Quỹ đầu tư bất động sản: “Ngoại” lấn át “nội”

Cập nhật 03/08/2011 09:10

Các quy định về việc lập quỹ đầu tư bất động sản (BĐS) trong nước chưa hoàn thiện, nên thị trường không tạo được nguồn cung tài chính dồi dào. Để cung cấp nguồn tài chính ổn định cho thị trường BĐS, thì việc đa dạng hóa các quỹ thực sự là bước đi cần thiết.

Các quy định về việc lập quỹ đầu tư bất động sản (BĐS) trong nước chưa hoàn thiện, nên thị trường không tạo được nguồn cung tài chính dồi dào. Để cung cấp nguồn tài chính ổn định cho thị trường BĐS, thì việc đa dạng hóa các quỹ thực sự là bước đi cần thiết.

Quỹ ngoại chiếm lĩnh thị trường


Cho đến nay, các quỹ BĐS hoạt động tại Việt Nam đều thuộc quỹ nước ngoài như: VPH của Công ty Quản lý quỹ đầu tư Saigon Asset Management; VNL của Tập đoàn Vinacapital; VPF của Tập đoàn Dragon Capital; 3 quỹ của Tập đoàn Indochina Capital… Dù thị trường BĐS ảm đạm nhưng nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục rót vốn vào thị trường.

Ví như, Công ty quản lý quỹ của Indochina Capital đang trong giai đoạn thương lượng để mua lại dự án BĐS phân khúc trung bình. Bên cạnh đó, công ty quản lý quỹ này vẫn nắm giữ 3 quỹ BĐS (Indochina Land Holdings I, II, III) ở các phân khúc từ cao cấp đến trung bình. Gần đây nhất, Mapletree Investments - một trong những công ty BĐS hàng đầu tại Singapore, thuộc Tập đoàn Temasek Holdings đã có những động thái thành lập quỹ đầu tư BĐS tại Việt Nam.

Theo đó, Mapletree Investments dành từ 300 – 500 triệu USD lập quỹ Việt Nam (Vietnam Fund) để đầu tư BĐS. Mapletree Investments sẽ tập trung đầu tư vào các dự án căn hộ dịch vụ, văn phòng và bán lẻ tại các thành phố lớn. Dự kiến, Vietnam Fund sẽ ra đời vào năm 2013, với chỉ tiêu tỷ suất sinh lời là 22%.

Các quỹ đầu tư BĐS nước ngoài đã hoạt động tại Việt Nam khá lâu. Trong khi đó, do thiếu khung pháp lý cần thiết, cho đến giờ vẫn chưa có quỹ đầu tư BĐS nào của Việt Nam.

Quỹ BĐS "thuần Việt": Bao giờ ?

Hình thức Quỹ đầu tư BĐS (REITs) vừa được UB Chứng khoán Nhà nước đưa vào Dự thảo lần 2, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. REITs là mô hình quỹ chuyên đầu tư trong lĩnh vực BĐS nói chung và nhà ở nói riêng.

Quỹ được liên thông chặt chẽ với thị trường tài chính và chứng khoán. REITs phù hợp với các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở các nước phát triển muốn đầu tư vào BĐS tại Việt Nam do REITs có tính thanh khoản cao, giống như một loại chứng khoán và cũng được mua bán như một chứng khoán.

Theo Dự thảo, nguồn vốn của REITs được thực hiện theo hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng. Chứng chỉ quỹ hoặc cổ phiếu được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán. Tối thiểu 90% lợi nhuận hàng năm của quỹ dùng để chi trả cổ tức bằng tiền cho nhà đầu tư.

Nếu thực hiện thành công việc tạo dựng mô hình quỹ này, doanh nghiệp BĐS sẽ không phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn của các ngân hàng như hiện nay. Tuy nhiên, đến khi nào quỹ này ra đời thì không phải là việc đơn giản.

Một hình thức quỹ đầu tư BĐS khác cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân rất quan tâm là Quỹ Tiết kiệm nhà ở. Hiện tại, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 11/2011.

Nếu được chấp thuận, quỹ sẽ chính thức hoạt động vào đầu năm 2020. Dự kiến, người dân khi tham gia quỹ, hàng tháng sẽ đóng 1 - 2% tổng lương. Khi đạt tới một giá trị nhất định, quỹ sẽ mở cho người dân vay tiền mua nhà ở với lãi suất thấp, bằng 1/4 - 1/5 lãi suất của ngân hàng, kèm những quy định về đối tượng và điều kiện vay.

Quỹ cũng sẽ dành một phần nhất định ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Người tham gia quỹ khi nghỉ hưu sẽ được rút tiền gửi, cùng khoản lãi suất mang tính hỗ trợ trượt giá.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Công Thương