Quả bóng bất động sản đang xì hơi: Tốt cho thị trường

Cập nhật 02/11/2011 10:30

Theo TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, không nên quá bất ngờ về các tuyên bố này, bởi nếu các doanh nghiệp không nhanh chân hạ giá sớm, nhiều khả năng sang năm 2012, giá bán bất động sản chỉ còn một nửa!

Sau sự kiện thông báo giảm giá BĐS tới 30% của CTCP địa ốc Dầu khí (PVL) để trả nợ ngân hàng; Cty Sài Gòn Mekong cũng xác nhận giảm giá bán 500 căn hộ dự án An Tiến tại Nhà Bè, TPHCM so với giá gốc gần 30% để thu hồi vốn tìm kiếm cơ hội mới.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, không nên quá bất ngờ về các tuyên bố này, bởi nếu các doanh nghiệp không nhanh chân hạ giá sớm, nhiều khả năng sang năm 2012, giá bán bất động sản chỉ còn một nửa!

Còn giảm sâu


Trả lời phỏng vấn của PV chiều 1.11, TS Phạm Sỹ Liêm đã thẳng thắn cho rằng, giá BĐS đáng lẽ phải hạ từ sớm, chứ không phải đợi đến bây giờ mới hạ. “Nếu nhà kinh doanh BĐS nào có kinh nghiệm thì họ đã phải làm việc đó từ lâu rồi. Hiện nay có thực tế là nhiều DN hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS đang làm ăn theo kiểu “cầu may”, hy vọng đến cuối năm 2011, bức tranh kinh tế sẽ khá hơn nhưng sau khi nghe ngóng, đến hết quý III/2011 nhưng kinh tế vẫn không mấy khởi sắc; triển vọng năm 2012 cũng vẫn còn u ám nên đến giờ họ mới chịu hạ giá. Tôi cho rằng, đây mới chỉ là sự khởi đầu, từ nay đến cuối năm và sang đến cả năm 2012, nhiều DN sẽ buộc phải hạ giá BĐS nữa nếu muốn tồn tại” - TS Liêm nói.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, nền kinh tế của Việt Nam là một bộ phận của nền kinh tế thế giới, trong khi nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn thì nền kinh tế Việt Nam không ra ngoài quỹ đạo đó. “Khó có thể nói nền kinh tế của ta đang đình trệ nhưng việc suy thoái, năm sau tăng trưởng giảm hơn so với năm trước thì là khó tránh khỏi. Ở Mỹ từ cách đây vài năm, các DN kinh doanh BĐS đã chấp nhận cắt lỗ, giảm giá đến 50% thì việc các DN Việt Nam đứng trước sức ép trả nợ ngân hàng, buộc phải giảm giá cũng là dễ hiểu” - ông Liêm phân tích.

Điều đáng lo ngại là - TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng - vừa rồi thị trường BĐS mới chứng kiến việc vỡ nợ, phá sản của giới đầu cơ BĐS, nhưng sang năm 2012 mới là dự báo các vụ vỡ nợ tiếp theo của các nhà kinh doanh BĐS, đặc biệt là của giới chuyên mua đi bán lại vì thị trường sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng mất thanh khoản do giá giảm mạnh. Với các chủ đầu tư dự án thì TS khuyến cáo, các chủ đầu tư nào tinh nhanh thì càng nên đưa ra quyết định hạ giá bán sớm vì lúc này đây vẫn là chiêu thức còn lạ lẫm nên bán còn có người mua, chứ để đến lúc các đại gia BĐS đồng khởi hạ giá thì lúc ấy muốn bán cũng không bán được.

Theo dự báo, giá bất động sản còn tiếp tục giảm sâu (ảnh minh hoạ). Ảnh: Giang Huy

Không nên nghiêm trọng hoá vấn đề

Đây là quan điểm của GS-TSKH Đặng Hùng Võ trong cuộc trao đổi với PV chiều 1.11. Ông cũng đồng ý với quan điểm của TS Phạm Sỹ Liêm khi cho rằng, việc hạ giá “sốc” của đây là bước khởi đầu cho một đợt bán tháo BĐS trong thời gian tới. Bong bóng BĐS đang xì hơi và giá BĐS đang trở về với giá trị thực.

Theo GS Đặng Hùng Võ, việc chấp nhận giảm giá đến 30% của PVL cho thấy đây là một tín hiệu tốt, đưa giá nhà đất trở về gần với giá trị thực và người dân có thêm điều kiện để mua được nhà để ở. “Cần phải thấy đây là một hiện tượng hoàn toàn bình thường, theo đúng quy luật của thị trường. Trên thực tế, ngay cả khi bán với giá đã giảm đến 30%, tôi cho rằng các DN cũng chỉ là giảm lãi, chứ chưa đến mức lỗ. Mà cả một thời gian dài, DN đã kiếm lợi nhuận lớn trên thị trường BĐS, thì việc giảm lãi, thậm chí có bán hòa vốn một phần dự án cũng là việc bình thường, chấp nhận được” - GS Võ nhận xét.

“Quả bóng giá bơm căng một thời gian dài, nay xì hơi là chuyện đương nhiên. Sau PVL, chắc chắn sẽ còn nhiều DN phải giảm giá nhà đất. Việc này sẽ giúp thị trường BĐS dần ổn định” - GS Võ nói.

GS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng không nên quá lo ngại việc bán tháo nhà đất có thể gây ra những hệ lụy xấu cho nền kinh tế, vì mức độ giảm giá này nếu có ảnh hưởng thì cũng không đáng kể đến các ngành khác và TTCK vốn đã trầm lắng. Cả thời gian dài DN lãi to nên nay thua lỗ cũng phải chấp nhận. Nhà nước chỉ nên can thiệp vào thị trường BĐS khi gây ra sự đổ vỡ rộng hơn với số lượng rất lớn DN thua lỗ nặng, mất khả năng thanh khoản.

“Việc các NĐT BĐS gặt hái quá lớn trong quá khứ do phát triển nóng thì hệ quả đình đốn về gặt hái lợi ích ngày hôm nay do lạm phát là một quan hệ nhân - quả đúng quy luật. Các NĐT BĐS phải chủ động tìm giải pháp cho mình, không nên có ý thức bị động bắt Nhà nước phải can thiệp. Việc nhiều NĐT chuyển hướng đầu tư sang khu vực đang có nhu cầu thực có khả năng thanh toán (xây nhà ở chung cư tư nhân); hay giảm mạnh giá bán như PVL để thu hồi vốn tìm kiếm hướng đầu tư mới... theo tôi, là một hướng đi đúng và là một quá trình tất yếu để hướng tới một thị trường lành mạnh hơn, giá cả hợp lý hơn và người tham gia chuyên nghiệp hơn” - GS Võ khẳng định.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM: Có lợi cho người mua

Giảm giá là giải pháp tốt nhất trong thời điểm hiện nay, có thể DN chấp nhận lỗ ở dự án này nhưng có thể xoay được tiền để cứu dự án khác hoặc chấp nhập cắt lỗ để vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay... DN BĐS đang phải đối mặt với một thực tế khắc nghiệt, áp lực, bắt buộc phải chọn lựa các giải pháp. Các giải pháp thì không thể có giải pháp tốt và xấu để chọn mà phải chọn giữa cái xấu và cái ít xấu hơn...

Tuy nhiên, đứng ở mặt khác mà nói, việc giảm giá bán căn hộ, tạo nên một mặt bằng giá mới thấp hơn là có lợi cho người mua.



DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động