Phòng chống sạt lở ở TP.HCM: Chống nơi này, lở nơi khác!

Cập nhật 04/04/2009 09:20

53.000 m đất ven sông đứng trước nguy cơ sạt lở - Việc phòng chống sạt lở ở TPHCM không có kế hoạch cụ thể và rất bị động.

53.000 m đất ven sông đứng trước nguy cơ sạt lở - Việc phòng chống sạt lở ở TPHCM không có kế hoạch cụ thể và rất bị động.

Theo Sở GTVT TPHCM, trong năm 2009 trên địa bàn TP có 62 điểm với tổng chiều dài 53.000 m đất ven sông có nguy cơ sạt lở, con số này tăng gần gấp đôi so với năm 2008.

Chưa thể cảnh báo nguy cơ ở các điểm mới

Ông Trần Thế Kỷ, Trưởng Phòng Quản lý giao thông thủy - Sở GTVT TPHCM, cho biết hai khu vực sạt lở nghiêm trọng nhất tập trung ở huyện Nhà Bè (ven sông Mương Chuối, Phú Xuân, Rạch Giồng, Rạch Tôm...) và khu bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Những điểm sạt lở mới tập trung nhiều nhất ở Nhà Bè, nằm về phía sông Soài Rạp do luồng Soài Rạp mới nạo vét và đưa vào sử dụng, trong quá trình khai thác luồng tuyến có thể gây những tác động cộng với thủy triều lên xuống bất thường gây nguy cơ sạt lở.

Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Khu Đường sông TPHCM, thừa nhận: Bản chất của cảnh báo sạt lở hiện nay là cảnh báo nguy cơ... sạt tiếp tại các điểm cũ chứ chưa thể cảnh báo nguy cơ các điểm mới vì TP không đủ kinh phí và thiết bị.

Tiến sĩ Đinh Công Sản, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, nhận xét: Việc phòng chống sạt lở của TP không có kế hoạch cụ thể và rất bị động: Lở đâu chống ở đó, không tuân theo một quy hoạch chỉnh trị sông nên chống sạt lở nơi này có khi lại gây ra sạt lở ở nơi khác. “Quy luật xói bồi bị phá vỡ, nguy cơ sạt lở không hạn chế được mà còn gia tăng”- ông Sản nhấn mạnh.

Kè chống sạt lở chưa phát huy tác dụng

Trên thực tế, có nhiều vụ sạt lở đã xảy ra tại kè chống sạt lở như kè Rạch Tôm, kè khu vực bến đò Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), kè sông Tắc, sông Chà (huyện Cần Giờ)... Ông Kỷ cho rằng thời gian từ khi khảo sát đến khi khởi công cả hàng năm, không loại trừ việc xuất hiện nhiều công trình làm thay đổi dòng chảy và địa chất sông rạch, năng lực chủ đầu tư kém nên không quan trắc hết khu vực xung quanh.

Nhiều người dân ở đường Tầm Vu, phường 26, quận Bình Thạnh - TPHCM quay về địa điểm sạt lở sinh sống, buôn bán. Ảnh: T.Sương



Chưa kể, nhiều khu vực sạt lở nhưng các công trình chống sạt lở trên địa bàn TP chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo Phòng Quản lý giao thông thủy Sở GTVT, hiện có 18 công trình kè chống sạt lở với tổng chiều dài khoảng 11.988 m, tập trung tại những khu vực có dân cư đông. Trong quý IV/2008, TP đã khởi công xây dựng thêm 3 công trình dự kiến đến tháng 11-2009 sẽ hoàn tất, từ nay đến cuối năm 2009, nếu hoàn tất việc giải phóng mặt bằng sẽ khởi công thêm 4 công trình, tất cả đều ở huyện Nhà Bè, tổng mức đầu tư cho 7 công trình này là 115 tỉ đồng. Nhưng xem ra không mấy sáng sủa vì kế hoạch ghi vốn cho đợt 1 năm 2009 chỉ có 10 tỉ đồng.

Mặt khác, các công trình chống sạt lở hiện nay thiên về mặt an sinh xã hội nên các chủ đầu tư không “mặn mà”. Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Khu Đường sông - chủ đầu tư của nhiều công trình kè chống sạt lở, cho biết: Công trình kè đoạn 1.1 Thanh Đa được đưa vào sử dụng từ đầu năm nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn nợ đơn vị thi công 8 tỉ đồng.

Bó tay với... di dời


Trong khi chờ TP có đủ kinh phí xây kè, phương án chống sạt lở trước mắt là cắm bảng cảnh báo, di dời dân đến nơi an toàn... Tuy nhiên, phương án này tỏ ra không mấy hiệu quả do địa phương không đủ quỹ nhà đất để người dân di dời cũng như vì mưu sinh, người dân liều sống tại những nơi sạt lở.

Tại khu vực đường Tầm Vu (phường 26, quận Bình Thạnh) nơi đã bị sạt lở lớn vào năm 2007 và năm 2008, do tác động của những vụ sạt lở, đường Tầm Vu đã xuống cấp nặng, nhiều ngôi nhà có dấu hiệu sụt lún, chỉ còn một nửa nằm chênh vênh trên mặt nước. Chiều rộng hành lang kênh Thanh Đa là 50 m theo Quyết định 150 của TP về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch nhưng người dân vẫn trở về sinh sống, buôn bán kinh doanh sát mép sông. Một số người cho biết họ đã được bố trí căn hộ chung cư Nguyễn Huy Lượng (quận Gò Vấp) nhưng ở trên cao không thể buôn bán nên đành chấp nhận liều mình làm ăn chung với sạt lở!

Hàng ngàn căn nhà phải di dời

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TPHCM, trong năm 2008, trên địa bàn TP xảy ra 7 vụ sạt lở, cuốn trôi trên 6.000 m2 đất, thiệt hại 15 căn nhà (7 căn bị sụp hoàn toàn xuống sông) và làm bị thương 4 người.

Qua khảo sát thực tế, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TP cho biết tình hình sạt lở trên địa bàn TP ngày càng diễn biến phức tạp và xảy ra trên diện rộng. Thời gian tới, có hàng ngàn căn nhà cần phải di dời do ảnh hưởng các điểm sạt lở.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động