Quan trọng là tầm nhìn: 20m2 và câu chuyện chính sách

Cập nhật 17/06/2010 09:10

Diện tích những căn hộ trong đô thị không nên bó hẹp ở những giới hạn cụ thể. Bởi tự thân mỗi cá nhân, trong điều kiện và nhu cầu sử dụng của mình, họ sẽ lựa chọn cho mình một nơi ở phù hợp...

Diện tích những căn hộ trong đô thị không nên bó hẹp ở những giới hạn cụ thể. Bởi tự thân mỗi cá nhân, trong điều kiện và nhu cầu sử dụng của mình, họ sẽ lựa chọn cho mình một nơi ở phù hợp. Quan trọng là cách quản lý của các cấp chính quyền và tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách.


Hơn một triệu người nghèo đô thị vẫn chật vật tìm nơi an cư.

Với giá BĐS ngày càng tăng cao như hiện nay, để có được một căn hộ theo đúng tiêu chuẩn (trên 40m2) là một điều xa vời đối với số đông người lao động. Vì thế, những căn hộ có diện tích hẹp, giá thành (thuê hoặc mua) vừa phải vẫn đang là sự lựa chọn của đa số người lao động.

Người dân mò mẫm đi trước


Với người nghèo đô thị, một căn nhà nhỏ luôn là giấc mơ của họ. Và trong khi Nhà nước còn đang loay hoay với việc bàn thảo xây dựng hàng loạt các đề án lớn nhỏ với nguồn vốn hàng chục nghìn tỷ đồng thì xã hội đã đi trước. Quanh các KCN, các trường học, nhiều khu nhà trọ đã mọc lên. Đủ loại. Nhưng hiện hữu vẫn là tình trạng tạm bợ, chắp vá, lầy lội, tiện nghi tối thiểu, miễn che được nắng mưa. Xét quan điểm kinh doanh cung cầu thì đây là một "thị trường". Mà đã là thị trường không quản lý thì bất cập nảy sinh. Nhà nước không quan tâm thì dân "lãnh đủ".

Việc người dân có quyền có một chỗ ở, có quyền sở hữu căn nhà của mình, mưu sinh và đắp xây hạnh phúc từ chính căn nhà đó dù đã được ghi trong Hiến pháp. Nhưng có thể, khi xây dựng các chính sách cho thực thi Luật Nhà ở, những người soạn thảo đã chỉ lo tìm được một con số tối thiểu nhưng vẫn phải đạt tiêu chuẩn cao. Dường như họ chưa có được thời gian để nghĩ tới gần 1 triệu người nghèo đô thị vẫn đang chật vật tìm nơi an cư. Trong khi đó, đất đai ngày càng hạn hẹp, nhu cầu về một chốn an cư của người dân nghèo đô thị gia tăng thì tất yếu, nguồn cung xuất hiện. Và sự phát triển ấy đã vượt ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý, tạo ra những hệ lụy ngoài mong muốn.

Cần một chính sách linh hoạt

Kinh nghiệm từ các nước đã cho thấy ở hầu hết các đô thị lớn đều có loại hình nhà ở diện tích hẹp. Thành phần người sống trong những căn nhà này khá đa dạng với đủ mọi lứa tuổi, từ độc thân đến gia đình nhỏ. Như vậy, có thể thấy nhà ở diện tích hẹp là một nhu cầu. Và nhu cầu này không những không ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của đời sống xã hội, mà hơn nữa nó còn đang được xã hội đáp ứng.

Bây giờ, đang trong thời điểm nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, nguồn lực có hạn, những căn nhà rộng 20m2 như trưng bày mẫu của một DN tại TP.HCM có thể sẽ là cứu cánh để một bộ phận người dân đô thị có được nơi an cư thật sự?! Trong khi các chương trình phát triển nhà ở xã hội vẫn đang ở bước thí điểm - khi mà nhu cầu về nhà ở là cực lớn - thì việc phát triển những căn hộ có diện tích hẹp đảm bảo đủ tiện nghi nên chăng cũng xem đó như một giải pháp để tạo thêm quỹ nhà giải quyết cho một phần lớn người thu nhập thấp tại đô thị, cho đối tượng có nhu cầu thuê nhà chứ không cần mua nhà (số này chiếm một phần không nhỏ, đặc biệt là với giới trẻ và người nhập cư).

Tạo điều kiện cho người nghèo, người thu nhập thấp có một nơi an cư - đó là mong muốn của toàn xã hội. Và mong muốn ấy chỉ có thể thực hiện được khi có những chính sách linh hoạt trong một hệ thống quản lý chặt chẽ, khoa học. Đó chính là nguyên lý cơ bản của chính sách trợ giúp cho những người ít tiền có chỗ ở thích hợp - Là thái độ lắng nghe thật sự tiếng nói từ thực tiễn đời sống.

Không ít người cũng đang lo căn hộ 20m2 vốn chỉ dành cho 1-3 người sẽ trở thành những khu ổ chuột khi phải gánh qúa số người nếu gia chủ của nó đưa thêm người vào ở (kiểu như sinh viên thuê nhà). Nhưng cũng có thêm câu hỏi: Với căn hộ trên 40m2, liệu có quản được không?


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng