phân phối hàng hóa... Trong số 2.462ha đất cho phát triển đô thị, khoảng 1.500ha dọc hai bên sông được dành cho xây dựng công trình tái định cư trong phạm vi dự án.
Khó nhất vẫn là di dân, giải phóng mặt bằng
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, với quy mô đồ sộ như vậy, chắc chắn tổng vốn đầu tư không thể dừng ở con số 7 tỷ USD như tư vấn dự kiến. Tuy nhiên, lo ngại hơn cả là vấn đề di dân giải phóng mặt bằng (GPMB). Bởi, số lượng di dân rất lớn, hơn 190.000 dân, tương đương với dân số một quận của Hà Nội, chưa kể tính phức tạp của việc quản lý dân cư ngoài đê. Dự án có khả thi hay không liên quan rất lớn đến khâu GPMB, do vậy cần đánh giá kỹ vấn đề này.
Đồng ý với việc cần triển khai nhanh dự án bởi tính cấp bách, song Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình băn khoăn: Tư vấn đề nghị dành 1,5 tỷ USD cho GPMB là không khả thi. Nếu quy đổi theo tỷ giá rồi chia cho số hộ phải di dời, bình quân mỗi hộ được bồi thường, hỗ trợ hơn 700 triệu đồng, liệu có phù hợp? So sánh với một số dự án khu đô thị khác, Phó Chủ tịch cho biết, có dự án quy mô 200ha, vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD, đằng này hơn 6.000ha xây dựng cả công viên, nhà ở, làm đường, chỉnh trị sông mà khoảng 6 tỷ USD chắc chắn sẽ không đáp ứng được.
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Quang Nhuệ đặt vấn đề: GPMB tới 19 vạn dân sẽ đụng chạm rất nhiều vấn đề. Thực tế có nhà nguy hiểm cần di dời, người ta còn không đồng ý; có ý bộ này, ngành kia can thiệp. Đây mới là vấn đề gai góc...
Cần Hội đồng Thẩm định quốc gia
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, song sự quan trọng và cần thiết của dự án quy hoạch 2 bên sông Hồng đã được khẳng định qua tỷ lệ đồng tình của 90% cư dân được hỏi ý kiến. Theo ông Lê Quang Nhuệ, trước đây khi thực hiện cứng hóa mặt đê cũng có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí bàn lùi. Nhưng, lúc làm xong thì hiệu quả rất lớn. Dự án quy hoạch hai bên sông Hồng cũng vậy. Nói là ngoài bãi không được xây dựng, song thực tế dân đã xây cả, nên nếu làm được như giải pháp tư vấn nêu chắc chắn khả năng thoát lũ sẽ tốt hơn.
Phó Chủ tịch Phí Thái Bình cũng đề nghị, vì còn nhiều ý kiến khác nhau nên rất cần có Hội đồng Thẩm định đánh giá để tư vấn có thể điều chỉnh. Bây giờ mới triển khai dự án là rất chậm, đơn cử như cơ quan chuyên trách về dự án để khớp nối các ngành giờ vẫn chưa có...
UBND TP Hà Nội đã có báo cáo kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Hà Nội để triển khai các công việc cần thiết nhằm quy hoạch cơ bản sớm được phê duyệt; thành lập Hội đồng Thẩm định quốc gia để thẩm định quy hoạch cơ bản; đồng thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề chính thức với Chính phủ Hàn Quốc đề nghị thành phố Xơ-un hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật cho dự án theo cam kết hai bên. Sau khi Hội đồng Thẩm định quốc gia xem xét, TP Hà Nội sẽ hoàn chỉnh quy hoạch cơ bản theo yêu cầu, trình Thủ tướng xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua (nếu các quy định pháp luật yêu cầu). Sau khi chỉnh sửa lại lần cuối theo chỉ đạo của Thủ tướng, TP Hà Nội sẽ trình quy hoạch để Thủ tướng phê duyệt và tổ chức công bố.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới