Phú Quốc thức giấc

Cập nhật 09/07/2015 10:18

Cách đây 2 năm, dự án BĐS nghỉ dưỡng Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) hầu hết rơi vào tình trạng đóng băng, hoạt động xây dựng và bán hàng ngưng trệ. Nhưng thời gian gần đây, giới kinh doanh BĐS bắt đầu rỉ tai nhau BĐS Phú Quốc đang diễn ra cơn sốt, giá đất tăng gấp 4-5 lần, nhà đầu tư khắp nơi đổ xô ra đây đầu tư.

Cách đây 2 năm, dự án BĐS nghỉ dưỡng Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) hầu hết rơi vào tình trạng đóng băng, hoạt động xây dựng và bán hàng ngưng trệ. Nhưng thời gian gần đây, giới kinh doanh BĐS bắt đầu rỉ tai nhau BĐS Phú Quốc đang diễn ra cơn sốt, giá đất tăng gấp 4-5 lần, nhà đầu tư khắp nơi đổ xô ra đây đầu tư.

Cuộc đua của những ông lớn


Phú Quốc vốn được đánh giá rất có tiềm năng phát triển BĐS nghỉ dưỡng nhờ lợi thế có rừng nguyên sinh (chiếm 62% diện tích huyện đảo) và nhiều danh thắng dọc bờ biển tuyệt đẹp, kéo dài hàng trăm km. BĐS nghỉ dưỡng Phú Quốc từ lâu đã được các ông lớn nhòm ngó, xí phần, nhưng hoạt động đầu tư thực chất chỉ bắt đầu khi Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được khánh thành vào cuối năm 2012.

Theo số liệu từ Ban quản lý phát triển đảo Phú Quốc, đến nay tổng cộng có khoảng 8.000ha đất cho 202 dự án đã được chấp thuận đầu tư, nguồn vốn đầu tư lên tới trên 144.000 tỷ đồng, tức trên 6 tỷ USD. Trong đó, 21 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động và 13 dự án đang triển khai xây dựng với diện tích 553ha. Phú Quốc có 20 dự án đầu tư vốn FDI.

Nổi bật trong số các đại gia địa ốc đến với Phú Quốc không ai khác là Vingroup. Dự án Vinpearl Phú Quốc do Vingroup đầu tư có quy mô 304ha, tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng. Cuối năm 2014, khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl đã hoàn thành giai đoạn 1. Các hạng mục đã hoàn thành gồm: khu khách sạn 5 sao 750 phòng, 31 căn biệt thự; khu vui chơi giải trí ngoài trời và trong nhà Vinpearland; sân golf 27 lỗ…

Trong những ngày đầu tháng 7, ghi nhận cho thấy lượng du khách trong nước lẫn quốc tế đến nghỉ dưỡng tại Vinpearl khá đông, công suất hoạt động các loại hình dịch vụ gần như đạt 100%. Hiện tại, Vingroup cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng để sớm đưa vào khai thác giai đoạn 2 (tổ hợp khách sạn hạng sang và 231 căn biệt thự).

Sau thành công tại các dự án du lịch nghỉ dưỡng tại Đồng Nai (Giang Điền, Suối Mơ), ông Nguyễn Khánh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT LDG Group, cho biết đã quyết định đầu tư 4.600 tỷ đồng vào dự án Grand World (Bãi Dài - Phú Quốc), nằm liền kề Vinpearl. Dự án có quy mô trên 85ha, bao gồm 4 khu biệt thự nghỉ dưỡng với 447 căn, 104 nhà bungalow cao cấp hướng biển.

Đặc biệt, khu dịch vụ du lịch và khách sạn (condotel) tiêu chuẩn 5 sao cao 7 tầng, tổng cộng có 496 căn. Trong tháng 7-2014, LDG Group đã tiến hành xây dựng giai đoạn 1 gồm các hạng mục tại khu condotel, khu vui chơi giải trí, cổng chào, đường giao thông…

Ngoài dự án Vinpearl Phú Quốc của Tập đoàn Vingroup, Grand World của LDG Group, BĐS Phú Quốc còn nổi lên rất nhiều cái tên đình đám khác. Đó là Tập đoàn FLC - dự án bãi Vòng, tổng vốn đầu tư 28.000 tỷ đồng; CEO Group - dự án Sonasea Resort & Villas (80ha), tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng; BIM Group - khách sạn 5 sao Crowne Plaza; Nam Cường - dự án khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng rộng hơn 32ha, tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng; Sun Group - dự án 100ha tại Bãi Khem và Bãi Sao; Công ty Thanh Yến Land - 3 dự án đất nền có vị trí đắc địa, với tổng quỹ đất 150ha...

Nút thắt đã được gỡ

Theo thống kê của UBND huyện Phú Quốc, năm 2014, toàn đảo Phú Quốc có hơn 4.000 phòng nghỉ, đáp ứng nhu cầu lưu trú bình quân cho 7.000-8.000 khách/ngày. Nhưng vào những mùa cao điểm du lịch, lượng phòng này không đủ đáp ứng nhu cầu của du khách.

Do đó, tại Phú Quốc nhiều dự án khách sạn, resort đang được đầu tư xây dựng. Nhiều cơ sở lưu trú ở huyện đảo đang mở rộng quy mô, tăng lượng phòng để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách, đáp ứng yêu cầu của một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Theo ông Nguyễn Khánh Hưng, Phú Quốc tuy được xem là điểm đến lý tưởng của du lịch và đầu tư. Nhưng nhìn chung, các loại hình dịch vụ tại Phú Quốc còn khá thiếu thốn, manh mún, thiếu chuyên nghiệp. Do đó, LDG Group tới đây sẽ tiến hành đàm phán với Tập đoàn Ascott (Singapore), nhà điều hành kinh doanh căn hộ dịch vụ quốc tế lớn nhất thế giới với chuỗi thương hiệu Somerset, Citadines, Quest và các tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng khác như Carlson (Australia), Pan Pacific (Singapore), Swiss International (Thụy Sĩ)… Mục đích để tạo ra một không gian sống đẳng cấp, gần gũi thiên nhiên và môi trường đầu tư kinh doanh sinh lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà đầu tư tại Grand World.

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng giám đốc Thanh Yến Land, nhận định, cùng với đà phục hồi thị trường, BĐS Phú Quốc có nhiều ưu điểm khiến giới đầu tư thèm khát. Thứ nhất, đặc trưng BĐS Phú Quốc có 4 mặt bao quanh là biển, khí hậu mát mẻ, ôn hòa, đây thật sự là môi trường an cư nghỉ dưỡng tuyệt vời.

Thứ hai, 3/4 diện tích của Phú Quốc là núi rừng nguyên sinh, quỹ đất có giới hạn nhất định, đã được quy hoạch bài bản giữa các khu du lịch nghỉ dưỡng và các khu dân cư tập trung.

Thứ ba, Phú Quốc được định hướng sẽ phát triển thành khu kinh tế đặc biệt và hướng đến đặc khu kinh tế nên sẽ có chính sách phát triển ưu đãi đặc thù. Phú Quốc có vị trí địa lý tách rời với đất liền nên rất đảm bảo về an ninh.

LDG Group đã đầu tư 4.600 tỷ đồng vào dự án Grand Work ở Bãi Dài, Phú Quốc. Ảnh: MINH TUẤN

Ngoài ra, ông Minh, cho rằng, lâu nay cơ sở hạ tầng là nút thắt lớn nhất khiến các nhà đầu tư lâu nay e dè đầu tư tại Phú Quốc. Đáng mừng là những khó khăn này hiện đã dần được tháo gỡ khi sân bay mới, trục giao thông Bắc - Nam dài 51,5km đã hoàn thành đưa vào khai thác. Phú Quốc cũng đang triển khai xây dựng 50km đầu tiên của tuyến đường 100km vòng quanh đảo, với tổng vốn đầu tư toàn tuyến lên đến 3.000 tỷ đồng.

Hơn nữa, kể từ ngày 1-7, Việt kiều được mua nhà như người trong nước, người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam cũng được phép mua nhà ở… Chắc chắn sẽ là cú hích quan trọng để hoạt động đầu tư và du lịch ở Phú Quốc bước vào giai đoạn bùng nổ.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư