“Quên” chính sách “phạt cho tồn tại“

Cập nhật 07/10/2014 13:49

Một nghị định của Chính phủ sau cả năm trời ban hành vẫn không thể triển khai vào cuộc sống, mặc dù có đầy đủ thông tư hướng dẫn của cơ quan chức năng. Câu chuyện “lạ đời” đang xảy ra trong lĩnh vực xử phạt vi phạm xây dựng do Bộ Xây dựng quản lý.

Một nghị định của Chính phủ sau cả năm trời ban hành vẫn không thể triển khai vào cuộc sống, mặc dù có đầy đủ thông tư hướng dẫn của cơ quan chức năng. Câu chuyện “lạ đời” đang xảy ra trong lĩnh vực xử phạt vi phạm xây dựng do Bộ Xây dựng quản lý.


Cụ thể, ngày 10/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2013/NĐ-CP về một số quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng sai phép, không phép. Gần 4 tháng sau đó, Bộ Xây dựng cũng ban hành Thông tư 02/2014/TT-BXD hướng dẫn thi hành Nghị định trên.

Ngay khi vừa ban hành, cả Nghị định và Thông tư kể trên đã nhận được những ý kiến trái chiều, đặc biệt là với quy định phạt tiền và cho tồn tại đối với các trường hợp xây dựng sai phép, không phép. Cụ thể, quy định tại khoản 9 Điều 13, khoản 2 Điều 70 của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và hướng dẫn cụ thể tại Điều 8, Điều 11 của Thông tư số 02/2014/TT-BXD đã cho phép nộp phạt bằng tiền để được tồn tại đối với những dự án xây dựng sai phép.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản khi đó, ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, đơn vị chủ trì soạn thảo Thông tư 02, lý giải, quy định mới này nhằm để xử lý một số trường hợp xây dựng sai phép, không phép, sau khi hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng mới bị phát hiện, trong trường hợp nếu buộc phá dỡ thì cũng gây lãng phí lớn cho xã hội.

Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên là sau khi Thông tư 02 được ban hành đúng 1 tháng, ngày 12/3/2014, Bộ Xây dựng lại ra thông cáo báo chí với nội dung sẽ “đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, đồng thời tiến hành sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2014/TT-BXD cho phù hợp để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, cũng như tránh làm lãng phí các nguồn lực xã hội trong hoạt động đầu tư xây dựng”.

Nguyên nhân được Bộ Xây dựng giải thích rằng, “do có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có những ý kiến không đồng tình”, và “với quan ngại rằng việc thực hiện quy định này có thể làm gia tăng các trường hợp sai phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị”.

Nhưng đáng ngạc nhiên là sau gần 2 tháng chờ đợi, đến ngày 28/4/2014, Sở Xây dựng TP. HCM phải gửi Công văn số 3636/SXD-TT đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và Thông tư số 02/2014/TT-BXD. Tiếp theo, đến gần 5 tháng sau, tức là ngày 22/9/2014, Bộ Xây dựng mới có Công văn số 2316/BXD-TTr trả lời về việc này.

Tại công văn này, Bộ Xây dựng hướng dẫn, chỉ áp dụng quy định nộp phạt bằng tiền đối với nhà xây sai phép, không phép khi thỏa mãn tất cả các điều kiện: hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, công trình xây dựng đã được hoàn thành, đã đưa vào sử dụng.

Cũng theo Bộ Xây dựng, chủ đầu tư sau khi nộp phạt đầy đủ và nộp số lợi bất hợp pháp theo quyết định, sẽ được làm thủ tục xin cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, để thuận lợi cho người dân, cũng như cơ quan quản lý, sau khi chủ đầu tư hoàn tất việc nộp tiền trên, cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho phép công trình được tồn tại và cấp giấy chứng nhận sở hữu theo quy định.

Bộ Xây dựng giải thích, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về thời điểm xác định hành vi vi phạm được phép áp dụng quy định này. Hiện Bộ đang soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ áp dụng quy định này với các trường hợp thỏa mãn điều kiện nộp phạt trước ngày Nghị định 121 có hiệu lực, nghĩa là trước ngày 30/11/2013.

Như vậy, cơ quan tham mưu xây dựng Nghị định 121 đã “quên” chưa quy định cụ thể về thời điểm xác định hành vi vi phạm được phép áp dụng quy định này. Đến khi Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02, quy định trên cũng lại bị “quên”.

Xem ra, với quy định có thể “ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị” như đánh giá của chính Bộ Xây dựng nhưng vẫn dễ dàng bị “quên” như trên, thì việc thiết lập lại trật tự, văn minh trong xây dựng đô thị vẫn là một mục tiêu xa vời. 

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản