Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS chỉ đạo, không cấm cấp phép đầu tư dự án mới.
Tờ VOV đưa tin, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 177/2014 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tại cuộc họp Ban Chỉ đạo (sáng 18/4/2014).
Trong đó, với đề xuất của Bộ Xây dựng trong việc không cấp phép các dự án nhà ở thương mại trong năm 2014, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện việc quản lý thị trường bất động sản theo Chỉ thị số 2196 ngày 6/21/2011 của Thủ tướng Chính phủ; hạn chế tối đa các dự án nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới.
Như vậy, theo chỉ đạo này, sẽ không cấm cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014 (trừ các các dự án nhà ở xã hội; nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; dự án cải tạo nhà chung cư cũ) như đề xuất của Bộ Xây dựng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo không cấm cấp phép đầu tư dự án mới
|
Trước đó, tại Tờ trình số 22 ngày 22/4/2014, Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ bổ sung một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014.
Kiến nghị của Bộ Xây dựng ngay sau khi được công bố, bên cạnh những ý kiến ủng hộ có rất nhiều ý kiến phải đối và cho rằng cách làm này là phi thị trường.
Cụ thể, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nêu quan điểm, thay vì không cấp phép đầu tư dự án nhà thương mại mới thì Hà Nội đề nghị chỉnh chính sách, yêu cầu địa phương tăng cường rà soát, kiên quyết dừng những dự án chậm tiến độ vì thiếu nguồn lực. Còn nếu dự án khó khăn trong giải phóng mặt bằng thì cho phép điều chỉnh quy mô, tiến độ và nhà đầu tư khi đó phải chứng minh năng lực triển khai dự án.
Như thế, hướng điều chỉnh đưa ra là “nhắm”… xử những dự án cũ không đảm bảo chứ không phải “chặn” dự án mới.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, lệnh cấm vô hình chung tạo lợi thế cho các dự án nhà ở thương mại khác đang vận hành, giải quyết hàng tồn kho trước mắt nhưng tương lai thị trường sẽ thiếu nguồn cung trong khi nhu cầu của người thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị về các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ vẫn tăng lên.
“Bản thân các dự án nhà ở thương mại này không phải là dự án có sự hỗ trợ của nhà nước, nó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và việc đầu tư phát triển dự án này tùy thuộc vào quan hệ cung cầu mà đây là nhu cầu thực của thị trường”, ông Hoàng Châu nói.
Trước những ý kiến không đồng tình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã nhiều lần lý giải nguyên nhân của đề xuất. Gần đây nhất là tại chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời diễn ra vào tối 27/4.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng giải thích rằng, Việt Nam đang phát triển một nền kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Nghĩa là cùng một lúc, chúng ta phải tôn trọng các yếu tố của kinh tế thị trường, nhưng không thể né tránh sự quản lý của Nhà nước để làm cho thị trường này phát triển lành mạnh.
"Trong một thời gian dài, chúng ta đã quá tôn trọng thị trường. Tư tưởng thị trường hóa ở trong quá trình quản lý, nên thị trường phát triển tự phát, theo phong trào, dẫn tới những khó khăn của thị trường BĐS trong thời gian vừa qua và đến hôm nay chúng ta đang phải tháo gỡ khó khăn cho nó", Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng thông tin, hiện nay, cả nước có trên 4.000 dự án nhà ở, sử dụng tới 102.000 ha đất. Nếu đầu tư tất cả các dự án này phải mất khoảng 4,5 triệu tỷ đồng, tạo ra gần 3 triệu căn hộ.
"Với khả năng của nền kinh tế hiện nay thì không thể nào trong trung hạn chúng ta có thể giải quyết được khối lượng các dự án như vậy", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: "Như vậy, trong khi chúng ta đang phải dừng các dự án đã cấp phép rồi, không có lý do gì chúng ta lại cấp phép mới".
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt