Quy hoạch chung thủ đô: Ưu tiên đầu tư có trọng điểm

Cập nhật 25/11/2011 11:10

Đồ án Quy hoạch chung thủ đô sẽ ưu tiên đầu tư cho cải tạo chung cư cũ, phát triển các khu đô thị phía Đông Vành đai 4, Đông Anh, Mê Linh, phát triển nhà ở xã hội, công viên, di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội đô …

Đồ án Quy hoạch chung thủ đô sẽ ưu tiên đầu tư cho cải tạo chung cư cũ, phát triển các khu đô thị phía Đông Vành đai 4, Đông Anh, Mê Linh, phát triển nhà ở xã hội, công viên, di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội đô …

Thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực tài chính cho công tác quy hoạch (ảnh minh họa)

Đây là thông tin đã được đưa ra tại hội nghị triển khai thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” được tổ chức ngày 24/11 tại Hà Nội.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành danh mục các đồ án quy hoạch tập trung xâu dựng và trình duyệt trong năm 2011-2012. Trong đó có: quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH điạ phương; quy hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao thành tích cao, du lịch, giáo dục, y tế, báo chí và hàng chục đồ án quy hoạch chuyên ngành khác.

Thành phố giao nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch- Đầu tư giới thiệu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đến các tổ chức trong và ngoài nước.

Đối với đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, thành phố chỉ đạo lập, thẩm định, phê duyệt khoảng 180 đồ án và quy chế quản lý, gồm quy hoạch đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, vùng huyện, phân khu, quy hoạch chi tiết…

Trong đó, các chương trình ưu tiên đầu tư là cải tạo chung cư cũ, phát triển các khu đô thị phía Đông Vành đai 4, Đông Anh, Mê Linh, phát triển nhà ở xã hội, công viên, di dời các trường ĐH, cao đẳng khu vực nội đô, xây mới cụm trường đại học, tổ hợp y tế đa chức năng…

Về lộ trình, giai đoạn năm 2011-2012 sẽ lập, thẩm định phê duyệt 44 đồ án và quy chế quản lý. Giai đoạn 2013-2015 triển khai các đồ án còn lại. Tổng kinh phí lập quy hoạch dự kiến khoảng 60 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách, có thể huy động từ các doanh nghiệp khoảng 20%.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, đây là khối lượng công việc rất lớn, cần làm ngay. Thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực tài chính. Vấn đề là đội ngũ tư vấn đang thiếu và là thách thức lớn đối với thành phố.

Vì vậy, quan điểm của thành phố không chỉ huy động đội ngũ chuyên gia mà còn huy động cả đội ngũ quản lý, thậm chí cả tổ chức nước ngoài cùng tham gia nghiên cứu quy hoạch. Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo sát sao, 6 tháng/lần sẽ kiểm tra, đánh giá tiến độ kế hoạch.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí