Quy định rõ cơ chế thu hồi đất

Cập nhật 06/04/2013 07:43

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2003. GS.TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội nhấn mạnh: Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định để định hướng giải quyết những tồn tại hạn chế của Luật hiện hành.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2003. GS.TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội nhấn mạnh: Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định để định hướng giải quyết những tồn tại hạn chế của Luật hiện hành.

Đó là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủ tục hành chính về đất đai; công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; xác định giá đất, quản lý quyền sử dụng đất; thanh tra, giám sát, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm…

Cần quy định rõ thẩm quyền giao đất, thu hồi đất đối với Chủ tịch UBND các cấp.Ảnh: Đức San

* Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là một trong các công cụ của Nhà nước nhằm triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thực hiện các mục tiêu khác. Tuy nhiên, vấn đề này chưa nhận được sự đồng tình của đại bộ phận người dân. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

- Đối với việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tôi đồng ý với bổ sung của Dự thảo, cần làm rõ, những đối tượng được thuê đất và chịu trách nhiệm thế nào trước Nhà nước về vấn đề này. Theo tôi, phải bổ sung thêm nội dung vào các Điều 52, 53, 54, 55: "Đất thuộc các vùng biên giới, hải đảo và đất an ninh quốc gia tuyệt đối không được cho thuê hay nhượng bán cho người nước ngoài", tránh tình trạng như hiện nay, có những vùng đất chiến lược, vùng đất biên giới… đã cho người nước ngoài thuê tràn lan. Ngoài ra, đề nghị thêm vào Điều 51: "Chủ đầu tư phải có khả năng tổ chức thực hiện, quản lý sử dụng hiệu quả đất đai".

Hiện nay, thẩm quyền giao đất và thu hồi đất chủ yếu thuộc Chủ tịch tỉnh và Chủ tịch huyện, tuy nhiên, mọi việc đều nằm ở cơ sở (xã, phường, thị trấn, thị xã). Ví dụ, việc sử dụng đất sai mục đích, đất lấn chiếm, làm nhà trên đất lưu không (phổ biến ở TP), đất dự án kéo dài, đất bỏ hoang, chậm cấp sổ đỏ cho dân... Khi được hỏi, các cấp chính quyền lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Đây là kẽ hở cho kẻ xấu lách luật, khiến người dân càng thêm bức xúc. Vì vậy, theo tôi, cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp từ T.Ư, tỉnh, TP, huyện, xã, phường.

* Thu hồi đất luôn là vấn đề nhạy cảm và phức tạp. Vậy, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vấn đề này đã đáp ứng được yêu cầu thực tế chưa, thưa ông?

- Để khắc phục tồn tại về thu hồi đất trong các năm qua, tôi đề nghị sửa đổi cụm từ "thu hồi đất" ở Chương VI thành: "Nhà nước trưng thu, trưng mua khi thu hồi đất". Và phân biệt như sau: "Trưng thu" khi thu hồi đất cho mục đích an ninh, quốc phòng, công trình hạ tầng giao thông, công ích, an sinh xã hội. "Trưng mua" đối với đất phục vụ công trình kinh tế. Giá đất trưng thu, trưng mua do Nhà nước quy định phù hợp với loại đất, tính chất và hiệu quả sử dụng đất trên nguyên tắc bồi thường để cải thiện và ổn định đời sống của người có đất bị thu hồi.

* Tôi đề nghị bổ sung thêm như vậy để thấy được tính minh bạch khi thu hồi đất. Việc định giá đất phải khảo sát, điều tra hiện trạng, tình hình dân sự, tránh tình trạng thu hồi đất, nhưng không biết sau khi thu hồi đất, dân sẽ ở đâu và sống thế nào. Luật Đất đai phải luôn đặt lợi ích của dân lên trên hết.Nguyên nhân gia tăng khiếu kiện về đất đai chủ yếu liên quan đến cơ chế thu hồi và định giá đất đền bù. Vậy theo ông, làm thế nào để có giá đất phù hợp với thực tế?

- Đối với vấn đề giá đất ở mục 2, Chương VIII, tôi cho rằng, cần quy định khung giá đất tương đối thống nhất trên toàn quốc. Các địa phương phải dự tính trình T.Ư xem xét trước khi quyết định. Điều này sẽ tránh được tình trạng các tỉnh có điều kiện giống nhau, giá đất giáp ranh chênh lệch dẫn tới khiếu kiện. Thời gian thực hiện khung giá đất ít nhất phải 5 năm, phải gắn với việc thực hiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Dự thảo Luật về giá đất có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, tôi thấy không nên đề xuất 2 phương án mà chỉ nên quy định theo phương án có nhiều ưu điểm hơn. Đó là phương án 1 và xác định lại vai trò tổ chức tư vấn định giá (chỉ là tư vấn) và trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương.

* Về vấn đề sở hữu đất đai, ý kiến của ông thế nào?

- Nghị quyết T.Ư 6, Khóa XI đã khẳng định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là tài sản, hàng hoá đặc biệt. Quan điểm này cần được khẳng định ngay trong chương quy định chung, đây là sự kế thừa lịch sử có đổi mới.

Tôi thấy nội dung trong những phần mục 1 và 2 của Chương II, Điều 20 quy định cơ quan Nhà nước đại diện chủ sở hữu về đất là chưa được đầy đủ và rõ ràng. Cần làm rõ quyền và trách nhiệm quản lý của Nhà nước với quan niệm quyền của Nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Với quan điểm này, sẽ tránh hiểu Nhà nước chỉ là các cấp chính quyền. Vì vậy, tôi đề nghị đưa nội dung của Điều 7 của Luật Đất đai 2003 ghép vào Điều 20 của Hiến pháp sửa đổi sẽ thỏa mãn được các yêu cầu về chủ thể sở hữu, về quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu.

Xin cảm ơn ông!

270.000 lượt ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Ngày 4/4, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã có buổi làm việc với các bộ, ngành về tổng hợp tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển, tính đến ngày 2/4, Bộ TN&MT đã nhận được gần 270.000 lượt ý kiến góp ý về Dự thảo, trên cơ sở đó, Bộ tổng hợp tiếp thu một số ý kiến góp ý của nhân dân về Luật Đất đai và tổng hợp bổ sung vào Dự thảo, sắp tới sẽ báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị