Trước đây, do không có tiền nên chúng tôi chỉ mua được những miếng đất nhỏ khoảng 40 m2 để cất nhà. Nay nhà nước yêu cầu đất phải đủ 80 m2 trở lên mới được tách sổ thì người dân chúng tôi biết ăn ở chỗ nào”...
Nhiều người dân quận Bình Tân phải bỏ ra ba triệu đồng để được gắn đồng hồ nước.
Trước đây, do không có tiền nên chúng tôi chỉ mua được những miếng đất nhỏ khoảng 40 m2 để cất nhà. Nay nhà nước yêu cầu đất phải đủ 80 m2 trở lên mới được tách sổ thì người dân chúng tôi biết ăn ở chỗ nào”. Đó là ý kiến của cử tri Vũ Đức Nhiệm (phường Bình Hưng Hòa B) tại buổi tiếp xúc cử tri quận Bình Tân sáng qua (28-4) của tổ đại biểu Quốc hội do ông Huỳnh Thành Lập (Phó Chủ tịch HĐND TP) chủ trì.
Ông Huỳnh Văn Biết, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết Quyết định 19 mới đây của UBND TP về tách thửa chỉ áp dụng đối với những hồ sơ xin tách thửa từ sau ngày 9-3-2009. Những hồ sơ từ trước ngày 9-3 và những trường hợp xin cấp lại “giấy đỏ” đều không bị điều chỉnh bởi quy định này. Đất ở chưa có nhà, nay tách thửa thì áp dụng theo Quyết định 19, còn đã có nhà thì tách thửa theo Quyết định 54 của UBND TP.
Ông Lê Duy Thức (phường Bình Trị Đông B) phản ánh khu dân cư 28 ha nơi ông ở năm năm nay không có người quét rác nên người dân phải tự quét đường. Các cống rãnh hiện bị nghẹt hết, dân thuê thợ tới móc họ cũng lắc đầu, không làm được. Một số cử tri khác thắc mắc trụ điện nằm giữa đường, một số tuyến đường trong khu dân cư xuống cấp chưa được làm, người dân cần mắc đồng hồ nước lại phải đóng trước ba triệu đồng...
Theo ông Biết, khu dân cư 28 ha chưa có lực lượng quét rác là do chủ đầu tư dự án chưa hoàn tất hạ tầng kỹ thuật nên chưa bàn giao cho quận quản lý. Quận sẽ làm việc với chủ đầu tư để yêu cầu họ lo khâu quét rác, nạo vét cống. Mặt khác, quận có 17 dự án có trụ điện nằm giữa lòng đường thì đã chỉnh trang được hơn 10 dự án. Số còn lại cuối quý II quận sẽ hoàn thành. Về các tuyến đường chưa làm là do khó khăn về kinh phí, đang chờ nguồn vốn từ TP. Một số tuyến sẽ làm trong năm nay.
Hiện nay, nhu cầu lắp đồng hồ nước trên địa bàn quận Bình Tân rất cao, khoảng 25 ngàn cái trong khi kế hoạch của Công ty Cấp nước Chợ Lớn chỉ đáp ứng khoảng 10 ngàn cái. Vì vậy mới có hai phương thức xã hội hóa là người dân đóng tiền lắp đồng hồ trước (ba triệu đồng) rồi công ty trả dần trong 10 năm hoặc kêu gọi một nhà đầu tư đường ống và sẽ tính vào phí nước sử dụng trong một thời gian. “Việc chọn phương thức nào là do người dân lựa chọn” - ông Biết nói.
Chiều cùng ngày, tổ đại biểu đã tiếp xúc cử tri huyện Bình Chánh. Ông Huỳnh Thành Lập đề nghị UBND huyện này kiểm tra lại việc Công ty Thành Phát san lấp kênh rạch ở xã Tân Kiên gây ngập khu dân cư. Ngoài ra, một số hộ dân bị giải tỏa ở dự án đại lộ Đông Tây về xã Phong Phú mua phải đất vườn diện tích nhỏ nên không đủ điều kiện cất nhà. Ông Lập đề nghị xã kiểm tra, lập danh sách các hộ này, báo lại cho huyện, tìm cách nào đó hỗ trợ, hoán đổi đất để người dân có chỗ cư ngụ.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP