Thời gian gần đây, thông tin về những khu biệt thự không sử dụng đến hay còn gọi là bị bỏ hoang trong lòng Hà Nội khiến dư luận hết sức quan tâm. Nghịch lý này tại sao lại xảy ra ngay giữa lòng Thủ đô?
Thời gian gần đây, thông tin về những khu biệt thự không sử dụng đến hay còn gọi là bị bỏ hoang trong lòng Hà Nội khiến dư luận hết sức quan tâm. Nghịch lý này tại sao lại xảy ra ngay giữa lòng Thủ đô? PV Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Cao Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Nhà và thị trường BĐS - Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng).
* Hiện tượng hàng loạt các ngôi biệt thự bị bỏ hoang giữa lòng Hà Nội được dư luận rất quan tâm. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Theo tôi, có 3 nguyên nhân chủ yếu sau: Thứ nhất, là do bản thân các ngôi biệt thự đó chưa đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Chẳng hạn như hệ thống cấp thoát nước, đường đi, nhà trẻ, trường học, trung tâm thương mại. Tức là chưa đủ điều kiện để người dân đến ở. Thứ hai, có nhiều người đã có nhà ở nhưng không sử dụng với mục đích đầu tư cho tương lai. Thứ ba, do các nhà đầu cơ mua, chờ giá thị trường lên cao bán để kiếm lời.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do bản thân giao dịch trên thị trường BĐS không rõ ràng, minh bạch. Bởi vậy người dân muốn mua nhà và đất không tiếp cận được với thông tin. Đây là cơ hội cho những nhà đầu cơ. Hơn nữa, bản thân thị trường BĐS cũng chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho người dân. Thị trường đang mất cân đối, nhất là nhà ở đô thị. Việc đầu cơ BĐS làm căng thẳng thêm tình sự mất cân đối cung cầu của thị trường. Việc đầu cơ sẽ làm cho thị trường càng thiếu hàng hóa, do đó càng đẩy giá hàng hóa lên cao.
* Vậy để hạn chế tình trạng đầu cơ đối với những khu biệt thự như thế này thì Bộ Xây dựng cũng như Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS đã có những chế tài quản lý như thế nào?
- Hoạt động BĐS tuân thủ theo cơ chế thị trường, nghĩa là người bán và người mua tự thỏa thuận với nhau, Nhà nước không can thiệp. Chính vì vậy mà không thể đưa ra các quyết định hành chính mà chỉ bằng những biện pháp kinh tế và điều chỉnh lợi ích. Một là điều chỉnh lợi ích bằng thuế đối với những người chiếm dụng nhiều BĐS. Hai là tăng lượng hàng hóa BĐS trên thị trường, đáp ứng một phần nhu cầu của người dân. Lúc ấy nhà đầu cơ sẽ rất khó khăn trong việc bán BĐS, thì việc đầu cơ sẽ giảm xuống. Điều đó có nghĩa là quản lý Nhà nước theo quy luật của thị trường, không bằng mệnh lệnh hành chính.
* Mặc dù không quản lý trực tiếp bằng các quyết định hành chính, song còn có nhiều biện pháp khác để quản lý vấn đề này?
- Chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nên trong quản lý BĐS không thể đưa ra quyết định người dân chỉ được mua 1 hoặc 2 căn nhà... Những quyết định hành chính đó sẽ làm méo mó quan hệ thị trường. Việc quản lý thị trường BĐS cũng phải tuân thủ quy luật của thị trường. Một trong những quy định đó là điều chỉnh lợi ích của những đối tượng sở hữu nhiều BĐS thông qua sắc thuế lũy tiến theo dự thảo về Luật Thuế nhà đất của Bộ Tài chính chuẩn bị trình Quốc hội. Cụ thể là người sử dụng nhà ở dưới 150m2, từ 150m2 đến 300m2 và loại trên 300m2 sẽ có mức thuế suất hợp lý.
Ngoài ra để hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS đang đề xuất những chính sách để tăng lượng hàng hóa cho thị trường BĐS như: xây dựng nhà ở cho công nhân các KCN, nhà ở cho sinh viên và người thu nhập thấp. Việc tăng lượng hàng hóa như thế này thì theo quy luật cung cầu, giá BĐS trên thị trường sẽ giảm xuống.
Một trong những biện pháp đang được thực thi hiện nay là quy định bán BĐS qua sàn. Luật quy định là việc bán BĐS qua sàn phải được đăng trên 3 số báo liên tiếp tại địa phương và giới thiệu BĐS đó 7 ngày tại sàn giao dịch và phát trên truyền hình địa phương 1 lần. Với những quy định như vậy thì thông tin mua bán BĐS sẽ đến được nhiều người dân. Người có nhu cầu sẽ đến sàn giao dịch đăng ký để mua. Và luật cũng quy định là với một BĐS có từ 2 người đăng ký trở lên thì phải thực hiện theo hình thức bốc thăm hoặc đấu giá. Thông qua việc minh bạch thông tin trên thị trường BĐS sẽ góp phần hạn chế tình trạng nhà xây xong vẫn không có người ở.
* Xin cám ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng