Phú Thọ: Đất lấn chiếm nhưng vẫn đòi đền bù

Cập nhật 24/08/2007 17:00

Đến cuối năm 1999, Tam Thanh tách huyện, xã La Phù trở lại là trung tâm hành chính của huyện Thanh Thủy và theo đó, nhiều “thôn cùng, xóm vắng” bỗng chốc thành trung tâm huyện.

Sau hơn 20 năm sáp nhập chung với huyện Tam Nông thành huyện Tam Thanh, xã La Phù không còn là trung tâm huyện lỵ Thanh Thủy. Cơ sở vật chất trước đây là trụ sở các cơ quan Nhà nước dần biến mất; nhà cửa, đất đai nơi chuyển mục đích khác, nơi bán thanh lý cho nhân dân. Đến cuối năm 1999, Tam Thanh tách huyện, xã La Phù trở lại là trung tâm hành chính của huyện Thanh Thủy và theo đó, nhiều “thôn cùng, xóm vắng” bỗng chốc thành trung tâm huyện.

Trong điều kiện đồng thời tập trung giải quyết nhiều công trình liên quan tới giải phóng mặt bằng, huyện Thanh Thủy cố gắng thực hiện đúng với qui hoạch chung, đảm bảo chính sách pháp luật về đất đai nhưng trong quá trình thực hiện chưa được một số cá nhân ủng hộ.
 
Ngay tại khu đồi lương thực trong khuôn viên Kho bạc, Đài truyền thanh và Ban chỉ huy quân sự huyện, đến nay vẫn còn 3 hộ dân đang sinh sống chưa di rời. Trong đó Kho bạc Nhà nước huyện Thanh Thủy dù đã có trụ sở khang trang nhưng lại không có đường ra, vào, phải đi nhờ Đài truyền thanh.

Theo qui hoạch xây dựng, Quyết định 2771 và Quyết định 1506 của UBND tỉnh, trụ sở Kho bạc Nhà nước huyện Thanh Thủy được xây dựng trên diện tích 1.490m2, trong đó có 1.290m2 đất đồi bạch đàn do xã La Phù quản lý và 200m2 đất thổ cư của gia đình bà Nguyễn Thị Loan. Hội đồng giải phóng mặt bằng của huyện, xã La Phù đã làm đầy đủ các thủ tục thu hồi đền bù giải phóng mặt bằng khu đất cùng với các khu vực xung quanh, cấp đất ở mới cho các hộ có nhu cầu tái định cư.

Trong đó gia đình bà Nguyễn Thị Loan đã được giao 120m2 đất ở tại khu vực đầm Ao San - nơi quy hoạch làm khu dân cư trung tâm huyện từ năm 2002. Hiện gia đình đã làm nhà và cho một người con sinh sống. Thế nhưng gia đình bà Loan vẫn không chịu di rời trả lại mặt bằng cho Nhà nước, thậm chí bà Loan có đơn khiếu nại đòi Nhà nước phải đền bù thêm 400m2 đất thổ cư, cấp thêm một ô đất ở...

Trở lại mảnh đất nơi gia đình bà Loan đang sinh sống dọc theo TL 316B có chiều ngang vừa bằng khuôn viên của cơ quan Kho bạc. Nơi này xa xưa là cơ quan chi điểm Ngân hàng Thanh Thủy. Tháng 7 năm 1981 ông Trương Minh Chuyên là chồng bà Loan vốn là cán bộ ngân hàng xin mua lại 3 gian nhà lá cũ. Năm 1993 ông Chuyên tiếp tục xin xã La Phù, huyện Tam Thanh hợp lý hóa đất ở.

Sau khi xem xét cuối năm 1993 UBND huyện Tam Thanh cho phép chuyển nhượng tài sản và giao đất ở cho gia đình ông Chuyên 200m2. Ngày 16 - 1 - 1997 gia đình ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ở với diện tích sử dụng 200m2. Từ đó đến khi có chủ trương thu hồi đất để làm cơ quan kho bạc xã La Phù, gia đình ông Chuyên không có khiếu nại gì. Khi kiểm tra thực tế mảnh đất đang sử dụng của gia đình ông Chuyên - bà Loan lên tới 600m2.

Căn cứ vào bản đồ lập khi cấp GCNQSDĐ cho gia đình bà Loan năm 1997, lịch sử đất đai trong khu vực trừ 200m2 đất huyện Tam Thanh đã giao cho gia đình phần còn lại do gia đình lấn chiếm đất thuộc cơ quan Ngân hàng, Lương thực cũ quản lý. Khi các cơ quan giải thể thì thuộc về xã La Phù quản lý. Ngay giai đoạn lập biên bản kiểm kê giải phóng mặt bằng của huyện Thanh Thủy cuối tháng 11 - 2001 gia đình bà Loan đã ký công nhận gia đình có 200m2 đất thổ cư, cùng cây cối hoa màu, vật kiến trúc trên khuôn viên gia đình quản lý.

Căn cứ theo chính sách đất đai, điều kiện cụ thể của huyện Thanh Thủy gia đình bà Loan được đền bù khi giải phóng mặt bằng 200m2 đất và được giao 1 ô đất tái định cư là đúng. Rất tiếc từ năm 2001- 2003 gia đình một phần tranh thủ ưu ái của huyện để nhận đất tái định cư, một phần tìm kiếm sự “ủng hộ” không đúng với chủ trương, chính sách để chây ỳ việc di rời, trả mặt bằng, khiếu nại đòi hỏi Nhà nước phải đền bù phần đất gia đình lấn chiếm sử dụng ngoài bìa đỏ. Trong đó có cả sự tắc trách của một số cán bộ xã La Phù.

Việc kéo dài, chuyện giải phóng mặt bằng khu vực đồi Lương thực đang tạo ra những vấn đề rất phức tạp. Ngay bản thân các gia đình trong diện di rời cũng phải chịu cảnh bức xúc. Khổ nhất vẫn là cơ quan Nhà nước phải sống chung với nhà dân. Đặc biệt Kho bạc huyện - một cơ quan ngày nào cũng có người đến giao dịch song đành đi nhờ cổng cơ quan khác để vào cửa sau.

Đã gần 10 năm tái lập huyện, 7 - 8 năm về trụ sở mới mà điều kiện ăn, ở, đi lại vẫn còn nhiều bức xúc, năm nào cũng kiến nghị, kỳ họp nào cũng nêu ra, huyện, tỉnh mất bao công sức giải quyết. Hy vọng các cơ quan chức năng sớm có biện pháp kiên quyết, xử lý xong vấn đề tồn tại giải phóng mặt bằng ở khu vực Kho bạc nói riêng, khu đồi Lương thực nói chung tạo sự ổn định góp phần xây dựng La Phù sớm trở thành đô thị.

Theo Bộ TN & MT VN